Dư âm Shangri-La 13: Không có chính nghĩa, Trung Quốc bị dồn vào thế bí

VOV.VN - Nhiều học giả yêu cầu đại diện Trung Quốc giải thích về “đường 9 đoạn” nhưng phía Trung Quốc chỉ đánh trống lảng.

Chiều qua (1/6), diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp với 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh nỗ lực hòa bình và ngăn chặn xung đột chiến tranh.

Tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (ảnh: deccanchronicle.com)

Không nằm ngoài dự đoán, diễn biến căng thẳng trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã trở thành vấn đề nóng tại diễn đàn. Các nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, đồng thời tiếp tục lên án Trung Quốc và yêu cầu phải ngay lập tức chấm dứt các hành vi gây bất ổn. 

Một chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định, đây là những hành động gây căng thẳng trong khu vực. 

Về phần mình, Việt Nam khẳng định theo đuổi hòa bình trong giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. Phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân…”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định “đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng” và đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục “đuối lý” và lảng tránh nhiều câu hỏi liên quan đến những yêu sách chủ quyền vô lý của nước này trên Biển Đông. Tại phần hỏi đáp sau thảo luận, các học giả đến từ nhiều nước trên thế giới đã tập trung yêu cầu Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung - Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Vương Quán Trung chỉ cho biết Trung Quốc chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan.

Các nước như Mỹ, Nhật Bản trong 3 ngày làm việc tại Đối thoại Shangri-La đều lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đơn phương gây căng thẳng với các nước láng giềng, gây bất ổn với những yêu sách chủ quyền phi lý.

Trong ngày làm việc thứ 2 của Đối thoại Shangri-La 13, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh: “Trung Quốc đã gọi Biển Đông là vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nhưng hành động đơn phương trong những tháng gần đây của Trung Quốc lại đang đe dọa sự ổn định của vùng biển này”.

Là một diễn giả chính tại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay phiên khai mạc diễn đàn đã cam kết ủng hộ Việt Nam và Philíppin trong căng thẳng với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.

Tại phiên thảo luận chung thứ 4 diễn ra sáng ngày 1/6, với chủ đề “Quan điểm của các cường quốc lớn về hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định mục tiêu chính của Nga là đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn có ý nghĩa sống còn cho phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của các quốc gia. Để đối phó với các nguy cơ an ninh, cần phải dựa vào các nỗ lực phối hợp dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an, cũng như các cấu trúc khu vực và tiểu khu vực, như hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực về an ninh ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Tiếp đó, trong phiên thảo luận thứ 5 và là cuối cùng với chủ đề “Đảm bảo quản lí xung đột nhanh chóng tại châu Á-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ "hy vọng và trông đợi việc hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), mà sẽ là cách thức duy nhất để ngăn ngừa các sự cố” và để xây dựng một môi trường “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” hơn nữa trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhấn mạnh đến tính “phi dự báo” của những thách thức an ninh đối với khu vực, trong đó có các sự cố trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore khẳng định có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng “việc chủ động xây dựng các mối quan hệ và khuôn khổ đa phương mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin thông qua hợp tác và đồng thuận".

Khép lại 3 ngày làm việc, các đại biểu đã tập trung vào các chủ đề thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; Triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; Đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó cũng diễn ra phiên họp đặc biệt về biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR)…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên