Dấu ấn Donald Trump trong lần đầu xuất hiện tại Đại Hội đồng LHQ
VOV.VN - 40 phút xuất hiện trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc của ông Trump đã giúp lãnh đạo thế giới hiểu sâu sắc về Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Theo AP, việc lần đầu tiên phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc luôn là một dấu mốc đáng ghi nhớ đối với bất kỳ một nhà lãnh đạo nào. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này càng có ý nghĩa hơn bởi sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với nhà lãnh đạo nổi tiếng “khó dự đoán trước” là hết sức lớn lao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
Sự thay đổi “hết sức tích cực”
Hơn thế nữa, trước khi xuất hiện tại phòng họp chính Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump luôn là một người thường xuyên có những lời lẽ gay gắt nhằm vào cơ quan lớn nhất thế giới này. Theo ông Trump, Liên Hợp Quốc là tổ chức quá trì trệ và cần sự cải tổ sâu rộng.
Tuy nhiên, những lời lẽ ấy hoàn toàn không xuất hiện trong bài phát biểu đầu tiên của ông Trump trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ lại kêu gọi lãnh đạo các nước đoàn kết chống lại những nguy cơ đang hiển hiện trên toàn cầu, điều mà Liên Hợp Quốc rất mong đợi từ một nhà lãnh đạo Mỹ.
Sự thay đổi này được các chuyên gia đánh giá là hết sức tích cực bởi đây là lần đầu tiên rất nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu có dịp trực tiếp lắng nghe bài phát biểu của ông Trump. Đây cũng là cơ hội để họ “cân, đo, đong, đếm” từng lời của nhà lãnh đạo Mỹ. Chính vì thế, việc ông Trump có thể tạo ra dấu ấn sâu đậm với họ là rất cần thiết.
“Thông điệp của ông Trump mở ra cơ hội rộng lớn với rất nhiều quốc gia trên thế giới bởi hầu hết trong số này đều mong muốn được hợp tác với Mỹ. Tổng thống Trump đã cho thấy sự cởi mở đầy bất ngờ của mình”, ông Jon Alterman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến Liên Hợp Quốc “thở phào nhẹ nhõm” khi cam kết Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò đóng góp hàng đầu cho mọi hoạt động của Liên Hợp Quốc dù ông vẫn yêu cầu các nước khác cần đóng góp nhiều hơn. Điều này là đặc biệt quan trọng bởi chỉ riêng Mỹ đã đóng góp tới 22% ngân sách hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Khoảnh khắc “ý tại ngôn ngoại” ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72
Vực dậy và giúp Liên Hợp Quốc “trở nên vĩ đại”
Quan trọng hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra được một cam kết được cho là làm nức lòng cộng đồng quốc tế. Chỉ bằng việc sửa lại khẩu hiệu tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã truyền đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ và tích cực tới Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, thông điệp chính mà tôi muốn truyền đạt là “khiến cho Liên Hợp Quốc trở nên vĩ đại. Trở nên vĩ đại chứ không phải là trở nên vĩ đại trở lại.
“Đó là một mục tiêu hết sức lớn lao và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể chung tay thực hiện được mục tiêu này”, ông Trump nói, dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn không quên chỉ trích việc chi tiêu bất hợp lý của Liên Hợp Quốc và tuyên bố: “Chúng ta chưa nhận được những kết quả tương xứng so với những gì đã bỏ ra”.
Dù vậy, ông Trump vẫn cam kết Mỹ “sẽ luôn sát cánh cùng các bạn” để biến Liên Hợp Quốc trở thành một lực lượng hết sức hiệu quả trong việc bảo đảm hòa bình thế giới.
Tổng thống Donald Trump cũng ca ngợi việc Liên Hợp Quốc có những bước đi đầu tiên trong việc cải tổ trong khi không đề cập đến lời đe dọa sẽ rút tiền đóng góp cho tổ chức này như trước đây.
Giọng điệu đầy cẩn trọng của ông Trump tương phản sâu sắc với cách tiếp cận có phần trực diện hơn của Tổng thống Mỹ tại trụ sở NATO hồi tháng 5 khi ông công khai chỉ trích các quốc gia thành viên là không chịu chi đủ tiền cho hoạt động của NATO và tuyên bố sẽ không tiếp tục rót tiền hỗ trợ cho mục tiêu bảo vệ an ninh nội khối.
Thông điệp bài phát biểu của Tổng thống Mỹ trước Đại Hội đồng LHQ
Nhưng vẫn “đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu”
Dù liên tục trấn an các nhà lãnh đạo quốc tế tham dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không quên nhắc lại tinh thần “đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu” trong bài phát biểu của mình.
Điều này được thể hiện ngay từ khi ông Trump thực hiện chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ và đưa ra những quyết định hết sức gây tranh cãi như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Ngoài ra, ông Trump cũng nhiều lần lên tiếng hoài nghi về việc Mỹ phải đảm bảo sự hiện diện đồng thời và mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong các cuộc họp với giới chức ngoại giao, quân sự và tình báo Mỹ, Tổng thống Trump thường xuyên đặt câu hỏi về việc Mỹ có cần sử dụng tới các nguồn lực khổng lồ để đạt được mục tiêu này hay không.
Nhiều chuyên gia thậm chí từng chỉ trích ông Trump là đã quá thực dụng khi chỉ đưa ra những quyết định có lợi cho Mỹ nhưng chính Tổng thống Mỹ cũng công khai tuyên bố trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc rằng: “Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Mỹ là phục vụ người dân Mỹ, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo an toàn, quyền lợi và bảo vệ các giá trị của họ.
Với tư cách là Tổng thống của nước Mỹ, tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu và các ngài, những nhà lãnh đạo của các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ luôn làm như thế”.
Tuy nhiên, chính các chuyên gia cũng thừa nhận, ông Trump đã “dịu giọng” rất nhiều khi đề cập đến Liên Hợp Quốc và Tổng thống Mỹ cũng công khai hoan nghênh Hội đồng Bảo an vì đã phê chuẩn một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên- một dấu hiệu cho thấy thiện chí hàn gắn quan hệ của Tổng thống Mỹ với Liên Hợp Quốc.
Ông Brian Hook, một quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng chia sẻ quan điểm của ông Trump rằng, Liên Hợp Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong việc “mang lại một cách tiếp cận chung cho những vấn đề mang tính toàn cầu”.
Ông Hook cũng ca ngợi Tổng thống Trump và đã hợp tác rất tốt với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì mục tiêu chung được đề ra tại Hiến chương Liên Hợp Quốc trong đó có việc bảo vệ những thế hệ tương lai khỏi bóng ma chiến tranh./.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley-người lay chuyển được cả Tổng thống Donald Trump