Đối đầu Mỹ-Trung làm gia tăng làn sóng bạo lực và kỳ thị đối với người gốc Á?

VOV.VN - Bối cảnh chính trị hiện tại ở Washington – nơi mà quan điểm chống Trung Quốc nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng, đã đẩy mối đe dọa đối với cộng đồng người gốc Á lên một mức độ mới.

Tình trạng kỳ thị người gốc Á đang trở thành một trong những thách thức lớn và có xu hướng lan rộng tại Mỹ. Sự kỳ thị bắt nguồn từ những định kiến “thâm căn cố đế” trong xã hội Mỹ, hiện giờ lại càng được thổi bùng lên do cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.

Ảnh hưởng từ những biến động trong nền chính trị Mỹ

Washington Post cho biết, thời gian qua làn sóng bạo lực mới chống người gốc Á tại Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ.  Tổ chức Stop AAPI Hate (Chống phân biệt chủng tộc với người gốc Á) cho biết, đã có gần 3.800 trường hợp kỳ thị người gốc Á trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 2/2021. Theo tổ chức này, các hành vi kỳ thị và thù ghét người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất của nước Mỹ,  đặc biệt là ở Los Angeles và New York đã tăng gần 150%.

Hồi chuông báo động đã được gióng lên sau vụ xả súng nhằm vào 3 tiệm spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia tuần trước, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có người gốc Á. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận, khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình lên án nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Theo các nhà hoạt động, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự biến động về mặt chính trị kể từ sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những dòng Tweet mà cựu Tổng thống Trump đăng tải, trong đó gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” hay “kung flu” (cúm Kung chơi chữ với từ Kung-fu là môn võ cổ truyền của Trung Quốc - ND) đã làm gia tăng tình trạng thù ghét người gốc Á trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, lập trường đối đầu gay gắt của chính quyền ông Trump đối với Bắc Kinh có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Cây bút Bethany Alllen-Ebrahimian và Shawna Chen của Axios nhận định: “Những lời lẽ chỉ trích thường xuyên của ông Trump đối với Trung Quốc đôi khi biến quốc gia này và toàn bộ dân số 1,4 tỷ người của họ như kẻ thù mà không có sự phân biệt rõ ràng giữa giới chức cầm quyền, các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc”.

Trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ tuần trước, một số nhà lập pháp cho rằng, tâm lý bài Trung Quốc đã khiến những người Mỹ gốc Á bình thường trở thành mục tiêu. Hạ nghị sĩ Dân chủ Doris Matsui, bang California – người sinh ra trong trại tập trung của người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến thứ 2 cho biết: “Tôi thực sự rất sốc trước làn sóng giận dữ đối với người gốc Á tại Mỹ. Luận điệu gay gắt trong các cuộc họp cấp cao nhất trong chính phủ của chúng ta đã không thể tách biệt với tình trạng bạo lực mà các cộng đồng của chúng ta đang phải chịu đựng. Tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ phải lên tiếng yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công vào cộng đồng người gốc Á".

Người gốc Á trở thành nạn nhân của cuộc đối đầu Mỹ-Trung

Russell Jeung, giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á thuộc trường Đại học bang San Francisco, người đồng sáng lập tổ chức Stop AAPI Hate nhận xét rằng: “Khi Mỹ lên án và chỉ trích Trung Quốc, những người trông giống người Trung Quốc cũng bị liên đới. Chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á đã trở thành chính sách đối nội của Mỹ đối với người gốc Á. Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung, đặc biệt là chiến lược của đảng Cộng hòa muốn hành xử cứng rắn với Trung Quốc, đổ lỗi cho nước này về dịch Covid-19 đã kích động sự phân biệt đối xử và tâm lý thù hận đối với người Mỹ gốc Á”.

Tuy nhiên cách lý giải trên vẫn cần phải được kiểm chứng thêm. Đã có câu hỏi đặt ra là nếu cựu Tổng thống Trump và các đồng minh của ông sử dụng luận điệu khác đi thì liệu những hành vi thù ghét nhằm vào người gốc Á có giảm hay không? Nhà sử học Jeff Chang cho biết: “Khi người Mỹ gốc Á phản đối việc ông Trump và những người khác sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc”, bởi vì họ sợ rằng những từ ngữ này có thể dẫn tới những hậu quả khó lường”.

Trên thực tế, tình trạng kỳ thị người gốc Á đã tồn tại từ trước khi ông Trump lên nắm quyền, bắt nguồn từ những quan niệm “thâm căn cố đế” trong xã hội Mỹ.  Theo giới phân tích, các quy định pháp lý và chính trị xuyên suốt lịch sử nước Mỹ đã góp phần hình thành quan niệm sai lầm này.

Một trong những ví dụ điển hình và sớm nhất là Đạo luật 1875. Đạo luật này ra đời vài năm trước khi Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882 được ban hành, nhằm hạn chế tệ nạn mại dâm và lao động cưỡng bức. Trên thực tế, cả hai đạo luật này đều được cho là để cấm những người lao động gốc Trung Quốc vào Mỹ do tâm lý bài ngoại và lo ngại người gốc Á cạnh tranh việc làm với người Mỹ lúc đó. Bên cạnh việc hạn chế nhập cư, các đạo luật này cũng nhằm mục đích ngăn cản người gốc Trung Quốc hay người gốc Á không thể trở thành công dân Mỹ trong nhiều thập niên.

Ngoài quan niệm có từ lâu đời, bối cảnh chính trị hiện tại ở Washington – nơi mà quan điểm chống Trung Quốc nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng, đã đẩy mối đe dọa đối với cộng đồng người gốc Á lên một mức độ mới. Washington Post đăng tải một số bình luận cho biết: “Trong những năm 1980, các quan chức của đảng Dân chủ và Cộng hòa coi Nhật Bản là đối thủ về kinh tế. Bây giờ, đó là Trung Quốc. Quan điểm chống Trung Quốc đã trở thành một trong những điều nhận được sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng. Không thể phủ nhận rằng, Trung Quốc là một trong những đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Mỹ, nhưng chính sách đối ngoại kéo dài nhiều thập kỷ của Washington và những lời hùng biện từ các chuyên gia đã tạo ra ảnh hưởng nhất định đối với người Mỹ gốc Á”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án hành vi bạo lực đối với người Mỹ gốc Á, tránh sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” và bác bỏ thuyết âm mưu không có cơ sở cho rằng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ngay trong tuần đầu tiên tại nhiệm, ông Biden đã ký một bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á, cũng như người dân các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ.

“Tuy vậy, chính quyền Biden vẫn hành động chưa đủ về mặt chính sách để giảm bớt hành vi thù ghét đối với người Mỹ gốc Á”, nhà sử học Mae Ngai của Đại học Columbia nhận xét.

Chuyên gia này cho rằng, Tổng thống Biden nên rút lại chính sách coi Trung Quốc là đối thủ. Đây sẽ là đề xuất ít được ủng hộ tại Washington trong bối cảnh nhiều chính trị gia coi Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu và thách thức mang tính thời đại đối với Mỹ.

Để hạn chế tâm lý kỳ thị đối với người gốc Á, các chuyên gia chính sách đối ngoại Caroline Chang, Anka Lee và Johna Ohtagaki cho rằng, các nhà chính trị tại Washington cần phải “phân biệt rõ ràng giữa những lo ngại liên quan đến hành vi của Trung Quốc với sự thù ghét bắt nguồn từ tâm lý kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á”.

“Trong giai đoạn nhiều khủng hoảng này, người gốc Á sẽ cảm thấy khó chống chọi với dịch bệnh Covid-19 và làn sóng thù ghét. Cảm giác giống như bị mắc kẹt trong một thảm kịch, khi mà họ không được công nhận là một người Mỹ thực thụ”, cây bút Jiayang Fan của New Yorker viết. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ xả súng vào tiệm spa ở Mỹ: Phụ nữ gốc Á đang đối mặt mối đe dọa kép giữa đại dịch
Vụ xả súng vào tiệm spa ở Mỹ: Phụ nữ gốc Á đang đối mặt mối đe dọa kép giữa đại dịch

VOV.VN - Những định kiến “thâm căn cố đế” trong xã hội Mỹ  dẫn đến nhận thức cho rằng “phụ nữ châu Á là những lao động rẻ tiền và luôn sẵn có”.

Vụ xả súng vào tiệm spa ở Mỹ: Phụ nữ gốc Á đang đối mặt mối đe dọa kép giữa đại dịch

Vụ xả súng vào tiệm spa ở Mỹ: Phụ nữ gốc Á đang đối mặt mối đe dọa kép giữa đại dịch

VOV.VN - Những định kiến “thâm căn cố đế” trong xã hội Mỹ  dẫn đến nhận thức cho rằng “phụ nữ châu Á là những lao động rẻ tiền và luôn sẵn có”.

Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?
Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?

VOV.VN - Theo CNN, phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á không chỉ là tình trạng ở riêng nước Mỹ, mà đã lan rộng trên khắp thế giới, từ châu Âu đến Anh và Australia.

Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?

Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?

VOV.VN - Theo CNN, phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á không chỉ là tình trạng ở riêng nước Mỹ, mà đã lan rộng trên khắp thế giới, từ châu Âu đến Anh và Australia.