Động cơ của các nhân tố tham gia cuộc đối đầu quân sự ở Dải Gaza

VOV.VN - Những “người chơi” chính dưới đây đang có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, cũng như quyết định hồi kết cho những giao tranh đẫm máu ở khu vực này.

Tổng thống Joe Biden đang đứng trước sức ép ngày càng lớn nhằm hỗ trợ chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Hamas, lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza. Trong hơn một tuần không kích và giao tranh, cuộc xung đột đã khiến ít nhất 212 người Palestine và 10 người Israel thiệt mạng.

Tuy nhiên, dù Mỹ có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực và từ lâu đã tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine thì Nhà Trắng đã không còn là "người chơi" quan trọng nhất hiện nay nữa.

Dưới đây là vai trò và động cơ của các nhân tố tham gia vào cuộc đối đầu quân sự này và những bên đang cố gắng để chấm dứt giao tranh

Lực lượng Hamas

Hamas là một tổ chức vũ trang Hồi giáo không công nhận sự tồn tại của Israel. Lực lượng này được thành lập năm 1987 bởi một giáo sĩ Hồi giáo Palestine và từ năm 2007, Hamas đã kiểm soát Dải Gaza, một dải đất tiếp giáp biên giới với Biển Địa Trung Hải và là nơi sinh sống của 2 triệu người Palestine.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Các chiến thuật quân sự của Hamas nhằm chống lại Israel đã thay đổi trong những năm qua, từ lên kế hoạch đánh bom liều chết sang xây dựng kho tên lửa tấn công có độ chính xác ngày càng được cải thiện.

Nhóm này từ lâu đã phản đối các cuộc trao đổi hòa bình giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), một tổ chức chính trị kiểm soát khu Bờ Tây cùng Phong trào Fatah. Hamas đã chỉ trích Hiệp ước Oslo năm 1993 mà theo đó Palestine sẽ có quyền kiểm soát các khu vực khu Bờ Tây và Dải Gaza trong khi PLO chính thức công nhận Nhà nước Israel.

Trong cuộc xung đột hiện nay, quân đội Israel cho biết lực lượng Hamas đã phóng hơn 3.000 rocket vào các mục tiêu dân sự ở Israel. Lực lượng Quốc phòng Israel cho biết họ đã đánh chặn được khoảng 90% số tên lửa này bằng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Vòm Sắt.

Lực lượng Hamas, bao gồm một nhánh chính trị và một nhánh quân sự, đang cố gắng lợi dụng sự chia rẽ trong chính trường Palestine và tận dụng lợi thế trước Fatah, nhà phân tích Michael Koplow thuộc Diễn đàn Chính sách Israel cho hay. Fatah là đảng chính trị đối lập với Hamas ở Palestine, hoạt động ở khu Bờ Tây và do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một nhà lãnh đạo có lập trường cứng rắn, người luôn thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Một diễn biến dẫn đến cuộc xung đột hiện nay là việc những người định cư Do Thái trục xuất các gia đình Palestine khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem.

Ông Netanyahu, Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel hiện không thể thành lập liên minh chính phủ sau 4 cuộc bầu cử, sau khi đảng Likud của ông không nhận được đủ số phiếu của các cử tri Israel để chiếm thế đa số. Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết trong khi "mọi thứ ông Netanyahu làm đều có tính toán chính trị" thì ông không cho rằng nhà lãnh đạo Israel này đang sử dụng cuộc xung đột để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề chính trị mà ông đang đối mặt.

Tổng thống Biden và Mỹ

Mỹ coi Israel là đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông và đã dành hơn 3 tỷ USD/năm để hỗ trợ an ninh cho Israel. Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền của ông Biden đã không ưu tiên các vấn đề liên quan đến Israel - Palestine và bỏ lỡ nhiều cơ hội để can thiệp trước khi một cuộc đối đầu quân sự xảy ra.

Các Tổng thống Mỹ trước đó, từ Bill Clinton cho tới Barack Obama đều bổ nhiệm các đặc phái viên nhiều kinh nghiệm với nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Cựu Tổng thống Donald Trump đã giao cho con rể của ông, đồng thời là cố vấn hàng đầu Nhà Trắng Jared Kushner nhiệm vụ thúc đẩy những điều mà họ hy vọng sẽ trở thành điểm đột phá trong đề xuất hòa bình.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay đều đã thất bại. Một số nhà phân tích tin rằng, ông Biden không muốn dành sự tập trung về chính sách đối ngoại vào một cuộc xung đột mà ngay cả những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nhất cũng cảm thấy chán nản.

"Những gì ông ấy muốn tránh, trên tất cả, là một cuộc chiến của Israel - một diễn biến có thể phải đánh đổi bằng những cái giá chính trị ở trong nước", nhà quan sát Peter Beinart, biên tập viên tạp chí Jewish Currents nhận định tuần trước. Ông Beinart cũng đánh giá rằng, nếu xung đột nổ ra, chính quyền Tổng thống Biden sẽ cử một đặc phái viên tầm trung tới khu vực để hỗ trợ làm giảm căng thẳng.

Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden thì cho biết Tổng thống rất quan tâm tới tình hình ở khu vực này. Hôm 17/5, Tổng thống Biden đã thể hiện sự ủng hộ đối với lệnh ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu. Tổng thống Biden cũng đã trao đổi với ông Netanyahu một vài lần kể từ khi bạo lực bùng phát và trao đổi với Tổng thống Palestine Abbas vào cuối tuần trước. Mỹ không tiến hành bất kỳ cuộc trao đổi nào với Hamas do Washington coi lực lượng này là một nhóm khủng bố.

Martin Indyk, cựu đặc phái viên Mỹ về các cuộc đàm phán Israel - Palestine cho biết, Tổng thống Biden không thể giải quyết cuộc khủng hoảng, một phần là bởi cả Hamas và Israel đều muốn giữ nguyên hiện trạng.

"Mục tiêu của cả 2 bên trong lần giao tranh này rất hạn chế. Hamas hy vọng tăng cường vị thế ở Palestine trong khi Israel hy vọng sẽ tái thiết lập khả năng phòng thủ nhằm chống lại các cuộc tấn công của Hamas vào dân thường. Không có bên nào quan tâm tới một thỏa thuận 2 nhà nước do Mỹ làm trung gian".

Tuy nhiên, cựu đặc phái viên này cho rằng ông Biden không thể phớt lờ cuộc xung đột.

"Chính quyền Tổng thống Biden sẽ cần giải quyết cuộc xung đột bằng cách kiến tạo một chân trời chính trị cho người dân Palestine", ông Martin Indyk nhận định, đồng thời cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc gây sức ép với Israel để đóng băng việc thúc đẩy xây dựng các khu định cư của nước này ở khu Bờ Tây và gây sức ép với Tổng thống Palestine Abbas để sắp xếp lại một cuộc bầu cử.

Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc

Không lâu sau khi giao tranh nổ ra, chính phủ Ai Cập đã cử các nhà đàm phán với nỗ lực làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn. Nhiều bên cũng cho rằng Cairo có thể làm xoay chuyển tình hình.

"Những người duy nhất có ảnh hưởng thực sự với Hamas hiện nay chính là Ai Cập", Dennis Ross, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc về tiến trình hòa bình Trung Đông trong nhiều năm nhận định với CNN tuần trước.

Ông cũng cho rằng Ai Cập, nước chia sẻ đường biên giới với Gaza, đã giúp làm trung gian hòa giải cho 4 thỏa thuận ngừng bắn trước đây trong khu vực này, bao gồm cả thỏa thuận năm 2014.

"Họ giữ một vị trí mà có thể tới gặp Hamas và nói rằng: "Chúng tôi cũng có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Israel nhưng nếu các bạn không phối hợp phản ứng với chúng tôi, đừng mong rằng chúng tôi sẽ giúp các bạn thoát khỏi Israel và mở cửa biên giới", ông Ross đánh giá.

Các quan chức Qatar và Liên Hợp Quốc cũng đang cố gắng làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn nhưng các cuộc trao đổi vẫn diễn ra rời rạc.

Thủ lĩnh Hamas Ismai Haniyeh nhận định với AP rằng, Liên Hợp Quốc, Nga, Ai Cập và Qatar đã liên lạc với họ nhưng lực lượng này sẽ "không chấp nhận một giải pháp nào nếu nó không xem xét tới sự hy sinh của người dân Palestine".

Thủ tướng Netanyahu sẽ không đạt được lợi ích nếu một lệnh ngừng bắn diễn ra và ông cho rằng Israel vẫn chưa đạt được các mục tiêu quân sự.

"Chúng tôi đang cố gắng để làm giảm khả năng của những kẻ khủng bố Hamas", Thủ tướng Israel cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình "Face the Nation" của CBS.

Cựu đặc phái viên Indyk cho rằng cuối cùng, Ai Cập và một vài nhân tố khác có thể mang tới một hiệp định đình chiến nhưng ông cũng vạch ra viễn cảnh ảm đạm nếu điều này diễn ra.

"Cả hai bên rồi sẽ chôn các thi thể, dọn dẹp những đống đổ nát và quay lại cuộc sống bình thường" dù Lực lượng Quốc phòng Israel và Hamas sẽ lại tiếp tục chuẩn bị cho vòng xung đột tiếp theo, chuyên gia này đánh giá.

"Hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay cho thấy Washington đã chuẩn bị cho việc chấp nhận một cái kết không mấy có hậu này"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khoảnh khắc Israel làm nổ tung tàu ngầm không người lái của Hamas
Khoảnh khắc Israel làm nổ tung tàu ngầm không người lái của Hamas

VOV.VN - Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vừa tuyên bố đã chặn đứng một cuộc tấn công bằng tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa của phong trào Hamas.

Khoảnh khắc Israel làm nổ tung tàu ngầm không người lái của Hamas

Khoảnh khắc Israel làm nổ tung tàu ngầm không người lái của Hamas

VOV.VN - Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vừa tuyên bố đã chặn đứng một cuộc tấn công bằng tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa của phong trào Hamas.

Ai Cập đề xuất ngừng bắn Israel-Hamas từ ngày 20/5
Ai Cập đề xuất ngừng bắn Israel-Hamas từ ngày 20/5

VOV.VN - Hãng tin Tass của Nga đưa tin, Ai Cập đã thúc đẩy một đề xuất ngừng bắn giữa Israel và Palestine bắt đầu từ ngày 20/5. Đề xuất này được Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ.

Ai Cập đề xuất ngừng bắn Israel-Hamas từ ngày 20/5

Ai Cập đề xuất ngừng bắn Israel-Hamas từ ngày 20/5

VOV.VN - Hãng tin Tass của Nga đưa tin, Ai Cập đã thúc đẩy một đề xuất ngừng bắn giữa Israel và Palestine bắt đầu từ ngày 20/5. Đề xuất này được Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ.

Giao tranh tiếp diễn, thương vong do xung đột Israel-Palestine tăng cao
Giao tranh tiếp diễn, thương vong do xung đột Israel-Palestine tăng cao

VOV.VN - Các cuộc không kích dữ dội xảy ra trong xung đột giữa Israel – Palestine đã cướp nhiều sinh mạng của cả hai bên hôm 18/5 khi căng thẳng bùng lên trong các cuộc biểu tình của người Palestine ở Jerusalem và Bờ Tây.

Giao tranh tiếp diễn, thương vong do xung đột Israel-Palestine tăng cao

Giao tranh tiếp diễn, thương vong do xung đột Israel-Palestine tăng cao

VOV.VN - Các cuộc không kích dữ dội xảy ra trong xung đột giữa Israel – Palestine đã cướp nhiều sinh mạng của cả hai bên hôm 18/5 khi căng thẳng bùng lên trong các cuộc biểu tình của người Palestine ở Jerusalem và Bờ Tây.