Đồng USD chìm, đồng NDT sẽ thả nổi?
Việc thả nổi đồng NDT có thể sẽ dẫn đến gia tăng mức tiêu thụ của các hộ gia đình ở Trung Quốc, tăng chất lượng đầu tư và giảm lượng tiền tiết kiệm trong nước.
Ngày 12/9/2010, Tạp chí Thunderbird International Business Review số ra tháng 9-10/2010 đã công bố bài viết dưới tiêu đề: “Khi đồng USD chìm, liệu đồng Nhân dân tệ sẽ thả nổi?” của Giáo sư Kevin Castle (trường Kinh doanh BYU Hawaii), trong đó nhận định, đánh giá về những lợi ích của việc thả nổi đồng Nhân dân tệ (NDT) đối với Trung Quốc (TQ) và một số động thái trong việc tăng khả năng chuyển đổi của đồng NDT nhằm phục vụ cho mục tiêu quốc tế hoá đồng NDT của TQ.
Lợi ích của việc thả nổi đồng NDT với Trung Quốc
Khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng, sự ảnh hưởng của TQ ngày càng tăng, đồng NDT đã trở thành chủ đề được chú ý trong các vấn đề quốc tế. Đồng NDT có khả năng chuyển đổi sẽ giúp TQ khắc phục những thách thức về kinh tế và chính trị. Việc thả nổi đồng NDT cũng sẽ cho phép một sự điều chỉnh toàn cầu của đồng USD với sự tăng giá đồng NDT và các đồng tiền khu vực khác mà không gây ra tác động lớn tới các bên. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, một đồng tiền thả nổi sẽ giúp nền kinh tế nội địa TQ thoát khỏi tình trạng tăng trưởng quá nóng và giảm nguy cơ bong bóng tài sản.
Chính sách tiền tệ của TQ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của hệ thống ngân hàng bằng cách mở rộng mức độ tiếp cận dễ dàng đối với tín dụng, làm cho các ngân hàng thiên về mở rộng các khoản cho vay dành cho các dự án mạo hiểm hoặc các dự án đầu cơ, và do vậy có thể làm tăng các khoản cho vay kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc thả nổi đồng NDT “có thể sẽ dẫn đến gia tăng mức tiêu thụ của các hộ gia đình ở TQ, tăng chất lượng đầu tư và giảm lượng tiền tiết kiệm trong nước”.
Đồng NDT có khả năng chuyển đổi sẽ giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn chính sách tiền tệ trong nước, đa dạng hóa các tài sản USD của mình và phá vỡ chu trình mua các khoản nợ để duy trì sự ổn định hiện nay. Việc tăng giá trị tiền tệ trong nước sẽ hạ thấp chi phí đầu vào, giúp bù đắp sự gia tăng chi phí lao động và duy trì lợi nhuận.
Tạo vị thế
Thời gian vừa qua, bất chấp việc đồng NDT chưa được chuyển đổi, TQ đã chủ động đẩy mạnh việc sử dụng đồng tiền của mình trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế nhằm có được một vị thế toàn cầu lớn hơn. Hội đồng Nhà nước TQ hiện đang cho phép đồng NDT được sử dụng trong các giao dịch thương mại giữa Hongkong, Macao và các nước ASEAN với các đối tác thương mại ở lưu vực sông Dương Tử và Quảng Đông.
Ngân hàng Trung ương TQ cũng thiết lập những thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương với ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc, Hongkong, Malaysia, Indonesia, Belarus, Argentina và các nước khác. Chính sách này loại bỏ hết nhu cầu sử dụng đồng USD là một đồng tiền trung gian trong làm ăn với TQ. Bắc Kinh cũng đã thâu tóm một hiệp định thương mại song phương với Brazil cho phép các hoạt động thương mại sử dụng đồng tiền của hai nước làm phương tiện giao dịch chính hơn đồng USD.
Trong ngắn hạn, TQ sẽ cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các thanh toán quốc tế, tăng cường vai trò đồng NDT trong thương mại và trong phân bố dự trữ của ngân hàng Trung ương, đồng thời giữ nguyên các rào cản thể chế hợp pháp với việc tích trữ vốn trong ngắn hạn.
Động thái quay trở lại thị trường trái phiếu quốc tế của TQ gần đây không phải để vay mượn mà là để thiết lập một chỗ đứng và điểm chuẩn trong thị trường này, TQ muốn hợp pháp hóa và quốc tế hóa đồng tiền của mình. Các ngân hàng nước ngoài có thể mua hoặc vay đồng NDT từ các nhà cho vay tại Đại Lục để chi trả cho các hoạt động thương mại của mình. Nga cùng một số nước đồng minh với TQ đã công khai sự ủng hộ quá trình quốc tế hóa đồng NDT.
Các nhà kinh tế cho rằng, đây chỉ là điểm khởi đầu. Cho đến khi các ngân hàng và doanh nhân nước ngoài vẫn còn lo ngại về tính thanh khoản, tiện ích giao dịch, niềm tin vào chính quyền TQ, thì việc chấp nhận đầu tư bằng đồng NDT từ bên ngoài vào TQ vẫn là một vẫn đề khó khăn. Động thái chấp nhận đồng NDT là một đồng tiền dự trữ quốc tế sẽ xảy ra khi các nước phương Tây như Mỹ mua trái phiếu được ấn định bằng đồng NDT, sau đó bán chúng với mức giá thị trường.
Bất chấp rủi ro về sự suy giảm đầu tư từ Mỹ, Nga - một chủ nợ lớn khác của Mỹ - cũng ủng hộ việc quốc tế hóa đồng NDT. Alexei Kudrin, Phó Thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Tài chính của Nga cho rằng, “cách nhanh nhất để TQ tạo ra một đồng tiền dự trữ mới là tự do hóa nền kinh tế và đảm bảo khả năng chuyển đổi của đồng NDT. Điều này có thể mất khoảng 10 năm nhưng sau đó nhu cầu về đồng NDT sẽ tương đối lớn”.
Kịch bản thả nổi đồng NDT
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có 2 biện pháp chính phủ TQ có thể thực hiện để hướng tới thả nổi đồng NDT: (1) Loại bỏ tức thì những kiềm chế về vốn; (2) Để thị trường quyết định giá trị của đồng NDT. Trên cơ sở hệ thống ngân hàng dễ tổn thương và mong muốn ổn định của TQ, rõ ràng lựa chọn thứ nhất không phải là một kịch bản khả thi. Lựa chọn chính sách thứ hai dường như khả thi hơn.
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một vài trở ngại về kinh tế và chính trị mà TQ phải vượt qua để tăng vị thế của đồng NDT. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đồng NDT nổi lên, tăng trưởng của TQ sẽ có tốc độ chậm lại về mức bình thường với rủi ro được tạo ra từ nhu cầu tạo việc làm của xã hội có số lượng người thất nghiệp lớn.
Theo Ủy ban Điều tiết ngân hàng TQ, “giá đất tăng nhanh kéo theo việc làm cản trở đầu tư bất động sản và đe dọa đến quá trình phục hồi kinh tế”. Một đồng tiền có giá trị cao chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Đối với TQ, điều đáng sợ nhất không phải là việc đồng NDT tăng giá mà là mất đi tỉ lệ tăng trưởng. Một đồng tiền đang tăng giá trị cùng với một nền kinh tế mở có thể khiến TQ và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro lớn hơn.
Chính sách tiền tệ hiện thời là công cụ duy trì tăng trưởng về việc làm và ổn định xã hội. TQ quyết định nâng tầm đồng tiền của nước mình sẽ kéo theo khả năng mất đi sức mạnh một khi các nước khác nắm giữ được lượng tiền đáng kể từ TQ. Chính quyền TQ bắt buộc phải tăng giá trị đồng NDT trong thị trường hối đoái. Thực tế cho thấy, sau thế chiến thứ II, Anh cũng đã mất đi hàng triệu USD để giữ giá đồng Bảng.
Một số chính trị gia phương Tây đã bày tỏ sự lo ngại về những động cơ và chiến lược của TQ, cho rằng, TQ đang xây dựng các khoản nợ của Mỹ như là một vũ khí và sẽ sử dụng “quyền lựa chọn hạt nhân” để đánh chìm đồng USD nếu cần thiết. Tuy nhiên, với các biện pháp kiểm soát vốn hiện thời, nhiều người hiện vẫn hoài nghi vị thế của đồng NDT không thể trỗi dậy sớm.
Có ý kiến cho rằng, “quá trình chuyển đổi của đồng NDT có thể diễn ra trong hàng thập kỉ chứ không thể tính bằng năm”. Trái ngược với quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu kinh tế TQ tại Viện Peterson là Nicolas Lardy lại cho rằng, “ý tưởng chuyển đổi đồng NDT của TQ không phải là mới mà đã có từ đầu những năm 1990, nhưng bị cản trở do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. TQ có thể làm được điều này trong 2 đến 3 năm”.
“Các nhà hoạch định chính sách TQ đã quyết định việc loại bỏ tính phụ thuộc vào đồng USD trong dài hạn là dần dần quốc tế hóa đồng NDT. Quá trình này là tự nhiên kể từ khi TQ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Quá trình này diễn ra nhanh hay muộn chỉ phụ thuộc vào ý định của Chính phủ TQ”./.