Donald Trump: Hành trình từ “kẻ ngoại đạo” đến người đứng đầu nước Mỹ
VOV.VN - Chiến thắng được coi là “đầy bất ngờ” trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton trên thực tế hoàn toàn “nằm trong tính toán” của tỷ phú Donald Trump.
LTS: Ngày 8/11 (theo giờ Mỹ), cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc với chiến thắng vang dội dành cho “kẻ ngoại đạo” Donald Trump. Chiến thắng “đầy bất ngờ” của ông Trump không chỉ khiến các chuyên gia, nhà báo của Mỹ và thế giới “không thể tin nổi” mà còn khiến cả các quan chức Đảng Dân chủ và đối thủ của ông, bà Hillary Clinton cảm thấy “rất khó nuốt trôi”.
Vậy đâu là bí quyết để ông Trump từ chỗ chỉ là “kẻ chầu rìa” ngay cả trong cuộc đua tranh giành vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hòa lại trở thành chủ nhân sắp tới của Nhà Trắng. Trong loạt 3 bài dưới đây, VOV sẽ đi tìm “câu trả lời thỏa đáng nhất” cho “hiện tượng Donald Trump” và đưa ra những nhận định về tương lai của nước Mỹ và mối quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump được coi là "đầy bất ngờ" và là một "hiện tượng" tại Mỹ năm 2016. Ảnh: AP
Bài 1: Giải mã chiến thắng vang dội của hiện tượng Donald Trump
Với tỷ lệ phiếu đại cử tri đối với 2 ứng cử viên 304-227, kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được cho là gây sốc bởi bà Hillary Clinton mới là người được kỳ vọng sẽ chạm mốc 270 trước.
Điều này là bởi, bà Clinton là một chính trị gia lão luyện đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính giới Mỹ như Thượng Nghị sĩ và Ngoại trưởng. Hơn thế nữa, bà còn có những “hậu phương cực kỳ vững chắc” là cựu Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
Trong khi đó, tỷ phú Mỹ Donald Trump được cho là “không có kinh nghiệm gì về chính trường” và “chưa từng nắm giữ một chức vụ quan trọng nào trong Chính phủ Mỹ”.
Đây có thể coi là một bất lợi rất lớn của ông Trump bởi nước Mỹ vốn rất coi trọng “tính chuyên nghiệp” trong công việc, nhất là khi đó lại là “công việc quan trọng nhất của nước Mỹ”, nơi yếu tố kinh nghiệm được đặt lên hàng đầu.
Từ “kẻ chầu rìa” thành đối thủ đáng gờm
Việc tỷ phú Donald Trump công bố quyết định tranh cử Tổng thống hồi tháng 6/2015 không khiến người dân và chính giới Mỹ cảm thấy ngạc nhiên bởi trước đó ông Trump cũng từng nhiều lần công khai ý định tranh cử Tổng thống rồi sau đó lại xin rút lui.
Ngay cả khi ông Trump thể hiện quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, đây chỉ là “một show truyền hình thực tế” trong đời thường của ông Trump- một ngôi sao truyền hình thực tế- nhằm đánh bóng tên tuổi của tỷ phú Mỹ để giúp ông kiếm thêm được nhiều tiền.
Các đối thủ của ông Trump ở Đảng Cộng hòa cũng không đánh giá cao tỷ phú Trump. Họ đều cho rằng, ông Trump chỉ là “một kẻ ngoại đạo” không đáng để họ phải bận tâm.
Thậm chí, một vài người trong số họ còn công khai ủng hộ ông Trump với toan tính rằng, khi ông Trump “rời bỏ cuộc chơi”, những người ủng hộ cho ông Trump sẽ quay sang ủng hộ họ.
Đó là một “sai lầm chết người” mà những đối thủ của ông Trump từng ao ước rằng, mình sẽ không bao giờ phạm phải. Bởi chính họ đã “tiếp tay” cho ông Trump đánh bại đối thủ của mình và cuối cùng “nhận đòn kết liễu” nhanh chóng của ông Trump mà vẫn không rõ chuyện gì đang diễn ra.
Sau khi những đối thủ sừng sỏ và nhiều tiềm năng như Jeb Bush, Marco Rubio, Ted Cruz và John Kasich lần lượt thừa nhận thất bại, tỷ phú Donald Trump “rảnh tay” hơn để đối phó với đối thủ của mình ở Đảng Dân chủ khi đó là ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton.
Từng nội dung Twitter mà ông Trump tung ra đều được tính toán hết sức kỹ lưỡng để khiến cho cả ông Sanders và Clinton rối trí và luôn phải “đau đầu” tìm cách đối phó trong khi vẫn phải dồn sức để đánh bại nhau.
Sau khi bà Clinton đánh bại được ông Sanders, ông Trump đã có được chiến lược cụ thể của mình cho cả 3 cuộc tranh luận trực tiếp và cả cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.
Chiến lược chung cho cả 4 sự kiện này của tỷ phú Mỹ là liên tục dồn ép đối thủ Clinton và mặc kệ những gì truyền thông Mỹ bình luận về ông dù đa số những bình luận này không mấy tích cực nếu không muốn nói là cực kỳ gay gắt.
Chiến thuật này đã giúp ông Trump giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử ngày 8/11 (theo giờ Mỹ) với kết quả cuối cùng là tỷ lệ phiếu đại cử tri 304-227, vượt xa mức 270 cần thiết để một ứng viên đánh bại đối thủ của mình trong một cuộc bầu cử Tổng thống.
Thậm chí, ông Trump còn nhận được sự ủng hộ của cử tri tại các bang màu xanh” [bang ủng hộ Đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton-ND]. Điều mà không nhiều ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trước đây làm được.
Donald Trump năm 2016- bản sao của Richard Nixon năm 1968?
Người hiểu thấu tâm can cử tri Mỹ
Nếu như chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012 của Tổng thống Barack Obama được cho là tận dụng tối đa sức mạnh của truyền thông Mỹ để truyền tải thông điệp về sự đổi thay đến người dân Mỹ thì trong năm 2016, tỷ phú Donald Trump lại có một chiến lược tương tự nhưng theo một cách hoàn toàn khác biệt.
Là một ông trùm về truyền thông, ông Donald Trump hiểu rất rõ tác động của truyền thông đối với người dân Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cũng hiểu rằng, mình không có được lợi thế về nền tảng chính trị như Tổng thống Barack Obama hay đối thủ của ông, bà Hillary Clinton.
Chính vì thế, tỷ phú Mỹ chọn cách đưa ra những thông điệp thẳng thắn, thậm chí có phần gây sốc nhưng phải “nói đúng tâm can” cử tri Mỹ. Dù những thông điệp này bị truyền thông Mỹ “đánh hội đồng tơi tả” nhưng hiệu quả của việc này là không thể chối cãi khi bất kỳ một thông điệp nào của ông Trump cũng đều “găm thẳng” vào tâm trí của cử tri Mỹ.
Hơn thế nữa, cử tri Mỹ cũng đã chán ngấy những thông điệp hoa văn, cầu kỳ và “mang đậm chất chính trị” của giới tinh hoa chính trị Mỹ. Họ trông đợi vào một ứng viên Tổng thống có thể nói lên những tiếng nói mà bản thân họ cũng ngại bày tỏ công khai vì lo ngại có thể bị quy kết là “phân biệt chủng tộc, chia rẽ tôn giáo và chống lại người tị nạn”.
Những cam kết như “xây tường ngăn cách biên giới Mexico-Mỹ”, “bắt đồng minh NATO phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh chung”, “đưa việc làm trở lại Mỹ” hay “không để Trung Quốc trục lợi từ kinh tế Mỹ” dù bị báo chí Mỹ “soi mói” từng chữ và quy kết rằng ông Trump “không hiểu gì về ngoại giao, không có kiến thức về chính trị” lại được các cử tri Mỹ ủng hộ nồng nhiệt dù điều đó chỉ được họ thể hiện thông qua những lá phiếu kín nhưng lại có ý nghĩa quyết định cuối cùng.
“Nhân vật của năm 2016” Donald Trump và những kỳ vọng của dân Mỹ
Rõ ràng, cử tri Mỹ hiểu rõ rằng, họ cần “một sự thay đổi” nữa sau 8 năm điều hành của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Cử tri Mỹ cảm thấy rất khó chấp nhận thực tế rằng, những gì bà Hillary Clinton hứa hẹn không có gì mới, nếu không muốn nói rằng “chỉ là bản sao của ông Obama”.
Như vậy, có thể thấy rằng, “hiện tượng” Donald Trump chỉ có thể gây bất ngờ với những người ngại thay đổi, chỉ muốn duy trì một trật tự cũ kỹ của nước Mỹ. “Hiện tượng” này không có gì bất ngờ đối với bất kỳ người nào kỳ vọng vào sự thay đổi thực chất để có thể “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại như trước”./.