Điều gì thực sự đang xảy ra ở Kazakhstan phía sau khủng hoảng giá năng lượng?
VOV.VN - Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở Kazakhstan trong những ngày gần đây, đánh dấu cuộc khủng hoảng lớn nhất làm rung chuyển nước này trong hàng thập kỷ. Điều gì đang xảy ra ở quốc gia Trung Á này và các bên đang có những tính toán ra sao?
Điều gì đang xảy ra ở Kazakhstan?
Diễn biến này là thách thức to lớn với Tổng thổng Kassym-Jomart Tokayev trong chưa đầy 3 năm cầm quyền của ông, đồng thời đang làm mất ổn định tại một khu vực vốn đã đầy biến động - nơi Nga và Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng,
Những video đăng tải trên mạng xã hội ngày 5/1 đã cho thấy người dân tập trung ở tòa nhà chính phủ tại Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan. Các cuộc biểu tình được châm ngòi bởi sự giận dữ do giá nhiên liệu tăng, cũng như những chia rẽ về kinh tế và xã hội đang ngày càng tồi tệ bởi tác động của đại dịch.
Những sự kiện ở Kazakhstan đang diễn biến khó lường với tình hình thay đổi từng giờ. RT đánh giá, dường như những cuộc biểu tình phản đối việc giá nhiên liệu tăng sẽ không biến thành bất kỳ điều gì nghiêm trọng hơn, song Kazakhstan đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu và các binh lính đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Theo RT, những cuộc biểu tình ở Kazakhstan chủ yếu diễn ra tự phát và dường như không có lãnh đạo nào tổ chức các đám đông này, cũng như không có bất kỳ đảng phái chính trị nào dẫn đầu những phong trào biểu tình. Do đó, chính phủ không biết cần đàm phán với ai trong khi những người biểu tình đang giành quyền kiểm soát những tòa nhà công vụ của Kazakhstan, phá hủy các văn phòng của đảng cầm quyền Nur Otan.
Cuộc biểu tình bắt đầu ngày 3/1 ở phía tây Kazakhstan khi giá nhiên liệu tăng. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được hầu hết người dân địa phương sử dụng làm nhiên liệu chạy ô tô thay vì xăng dầu. Chính phủ đã từ chối tiếp tục trợ giá và khẳng định rằng, từ giờ trở đi, giá LNG sẽ hoàn toàn do thị trường kiểm soát. Ngay lập tức, giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi từ 60 lên 120 tenge/lít (từ 0,14 USD lên 0,28 USD). Chính phủ tin rằng động thái này sẽ "cho phép đạt được sự cân bằng về giá khí đốt dựa trên nhu cầu và nguồn cung" cũng như "thu hút đầu tư" cho những khả năng sản xuất mới. Nhà chức trách cho rằng mô hình cũ khiến các nhà sản xuất khí đốt liên tục bị lỗ và ngành kinh doanh này không đem đến lợi nhuận cho họ.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát ở thị trấn Zhanaozen và nhanh chóng lan rộng ra phía tây và phía bắc của đất nước. Những người biểu tình đã chặn đường ở một số khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giá LNG phải giảm xuống mức như trước. Nhiều người cũng muốn đối chất với các nhà chức trách tại thủ đô Nur-Sultan - những người chịu trách nhiệm về việc tăng giá nhiên liệu. Ban đầu, những cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ôn hòa và không có vụ đụng độ nào với cảnh sát. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi và 69 người bị lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ ngày 2 và 3/1. Tối 4/1, những cuộc đụng độ bạo lực với các lực lượng thực thi pháp luật đã bắt đầu ở nhiều thị trấn của Kazakhstan và kéo dài suốt đêm.
Phản ứng của Chính phủ Kazakhstan
Chính phủ Kazakhstan đang cố gắng đối phó với các cuộc biểu tình bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp và chặn các trang mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Telegram, WeChat... Những cuộc biểu tình công khai mà không được sự cho phép cũng là bất hợp pháp.
Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng. Theo đó, chính phủ cam kết sẽ sẽ "ban hành một loạt các biện pháp để quy định về giá nhiên liệu", đồng thời cho biết, một số nhà kinh doanh địa phương đã quyết định giảm giá khí đốt từ 120 tenge xuống còn 85 - 90 tenge (khoảng 0,21 USD)/lít.
“Tôi đề nghị những người biểu tình không nghe theo những kẻ phá hoại muốn làm suy yếu sự ổn định và đoàn kết của đất nước chúng ta", Tổng thống Tokayev nói, đồng thời cho biết chính phủ sẽ đồng ý thảo luận về "bất kỳ yêu cầu kinh tế xã hội nào". Dù vậy, nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng đưa ra một số yêu cầu và tuyên bố sẽ thực hiện "hành động cứng rắn tối đa" nhằm chống lại những cuộc bạo loạn.
Chính phủ Kazakhstan cũng đã đưa ra một số nhượng bộ trước các đòi hỏi của những người biểu tình, giải tán nội các và có thể sẽ thông báo giải tán Quốc hội, động thái có thể dẫn đến các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, cho tới nay điều này dường như vẫn chưa thể xoa dịu được tình hình khi những người biểu tình muốn những hành động quyết liệt hơn.
Tình hình ở Kazakhstan ảnh hưởng thế nào đến khu vực và thế giới?
Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia nội lục lớn nhất thế giới (quốc gia có chủ quyền hoàn toàn bị bao bọc bởi đất liền của các quốc gia khác và không có bờ biển-ND), lớn hơn cả toàn bộ Tây Âu mặc dù chỉ có dân số khoảng 19 triệu người.
Kazakhstan là đồng minh Á-Âu thân thiết thứ hai của Nga sau Belarus. Năm 2010, Nga, Belarus và Kazakhstan đã thành lập Liên minh Hải quan Á - Âu, một dự án tham vọng do Nga dẫn đầu. Năm 2015, nhóm này đã được nâng cấp lên thành liên minh kinh tế toàn diện với Armenia và Kyrgyzstan cũng tham gia.
Nga hiện theo dõi sát sao tình hình ở Kazakhstan. Bộ Ngoại giao nước này khẳng định trong một thông báo rằng: "Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết mọi vấn đề phù hợp với hiến pháp và luật pháp cũng như thông qua đối thoại thay vì những cuộc bạo động trên đường phố và vi phạm luật pháp. Hy vọng tình hình sẽ sớm bình thường ở Kazakhstan - quốc gia mà Nga có quan hệ đối tác và liên minh chiến lược". Điện Kremlin cũng cảnh báo chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc xung đột và cho rằng Kazakhstan có thể tự giải quyết những vấn đề của mình.
Kazakhstan cũng là quốc gia quan trọng với Mỹ khi những công ty năng lượng lớn của nước này như Exxon Mobil và Chevron đã đầu tư hàng chục tỷ USD ở phía tây Kazakhstan, khu vực trở nên bất ổn trong tháng này.
Mặc dù duy trì quan hệ thân thiết với Nga nhưng các chính phủ của Kazakhstan cũng có quan hệ mật thiết với Mỹ.
Mới đây, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã phủ nhận việc chính phủ Mỹ đứng sau những cuộc biểu tình bạo lực ở Kazakhstan tuần này, đồng thời gọi những cáo buộc của Nga khi cho rằng Mỹ kích động bất ổn ở quốc gia Trung Á này là "hoàn toàn sai".
Nhà Trắng cũng đang theo dõi tình hình Kazakhstan và kêu gọi các bên "bình tĩnh để những người biểu tình có thể bày tỏ nguyện vọng một cách hòa bình và các nhà chức trách có những động thái giảm căng thẳng"./.