Điều gì sẽ chờ đợi Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiệm kỳ thứ 4?
VOV.VN - Không có gì thay đổi, bà Angela Merkel vẫn là thủ tướng Đức. Song bà Merkel có một số nhiệm vụ lớn cần hoàn thành trong nhiệm kỳ thứ 4 của mình.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4
Đối với bà Merkel, kết quả này đồng thời là một thắng lợi song cũng là một bước tụt hậu. Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà giành được khoảng 33% số phiếu bầu, kém gần 10% so với kết quả bầu chọn năm 2013. Phạm vi cạnh tranh chính trị đã nới rộng. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân tuý không chỉ lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức mà đây sẽ là đảng mạnh thứ ba trong Bundestag.
Đó là một thách thức mới đối với bà Angela Merkel. Tuy nhiên, các kết quả bầu cử còn cho thấy rằng thậm chí sau những sa sút đáng kể trong kết quả tồi tệ nhất của CDU kể từ năm 1949, bà Merkel vẫn giành đủ số phiếu để lãnh đạo nước Đức.
Đây không phải là một cơn chấn động chính trị. Số phiếu hai con số mà AfD giành được nằm trong dự đoán cũng như là số phiếu ủng hộ những người Dân chủ Xã hội tiếp tục giảm. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo định hướng thị trường tự do đã quay trở lại Bundestag và điều đó có nghĩa là bà Merkel hiện nay có hai sự lựa chọn để lập liên minh.
Đại Liên minh giữa CDU và SPD chưa chắc sẽ khởi sắc: SPD không vui trong vai trò là đối tác đàn em và sẽ không muốn chấp nhận điều này trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chỉ có một khả năng quan trọng khác là liên minh ba đường gồm CDU (đen), FDP (vàng) và Đảng Xanh (xanh lá cây). Điều này tựa như là "một liên minh Jamaica” theo màu cờ của nước này. Đây là các nguồn nước chính trị chưa thám hiểm: Có thể mất khá nhiều thời gian để thương thuyết việc thành lập chính phủ mới.
Nhiệm kỳ thứ 4 của bà Merkel
Sẽ không có các cuộc thử nghiệm. Sau cuộc bầu cử, nước Đức vẫn vốn như trước đây là một khu thanh bình về chính trị, xã hội và kinh tế. Sự xáo trộn là ở nơi khác: ở Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan, ở nước Mỹ của Tổng thống Trump, ở nước Nga của Putin và ở nước Anh hậu Brexit.
Nhiều người coi đây là những thời khắc đáng lo ngại vì các nguyên nhân khác như: Chủ nghĩa dân tuý và mối lo ngại khủng bố rình rập ngày càng lớn. Tuy nhiên, phần lớn nước Đức khá yên ổn. Cuộc tuyển cử này có thể được xem như là giấy chứng nhận sức khoẻ có ý nghĩa về mặt tâm lý.
Bà Merkel sẽ tạo dấu ấn của mình như thế nào?
Và bà Merkel sẽ lãnh đạo nước Đức thêm 4 năm nữa. Tín đồ đạo Tin lành biết kiềm chế này nổi tiếng là người đàn bà có trách nhiệm: Nếu bà bắt đầu việc gì đó, bà sẽ thực hiện đến cùng. Song chính xác bà sẽ làm gì?
Là Thủ tướng lâu năm và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Thủ tướng Đức, bà Merkel đã có chỗ đứng trong các sách lịch sử. Điều bà vẫn chưa làm đó là thực hiện được một sự thay đổi chính trị thực sự lớn có thể di sản lâu dài của mình. Thủ tướng đầu tiên của nước Đức sau chiến tranh Adenauer đã sáp nhập Cộng hoà Liên bang cũ vào phương Tây. Các chính sách về khối Đông Âu của cựu Thủ tướng Willy Brandt đã dẫn tới việc nối lại tình hữu nghị giữa hai miền trong thời gian Chiến tranh Lạnh. Cựu Thủ tướng Kohl đã giám sát quá trình thống nhất nước Đức. Còn cựu Thủ tướng Schröder đã tái tổ chức một nhà nước phúc lợi. Còn bà Merkel sẽ tạo dấu ấn của mình như thế nào?
Năm 2015, bà Merkel đã bất ngờ quyết định mở cửa biên giới Đức cho trên một triệu người tị nạn. Bà đã sa lầy vào đường lối của mình, một bên là cảm thông và một bên khác là lên án. Bà đã phản đối việc thắt chặt chính sách nhập cư với viện dẫn Hiến pháp Đức trong không có điều khoản nào quy định về việc hạn chế quyền nương náu. Hiện nay, bà Merkel phải tháo gỡ những vấn đề thách thức phát sinh: hội nhập nhưng người được ở lại và trục xuất những người tị nạn "giả mạo”. Đây là một dự án dài lâu.
Thế giới cần sự điềm tĩnh của bà Merkel
EU cũng cần kiện toàn. Gia đình châu Âu đang lục đục: Nước Anh hiện nay muốn thay đổi chính mình và tìm con đường đi riêng trong thế giới toàn cầu hoá. Cuộc chia ly này vẫn cần phải được đàm phán. Và riêng điều đó là một nhiệm vụ gian nan đối với bà Merkel. Trong khi đó, các nước phía Nam EU cũng đang trỗi dậy vì họ chán ngán với sự khắt khe của người Đức. Bà Merkel được coi là người giữ Chén Thánh của lý tưởng Châu Âu, song các nước mắc nợ coi Đức là kẻ mạnh đang hăm doạ tống tiến họ. Bà Markel muốn và bà phải giữ gia đình lại với nhau. Mặt khác, những lời kêu gọi các nước thành viên EU rút khỏi khối ngày càng gia tăng.
Xu hướng thích làm việc lớn của những người đồng cấp của bà ở nước ngoài cũng đè nặng lên đôi vai bà Merkel. Tổng thống Mỹ Trump không chỉ là người duy nhất muốn đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại”. Tổng thống Putin và Erdogan cũng theo đuổi các chính sách để khẳng định vị thế của nước mình. Trên trường quốc tế, bà Merkel được xem là "chống lại Trump”. Bà có thể đứng vững trước mọi khiêu khích mà không chịu thua. Cử chỉ, sự thể hiện nét mặt và sự lựa chọn ngôn từ của bà luôn kiềm chế. Hiện nay, không ai có thể đánh giá thấp bà Merkel.
Sức bật lặng lẽ
Bà Merkel đã chinh phục dinh Thủ tướng Đức vào năm 2005. Bà đã hai lần dẫn đầu Đại Liên minh với SPD và một lần liên minh với Đảng FDP. Chiến thắng của bà Merkel trước các đối thủ chính trí ngày càng ấn tượng hơn. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2017, bà đã đánh bại bốn ững cử viên vào chức Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội có tên bắt đầu bằng chữ S (Schröder, Steinmeier, Steinbrück, Schulz). Uyên bác về chính sách, bà Merkel liên tục thu hút sự chú ý của phe đối địch. Đảng Dân chủ Xã hội ngày càng trở nên nhỏ bé trước xu hướng dân chủ hoá xã hội của CDU và thậm chí những cử tri cứng rắn của SPD đang bỏ đảng này để đi theo bà Merkel.
Với chính sách bãi bỏ năng lượng hạt nhân, cam kết tháo gỡ vấn đề biến đổi khí hậu và chính sách tị nạn bà đã giải quyết được những vấn đề Xanh chủ chốt. Dự luật hôn nhân đồng giới (một nguyên nhân gây bất hoà bấy lâu trong đảng của bà) đã được trình và Bundestag thông qua một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử, trong khi bà Merkel bỏ phiếu chống. Chủ nghĩa thực dụng như vậy đã chứng minh là một chiến lược thành công không thể phủ nhận của bà Merkel. Bà Merkel biết cách trung lập hoá phe đối lập. Đó chính là điều là đôi khi CDU không còn chắc chắn rằng bà Merkel vẫn là một người bảo thủ. Song đối với một đảng mà mối quan tâm chính là giữ vững quyền lực, vấn đề làm lu mờ hình ảnh của mình là không thực tế.
Nhiệm vụ của bà Merkel
Chiến thắng mới nhất của bà Merkel tại cuộc bầu cử vừa qua chủ yếu là dựa vào sự tín nhiệm. Điều đó cũng đã từng xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử trước vào năm 2013. Bà Merkel đã chỉ cần một câu "Các bạn biết tôi” để phát động tranh cử. Phong thái chính trị của bà tương tự của tổng thống. Bà giành được nhiều sự mến mộ. Thậm chí những người trẻ tuổi nghĩ bà là tuyệt vời. Hầu hết các thanh niên Đức dưới 25 tuổi hiếm có thể nhớ thời kỳ khi bà Merkel không là thủ tướng.
Đến ngày nay, bà Merkel có thể vẫn chỉ là nhà hùng biện bậc trung song với các động tác chạm ngón tay vào nhau như biểu tưọng kim cương hay còn gọi là "Tam giác Quyền lực” bà đã tạo ra được một tác phẩm kinh điển về sự mô tả bằng hình tượng hiện đại. Đó là một tác phẩm về chủ nghĩa tối giản chính trị cấp tiến và đó là thương hiệu của bà. Điềm tĩnh, đó là một tài năng đặc biệt hiếm và bà chỉ cần vận dụng vào việc tốt nếu bà muốn dời diễn đàn chính trị vào năm 2021 với tư cách một thủ tướng tuyệt vời.
Tờ "New York Times” đã bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là "người bảo vệ hùng mạnh cuối cùng của Châu Âu”. Lời tán dương và sự công nhận này hiện nay trở thành bổn phận. Trong một thời gian dài, bà Merkel từ chối cho biết liệu bà có ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư hay không. Những người thân cận với bà cho biết việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày 9/11/2016 đã thôi thúc bà ra tái tranh cử. Còn bà Merkel trước đây đã thổ lộ rằng bà không muốn kết thúc trong tàn lụi, vì thế bà chắc chắn phải cảm thấy mình có đủ năng lực để đảm đương nhiệm kỳ tư này cả về mặt sức khoẻ và chính trị./.