Điều gì đã khiến Iran quyết định tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel?

VOV.VN - Sau nhiều ngày tranh luận gay gắt ở các cấp cao nhất trong chính phủ, Iran cuối cùng cũng quyết định phóng gần 200 tên lửa đạn đạo, tấn công trực tiếp vào Israel tối 1/10.

Theo các quan chức giấu tên của Iran, cuộc tấn công tên lửa vào Israel ngày 1/10 diễn ra sau khi các chỉ huy quân sự cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thuyết phục được nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei, rằng đó là hướng hành động duy nhất nếu Tehran muốn tỏ ra mạnh mẽ.

Phía Israel cho biết, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo về phía nước này. Một số tên lửa rơi xuống đất, nhưng hầu hết đều bị đánh chặn.

Hai thành viên IRGC tiết lộ, Iran cũng đã chuẩn bị hàng trăm tên lửa để phóng từ biên giới phía Tây trong trường hợp Israel hoặc đồng minh hàng đầu của họ, Mỹ, tấn công trả đũa.

“Nếu đáp trả chiến dịch của Iran, họ sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công dữ dội hơn”, IRGC cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh, Iran phóng tên lửa về phía Israel là để trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Hassan Nasrallah, hôm 27/9. Ông Nasrallah là nhân vật quyền lực nhất trong “trục kháng chiến” của Iran và là người thân tín của Đại giáo chủ Khamenei.

Cuộc tấn công cũng nhằm mục đích trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas ở Gaza khi ông này đang ở Tehran hồi tháng 7, và một chỉ huy cấp cao của Iran, người đã ở cùng ông Nasrallah tại Beirut cuối tuần trước.

Những tranh cãi nội bộ

Trong tuyên bố ngày 1/10, Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian nói rằng cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel là một hành động tự vệ hợp pháp. Ông cũng cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng “Iran không muốn chiến tranh nhưng sẽ kiên quyết chống lại mọi mối đe dọa”.

“Đây chỉ là một cái nhìn thoáng qua về sức mạnh của chúng tôi. Đừng tham gia vào một cuộc chiến tranh với Iran”, ông Pezeshkian nói thêm.

Trong gần một năm, kể từ sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 vào Israel, Hezbollah và Israel đã bị cuốn vào các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Giao tranh bùng phát sau khi các chiến binh Lebanon phóng tên lửa vào Israel để thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas.

Trong những ngày gần đây, khi Israel tăng cường tấn công Hezbollah, người ta đặt câu hỏi, liệu Iran, quốc gia bảo trợ cho lực lượng vũ trang ở Lebanon, có phản ứng hay không và nếu có Tehran sẽ hành đồn như thế nào.

Một số nhà phân tích cho rằng, những bình luận ban đầu của các nhà lãnh đạo Iran, bao gồm cả lãnh đạo tối cao Khamenei, cho thấy họ có thể sẽ không hành động, ít nhất là trực tiếp, vì lo ngại sẽ bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện với Israel.

Tổng thống Pezeshkian ban đầu kêu gọi thận trọng, cảnh báo rằng Israel đang tìm cách kéo Iran vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Chỉ vài ngày trước khi ông Nasrallah bị ám sát, ông Pezeshkian đã phát biểu trước Liên Hợp Quốc về mong muốn xoa dịu căng thẳng.

Phe bảo thủ ở Iran đã công kích Tổng thống và chính phủ trong một chiến dịch gay gắt trên mạng xã hội và truyền thông, nói rằng lời kêu gọi kiềm chế của họ không khác gì hành vi phản quốc.

Các chỉ huy quân sự cấp cao của Iran cho rằng điều cần thiết là phải răn đe Israel và nhanh chóng xoay chuyển hoặc ít nhất là làm chậm lại làn sóng tấn công của Israel vào Hezbollah. Họ cũng lập luận, Iran cần phải hành động để ngăn Israel chuyển hướng tập trung sang Tehran.

Họ cũng muốn khôi phục lại uy tín với các thành viên trong “trục kháng chiến” và đảo ngược quan điểm cho rằng Iran hoặc các đồng minh khu vực của nước này là yếu kém.

Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Israel ngày 1/10 đã cho thấy rõ phe nào trong cuộc tranh luận đã chiến thắng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Quyết định cuối cùng

Trước cuộc tấn công ngày 1/10, ông Ali Vaez, nhà nghiên cứu về Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết, quan điểm chung ở nước này ngày càng nghiêng về ủng hộ hành đồn đáp trả Israel “để triệt tiêu động lực mà Israel đã đạt được trong vài ngày qua”.

“Một phản ứng đơn phương của Iran vẫn cực kỳ rủi ro vì nó sẽ trở thành lý do chính đáng để Israel tấn công trả đũa Iran. Nhưng nếu Iran tấn công Israel, điều đó cho thấy họ đã tính toán rằng cái giá của việc không hành động lớn hơn so với rủi ro khi có hành động chống lại Israel”, ông Vaez bình luận.

Trợ lý cấp cao của Tổng thống Iran cho biết cho dù ông Pezeshkian thận trọng về nguy cơ chiến tranh với Israel, nhưng ông sẽ công khai ủng hộ bất kỳ quyết định nào mà lãnh đạo tối cao Khamenei đưa ra. Đó cũng là những gì ông đã thể hiện trong tuyên bố sau cuộc tấn công tên lửa vào Israel.

Theo các quan chức giấu tên, sự thay đổi chiến lược của Iran bắt nguồn từ những tính toán giữa các nhà lãnh đạo của nước này, bao gồm cả Ngoại trưởng Abbas Araghchi. Họ cho rằng Iran đã tính toán sai lầm khi không phản ứng trước vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hồi tháng 7 và vụ ám sát chỉ huy hàng đầu của Iran, Tướng Abbas Nilforoushan, gần đây hơn. Họ tin rằng sự kiềm chế đã bị hiểu lầm là yếu đuối.

Truyền thông Iran đưa tin, tuần này, Đại giáo chủ Khamenei sẽ chủ trì Lễ cầu nguyện Thứ Sáu tại Tehran và có bài thuyết giáo được cho là sẽ đặt ra định hướng cho những gì diễn ra tiếp theo.

Ông Khamenei thường chỉ chủ trì Lễ cầu nguyện Thứ Sáu trong những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Lần gần đây nhất ông chủ trì lễ cầu nguyện này là vào năm 2020, sau vụ Mỹ hạ sát tướng Qasem Soleimani trong một cuộc tấn công bằng UAV ở Baghdad, Iraq.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Israel sẽ phản đòn ra sao sau khi bị Iran dội mưa tên lửa?
Israel sẽ phản đòn ra sao sau khi bị Iran dội mưa tên lửa?

VOV.VN - Cuộc tấn công mới nhất bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel đã đổ thêm “dầu vào lửa” trong xung đột hiện nay tại Trung Đông. Theo giới phân tích, xung đột có leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện hay không phụ thuộc một phần vào cách Israel lựa chọn đáp trả.

Israel sẽ phản đòn ra sao sau khi bị Iran dội mưa tên lửa?

Israel sẽ phản đòn ra sao sau khi bị Iran dội mưa tên lửa?

VOV.VN - Cuộc tấn công mới nhất bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel đã đổ thêm “dầu vào lửa” trong xung đột hiện nay tại Trung Đông. Theo giới phân tích, xung đột có leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện hay không phụ thuộc một phần vào cách Israel lựa chọn đáp trả.

Căng thẳng Iran – Israel mang đến “bất ngờ tháng 10” cho bầu cử tổng thống Mỹ
Căng thẳng Iran – Israel mang đến “bất ngờ tháng 10” cho bầu cử tổng thống Mỹ

VOV.VN - Mỗi khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra thì lại có suy đoán về một "bất ngờ tháng 10" có thể xảy ra, làm đảo ngược cuộc đua khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Israel và Iran vừa mang đến bất ngờ tháng 10 cho cuộc bầu cử này.

Căng thẳng Iran – Israel mang đến “bất ngờ tháng 10” cho bầu cử tổng thống Mỹ

Căng thẳng Iran – Israel mang đến “bất ngờ tháng 10” cho bầu cử tổng thống Mỹ

VOV.VN - Mỗi khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra thì lại có suy đoán về một "bất ngờ tháng 10" có thể xảy ra, làm đảo ngược cuộc đua khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Israel và Iran vừa mang đến bất ngờ tháng 10 cho cuộc bầu cử này.

Ông Trump cảnh báo "thảm họa toàn cầu" sau khi Iran tấn công tên lửa Israel
Ông Trump cảnh báo "thảm họa toàn cầu" sau khi Iran tấn công tên lửa Israel

VOV.VN - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/10 đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vì cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel, đồng thời cho rằng nếu bà Harris đắc cử vào tháng 11, điều đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn quy mô lớn trên thế giới.

Ông Trump cảnh báo "thảm họa toàn cầu" sau khi Iran tấn công tên lửa Israel

Ông Trump cảnh báo "thảm họa toàn cầu" sau khi Iran tấn công tên lửa Israel

VOV.VN - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/10 đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vì cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel, đồng thời cho rằng nếu bà Harris đắc cử vào tháng 11, điều đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn quy mô lớn trên thế giới.