Đáy đại dương: Những chiến trường mới
VOV.VN - Đáy đại dương đang trở thành nơi thể hiện tương quan sức mạnh giữa các cường quốc hải quân. Nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như các loại cáp dưới đáy biển, lực lượng hải quân Pháp đang phát triển nhiều năng lực mới.
Những sĩ quan tàu ngầm gọi đáy đại dương là “vùng biển đen”, cũng giống như cách ta hay nói về các trang web đen. Giống như chiều sâu của internet, đại dương cũng có những bí ẩn riêng. Dưới đáy biển, hầu như mọi thứ đều có thể nếu ta tiếp cận được. Đáy biển không có đường biên giới, các quy định trên thế giới không rõ ràng. Tuy nhiên, đáy biển rất giàu tài nguyên khoáng sản và dầu khí mà con người có thể khai thác.
Đáy biển, nói theo cách văn hoa, cũng là nơi “cư ngụ” của các loại cáp, những thứ duy trì sự liên lạc trên thế giới. Hơn 95% các dữ liệu được truyền tải qua đây. Vì vậy, quân đội các cường quốc quan tâm tới việc kiểm soát những vùng biển này là hoàn toàn lô gic.
Gần đây, một thuật ngữ mới đã được đưa vào từ điển chiến lược của Pháp, đó là “seabed warfare” hay “Cuộc chiến dưới đáy đại dương”. Thuật ngữ này đã xuất hiện trong Tạp chí chiến lược, bản cập nhật tháng 1/2021. Thuật ngữ này trước đó không xuất hiện trong cuốn “phân tích các thách thức quốc tế” năm 2017. Còn ngày nay, chúng ta thấy “đáy biển ngày càng trở thành nơi thể hiện tương quan sức mạnh”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cũng đã nhắc tới vấn đề này trong bài diễn văn về những sửa đổi, bổ sung đối với luật tổ chức (tài chính) của quân đội (giai đoạn 2019-2025).
Bà Florence Parly tuyên bố: “Chúng ta sẽ đầu tư vào khu vực đáy biển bằng cách trang bị những phương tiện hoạt động dưới đáy biển đầu tiên như các phương tiện bơi nhằm tiến hành điều tra và hành động” sau khi quân đội Anh công bố bản đánh giá tổng hợp (Integrated Review) tháng trước.
Từ nay đến năm 2024, Hải quân hoàng gia Anh sẽ đưa vào hoạt động thêm 1 tàu giám sát để bảo vệ hệ thống cáp dưới đáy biển và các cơ sở hạ tầng khác.
Một khu vực đang bị đe dọa
Một sĩ quan hải quân cấp cao cho biết “cuộc chiến dưới đáy biển” không phải là điều mới, nó diễn ra từ thế chiến thứ nhất: nước Anh đã tiến hành cắt cáp viễn thông của Đức. Ông này tiếp tục khẳng định “điều thay đổi ngày nay, đó là khả năng khổng lồ của hệ thống cáp. Tất cả đời sống kỹ thuật số của chúng ta phụ thuộc vào chúng”.
Có khoảng 12 hệ thống cáp giữa châu Âu và Mỹ được xem là đang gặp nguy cơ lớn. “Khu vực này có bị đe dọa không? Câu trả lời là Có”, sĩ quan hải quân này khẳng định. Nga và Trung Quốc là 2 quốc gia ít bị đe dọa nhất bởi họ đã phát triển các cách tiếp cận mang tầm châu lục đối với các hệ thống cáp.
Trong Bộ Tổng tham mưu, người ta dễ dàng nghĩ rằng, các cuộc xung đột trong tương lai sẽ diễn ra ở dưới đáy đại dương, cũng như tại các không gian siêu rộng lớn và trong bầu khí quyển. Điều này là hoàn toàn đáng tin. Một cuộc tấn công dưới đáy biển còn khó phát hiện hơn trong không gian.
Thuyền trưởng Bruno, phụ trách chương trình Năng lực thủy văn và hải dương học (Chof), cho rằng “có một sự nhận thức rằng không gian trên biển không chỉ giới hạn ở những con đường giao thương hàng hải hay các khu vực đánh bắt”. Không gian biển sẽ xếp dần những viên gạch để dựng nên một cuộc chiến tranh dưới đáy biển.
Thuyền trưởng Bruno cho rằng “nếu chúng ta muốn làm chủ không gian trên biển và trên không, chúng ta cần mở rộng phối cảnh xuống tận đáy đại dương, cần phải có khả năng bảo vệ các lợi ích của Pháp, chẳng hạn như hệ thống cáp thông tin, truyền tải năng lượng hoặc bảo vệ hệ thống cáp ra các hòn đảo hẻo lánh”. Tuy nhiên, tiếp cận khu vực biển sâu hơn 2.000m đã đòi hỏi những năng lực kỹ thuật phi thường.
Các giếng dầu sâu nhất nằm ở độ sâu 3.500m. Các nghiên cứu khoa học thường diễn ra ở độ sâu 1.000-5.000m. Hải quân Trung Quốc liên tục yêu cầu được cấp phép nghiên cứu. Tuy nhiên, độ sâu cần vươn tới là khoảng 6.000m. Sỹ quan Hải quân này cho biết “đạt tới độ sâu này, chúng ta có thể kiểm soát được 97% diện tích đáy các đại dương”.
Tính địa chính trị của hệ thống cáp
“Ai sẽ phát triển các năng lực? Thực tế là tất cả các quốc gia có liên quan. Tất cả các quốc gia đã xây dựng một lực lượng ngầm đều hướng tới khu vực đáy biển. Trong vấn đề về cứu hộ dưới biển, ngoài cứu hộ con người, còn có những vật dụng mà chúng ta không muốn để lại dưới đáy biển hoặc chúng ta muốn thu giữ”, Thuyền trưởng Bruno nói.
Vào những năm 1980, nước Mỹ đã trục vớt được một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô từ dưới đáy biển. Giờ đây, Trung Quốc đang là một đối thủ cạnh tranh thực sự trong cuộc đua dưới đáy biển. Nước này đã đặt thành công một thiết bị xuống đáy của rãnh đại dương Mariana, ở độ sâu 11.000m.
Di chuyển dưới đáy biển là một chuyện. Do thám và can thiệp là chuyện khác. Tàu “khai thác hải dương học” của Nga, tàu Yantar, luôn là đối tượng khiến các Bộ Tổng tham mưu các nước phương Tây phải lưu ý. Con tàu này được trang bị các khả năng can thiệp dưới đáy biển, thường xuyên bị phát hiện di chuyển phía trên các đường cáp.
Ông Jean-Luc Vuillemin, kỹ sư thuộc Mạng lưới Dịch vụ và Cơ sở hạ tầng quốc tế, một bộ phận kỹ thuật của tập đoàn viễn thông Pháp Orange nghi ngờ “liệu tàu Yantar có đặt các thiết bị nhằm phá hoại các đường cáp? Hoặc đặt mìn kích hoạt từ xa?”.
“Chúng ta không tìm thấy bằng chứng”, ông Vuillemin này trả lời nhưng không loại trừ bất cứ giả thuyết nào.
Đảm bảo an toàn cho hàng nghìn km dưới đáy biển là bất khả thi đối với những nhà mạng như Orange Marine (một chi nhánh của tập đoàn viễn thông Pháp – Orange). Tuy nhiên, những tập đoàn này không phải không có biện pháp để xác định vị trí một sự cố nào đó hay vị trí một đoạn cáp bị cắt.
Jean-Luc Vuillemin cho biết “cứ 80km lại có những rơ-le khuếch đại được lắp đặt, các rơ-le này được trang bị các thiết bị giám sát. Nếu một rơ-le không hoạt động, chúng ta có thể khoanh vùng được một đoạn 80km, nơi xảy ra sự cố”. Ngoài ra còn có nhiều thiết bị khác hỗ trợ việc nghiên cứu, trước khi phải cử một tàu can thiệp đến nơi xảy ra sự cố vì quá trình này thường mất nhiều ngày.
Hoạt động gián điệp
Jean-Luc Vuillemin cho biết, mỗi tháng, có khoảng 5 hoặc 6 cáp ngầm cần được sửa chữa. Các hoạt động địa chất, các tàu cá với lưới đánh cá di chuyển qua, hoặc quá trình nhổ neo cũng thường xuyên làm hư hại hệ thống cáp dưới biển. Hiện tại, chưa ghi nhận bất cứ sự cố nào mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, khó có thể biết được.
Theo ông Vuillemin “vào tháng 3/2020, một loạt sự cố cáp bị cắt đã xảy ra ở vùng biển châu Phi. Các sự cố này xảy ra theo hướng dòng chảy của sông Công-gô, một con sông mà dòng chảy rất mạnh đã tạo nên một vực sâu dưới đáy biển, trải dài hàng trăm km. Vực này đã bị sập. Nhưng điều gì đã làm nó sập?
Các đường cáp còn phải đối mặt với một nguy cơ khác, đó là bị chặn. Theo các tiết lộ, đặc biệt là của Edward Snowden, Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) đã tiến hành hoạt động gián điệp bằng cách cài cắm vào một đường cáp dưới biển. Tuy nhiên, nguy cơ về tổng thể thì tương đối hạn chế. Camille Morel, một nhà nghiên cứu đã có luận án về vấn đề địa chính trị của hệ thống cáp, cho rằng “tôi ít tin vào việc chiếm đoạt dữ liệu, ngay cả khi về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể bẻ cong một sợi cáp mà không bị phát hiện”. Xét trên luồng dữ liệu truyền tải, thực hiện việc lưu trữ và xử lý thông tin chặn được trên biển mà không bị phát hiện sẽ rất phức tạp.
Về mặt kỹ thuật, các cáp ngầm dưới biển có thể đóng một vai trò khác: Từ một sợi cáp quang, có thể nghe được từ dưới đáy biển. Thực tế, thời gian lan truyền của ánh sáng phụ thuộc lớn vào môi trường xung quanh. Nếu xác định chính xác kích cỡ của sợi cáp, có thể phát hiện được các chuyển động dưới nước. Hiện tại, chưa thể cùng lúc vừa truyền tải thông tin và vừa nghe được dưới đáy biển.
Những gì ẩn náu dưới đáy biển
Ý tưởng nghe từ dưới đáy biển đã có từ lâu. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ đã phát triển một hệ thống nghe dưới biển có tên gọi là Sosus. Chương trình này hiện đang được hiện đại hóa. Và người Mỹ không còn là những người duy nhất có thể hoạt động dưới biển.
Nga và Trung Quốc cũng có khả năng sẽ phát triển các tính năng mới của các bộ định vị bằng sóng âm dưới biển (sonar), với các dự án Vạn lý trường thành (Grande muraille) hay dự án Hòa âm (Harmony) tại Bắc Cực. Thuyền trưởng Emmanuel cho rằng “nếu các hệ thống này vận hành, hoạt động của những ai muốn tiếp cận khu vực này sẽ trở nên phức tạp”. Mất đi tính bí mật, các phương tiện ngầm sẽ không còn là bất khả xâm phạm. Chính vì vậy, cần gấp rút biết được những gì đang ẩn náu dưới biển.
Tại Pháp, Trung tâm nghiên cứu khai thác biển (Ifremer), trong lĩnh vực dân sự, có các khả năng mũi nhọn, nhưng lực lượng hải quân thì lại bộc lộ thiếu sót. Một nhân vật thạo tin trong vấn đề này so sánh “trên chiếc vợt có những lỗ thủng”.
Thuyền trưởng Emmanuel, người phụ trách nghiên cứu các năng lực cần có của hải quân, cho rằng “Định hướng đầu tiên của chúng tôi là có thể biết và hiểu, sau đó là có khả năng can thiệp”. Ông này cũng khẳng định, tại một số khu vực chiến lược “chúng ta cần được đảm bảo”.
Với chương trình Năng lực thủy văn và hải dương học (Chof), lực lượng hải quân Pháp cố gắng cải thiện nhận thức về đáy biển và cập nhật lại bản đồ mà phần lớn nội dung đã quá cũ. Các khả năng về hải dương học và thủy văn hiện nay cho phép hiểu được độ sâu nhưng không thể nắm được các chi tiết giúp xác định được các vật thể ở dưới đáy biển, chẳng hạn như mìn hoặc các thiết bị cảm biến khác.
Quá trình hiện đại hóa đã được bắt đầu để giải đáp các thách thức ở đáy biển. Bộ phận thủy văn và hải dương học của hải quân sở hữu các năng lực và các tàu khai thác như tàu “Beautemps-Beaupré” hay tàu “Pourquoi Pas?”. Các phương tiện khác sẽ tiếp tục được hiện đại hóa. Thách thức ở đây là có thể có mặt và điều khiển được các phương tiện ngầm, có khả năng xuống được sâu dưới biển. Các phương tiện này sẽ được đưa vào chương trình SLAM-F, một chương trình liên quan tới toàn bộ các mối đe dọa của cuộc chiến về mìn, thủy lôi. Số lượng phương tiện cần trang bị sẽ tiếp tục được tính toán.
Thách thức cuối cùng là nâng cao độ sâu hoạt động của hải quân. Ngày nay, độ sâu hoạt động của Lực lượng thợ lặn và can thiệp dưới biển của hải quân Pháp (Cephismer) được giới hạn ở 2000m, thấp hơn nhiều mức cần thiết.
Các trang thiết bị mới đầu tiên dự kiến xuất xưởng vào năm 2027-2028. Thuyền trưởng Emmanuel cho biết “các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu, chúng ta cần tăng tốc để hiểu rõ hơn về đáy biển, để biết về những hoạt động diễn ra ở đó, để có khả năng phát hiện và sau đó là ngăn chặn”.
Cuộc chiến dưới đáy biển chưa bắt đầu nhưng nó sắp nổ ra./.