Đồng tiền chung BRICS có thách thức được vị thế của đồng USD?
VOV.VN - Nhận được 22 đơn đăng ký thành viên mới, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được kỳ vọng sẽ tạo ra một đồng tiền chung mới có thể thách thức vị thế dự trữ toàn cầu của đồng đô la Mỹ (USD).
Nhóm họp tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22-24/8, các quốc gia BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sẽ đánh giá các đơn đăng ký gia nhập nhóm. Tăng số lượng thành viên, mở rộng dân số và sức mạnh kinh tế nói chung, đồng thời củng cố các thể chế như Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), BRICS đặt mục tiêu thay thế tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, 5 thành viên của BRICS đã chiếm 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu, và được dự báo sẽ đạt 50% vào năm 2030. Các quốc gia thành viên của BRICS chiếm 18% thương mại toàn cầu và sở hữu 22% đầu tư nước ngoài trên quy mô thế giới. Khoảng 27% diện tích đất trên thế giới cũng thuộc sở hữu của các quốc gia này.
Tại các cuộc họp ở Nam Phi lần này, BRICS dự kiến sẽ bàn về ý tưởng liên quan đến một đồng tiền chung mới.
Trung Quốc, nền kinh tế hùng mạnh nhất trong nhóm cũng được cho là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ý tưởng về một đồng tiền chung.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng ủng hộ một đồng tiền chung cho thương mại trong khối Nam Mỹ và giữa các quốc gia BRICS. "Tại sao Brazil cần USD để giao dịch với Trung Quốc hoặc Argentina? Chúng tôi có thể giao dịch bằng đồng tiền của mình", ông Lula da Silva nêu quan điểm trong một phát biểu gần đây.
Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile cho rằng thế giới hiện dành sự quan tâm, chú ý đến BRICS vì khối này đang đi đầu trong trong các cuộc thảo luận mang tính toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. "Chúng tôi không ở đây để cạnh tranh với phương Tây. Chúng tôi muốn không gian của mình trong kinh doanh toàn cầu", ông Paul Mashatile nói.
Trước đó, tại một cuộc họp của các quan chức BRICS vào tháng 6, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế "đối với các loại tiền tệ được giao dịch quốc tế hiện tại", ám chỉ đồng USD. Cũng theo bà Pandor, một số quốc gia ngoài BRICS cũng đang tỏ ra muốn giảm phụ thuộc vào USD.
Các thành viên tiềm năng mới
Argentina, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Bangladesh, Belarus, Algeria, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Cuba, Ai Cập, Nigeria, Senegal, Saudi Arabia, Thái Lan, Tunisia, Uruguay và Venezuela là một trong những quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Mở rộng khối, kết nạp thêm thành viên là một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Lá đơn xin gia nhập của Saudi Arabia, Ai Cập và UAE đang gây nhiều sự chú ý bởi tiềm lực kinh tế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của họ.
Việc mở rộng quy mô của khối với các thành viên mới như “đại gia” dầu mỏ Saudi Arabia và UAE có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một loại tiền tệ chung mới ở phần lớn thế giới. Khi ấy, BRICS vừa là người tiêu dùng vừa là nhà sản xuất các nguồn năng lượng chính, cũng có thể là nhân tố quyết định trong lĩnh vực năng lượng.
Ngân hàng Phát triển Mới
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được thành lập bởi các quốc gia BRICS vào năm 2015, tiền thân của ngân hàng này là Ngân hàng Phát triển BRICS. Ngân hàng này được giới thiệu với kỳ vọng sẽ là một nhân tố thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
Có trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc, NDB được thành lập với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD và cho đến nay đã cung cấp 32,4 tỷ USD tài trợ cho tổng số 98 dự án. Theo ước tính, 280 triệu người sẽ được hưởng lợi từ các dự án này.
NDB đã tăng số lượng thành viên lên con số 9 vào năm 2021 với sự tham gia của Bangladesh, Ai Cập, UAE và Uruguay, ngân hàng dự kiến sẽ mở rộng với các thành viên mới như Saudi Arabia và Algeria trong tương lai.
Mỹ đánh giá về ý tưởng tạo ra đồng tiên chung của BRICS
Trong khi đó, Mỹ coi ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS là một giấc mơ viển vông.
Paul O'Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, gần đây đã nói rằng ý tưởng thay thế đồng USD là điều không tưởng. Bởi lẽ, khoảng 90% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD, đồng USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Giảm sự phụ thuộc vào đồng USD không chỉ có nghĩa là một sự thay đổi kinh tế. Theo một số nguồn tin, dự trữ ngoại tệ của Nga, trong đó có khoảng 300 tỷ USD hiện đang bị giữ ở các nước phương Tây sau khi xung đột với Ukraine bùng phát.
Thay đổi đồng tiền dự trữ cũng được cho là sẽ thay đổi điều kiện của các cuộc chiến tranh kinh tế và sự thống trị của các nước phương Tây trong lĩnh vực này.