Đồng USD có mất địa vị quốc tế?

Cho đến nay thị trường tài chính quốc tế vẫn chưa tìm ra được đồng tiền nào có thể thay thế vai trò của đồng USD.

Ngày 29/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản ông Jun Azumi cho biết, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện giao dịch tiền tệ trực tiếp giữa đồng Yên và đồng Nhân dân tệ tại thị trường Tokyo và Thượng Hải từ ngày 1/6/2012. Đây là động thái đầu tiên của hai cường quốc kinh tế (thứ hai và thứ ba) thế giới giao dịch trực tiếp với nhau bằng đồng tiền bản địa của họ mà không thông qua vai trò trung gian của đồng USD (Mỹ).

Đồng USD vẫn chiếm vị trí độc tôn

Theo nhiều chuyên gia tài chính quốc tế, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới địa vị quốc tế của đồng USD, nhưng có thể nói rằng, USD vẫn là hạt nhân của hệ thống tiền tệ quốc tế và sẽ còn duy trì địa vị này trong một thời gian dài.

Trong ngắn hạn, đồng USD giảm giá nằm trong toan tính chiến lược của Mỹ nhằm đem lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, nhất là nhanh chóng phục hồi kinh tế và đánh vào các đối thủ của Mỹ.

Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới nhận định, đồng USD sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá chừng nào kinh tế Mỹ còn suy thoái và Mỹ còn thu được lợi ích từ việc thực hiện chính sách “đồng USD yếu”.

Trong ngắn, trung và dài hạn, đồng USD tiếp tục là hạt nhân của hệ thống tiền tệ quốc tế
Trong trung và dài hạn, nhiều khả năng đồng USD sẽ hồi phục, phù hợp với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, phù hợp với những điều chỉnh bắt buộc đối với chính sách tài khóa, tiền tệ của Mỹ và phù hợp với tham vọng muốn tiếp tục duy trì đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế của quốc gia này.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, sự “mất lòng tin” vào đồng USD sẽ chỉ mang tính ngắn hạn. Tình trạng lôi cuốn dòng chảy từ USD sang những loại tiền tệ khác không thể kéo dài và sẽ kết thúc khi kinh tế Mỹ phục hồi. Đồng USD sẽ tăng giá trở lại.

Trong tương quan so sánh với các đồng tiền mạnh khác (EUR, Yên, Bảng Anh...), đồng USD dù bị suy giảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ vẫn tiếp tục duy trì vị thế đồng tiền chủ chốt trong thanh toán thương mại và dự trữ toàn cầu trong một thời gian rất dài nữa bởi chưa có một đồng tiền nào đủ sức cạnh tranh và nhanh chóng thay thế hoàn toàn vị thế quốc tế của đồng USD.

Các chuyên gia lập luận rằng, đồng Bảng Anh và đồng Franc Thụy Sỹ từng một thời là các đồng tiền dự trữ quan trọng nhưng hai nền kinh tế này quá nhỏ bé để đồng tiền của họ có thể vươn tới vai trò là các đồng tiền dự trữ hỗ trợ.

Nền kinh tế Nhật Bản lớn hơn nhưng chính phủ Nhật từ lâu đã không khuyến khích việc sử dụng đồng Yên trên quy mô quốc tế, vì lo ngại ảnh hưởng đến tỷ giá. Hơn nữa, nền kinh tế suy giảm, dân số già đồng nghĩa với việc nền kinh tế và đồng tiền của Nhật Bản không thể có vai trò lớn hơn trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Đồng EUR có tiềm năng cạnh tranh với đồng USD do khu vực đồng tiền chung châu Âu gồm 17 thành viên EU có được quy mô cần thiết, nhưng lại không ổn định bởi những lo ngại về khả năng tồn tại lâu dài của Liên minh tiền tệ châu Âu. Hơn nữa, đồng EUR tuy được sử dụng nhiều trong dự trữ nhưng lại ít được sử dụng trong thanh toán quốc tế bên ngoài châu Âu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tích cực thúc đẩy quốc tế hoá đồng NDT, nhưng NDT khó có thể thay thế vai trò của USD trong thanh toán và dự trữ quốc tế do đến nay đồng tiền này vẫn không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn.

Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc xoá bỏ ngay lập tức việc kiểm soát vốn, đồng NDT cũng khó có bước đột biến để trở thành đồng tiền quốc tế, bởi trên thực tế, đồng USD đã không thể vượt qua bảng Anh trong nửa thế kỷ kể từ khi kinh tế Mỹ vượt kinh tế Anh, trong khi hiện GDP của Mỹ cao gấp 3 lần của Trung Quốc và tổng kim ngạch thương mại của Mỹ cũng lớn hơn Trung Quốc rất nhiều.

Vì những lý do trên, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế nhận định, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lần này ảnh hưởng tới địa vị quốc tế của đồng USD, nhưng USD sẽ vẫn là hạt nhân của hệ thống tiền tệ quốc tế trong một thời gian dài nữa...

Dự kiến, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu tuy sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng vẫn ở mức 55-60% trong 10 năm tới.

Chưa tìm ra được đồng tiền thay thế vai trò của đồng USD

Việc thiết lập một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia là vấn đề hết sức phức tạp và khó khả thi. Giữa lúc đồng USD suy yếu, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, thời đại độc tôn trong thanh toán và dự trữ của đồng tiền này đã kết thúc và thế giới cần tìm một đồng tiền khác để thay thế.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế kêu gọi thế giới sử dụng đồng SDR do IMF phát hành làm đồng tiền dự trữ mới. Quan điểm này được sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil. Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc cũng đã vận động cho sự mở rộng vai trò của SDR trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế.

Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng bởi tuy được thiết kế như một đồng tiền dự trữ, nhưng thực tế vai trò của SDR chưa bao giờ là như vậy (đến nay SDR chỉ chiếm dưới 1% tổng dự trữ ngoại tệ của thế giới). Hơn nữa, các trái phiếu bằng SDR do IMF phát hành chỉ có thể được trao đổi bởi các ngân hàng trung ương chứ không phải là các nhà đầu tư tư nhân. Trong trường hợp thanh toán, SDR vẫn bắt buộc phải chuyển đổi sang một đồng tiền khác nằm trong “rổ” thanh toán gồm: USD, Yên, Bảng Anh và EUR.

Ngoài ra, về lý thuyết, IMF tuy có thể tạo ra thị trường ngoại hối dựa trên SDR bằng cách giao dịch SDR với tất cả các nước thành viên ở tỷ lệ cạnh tranh với đồng USD, nhưng theo quy định hiện hành, SDR không thể được phát hành nếu thiếu sự tán thành của 85% các nước thành viên IMF. Do đó, việc đầu tư và thanh toán bằng SDR trong thời gian tới sẽ bị hạn chế.

Như vậy, đồng USD tuy giảm giá liên tục kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra tại Mỹ năm 2008, khiến nhiều nước và các tổ chức kinh tế quốc tế không còn tin tưởng tuyệt đối vào đồng USD đồng thời muốn tìm kiếm một đồng tiền khác khả dĩ có thể thay đồng USD đóng vai trò đồng tiền thế giới. Thế nhưng, cho đến nay thị trường tài chính quốc tế vẫn chưa tìm ra được đồng tiền nào thay thế vai trò của đồng USD.

Các chuyên gia về tài chính, tiền tệ cho rằng, trong trung và dài hạn, đồng USD tuy bị suy giảm vị thế ít nhiều, nhưng sẽ vẫn tiếp tục giữ vị trí là đồng tiền chủ chốt trong thanh toán và dự trữ quốc tế trong tương lai./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên