EU đứng đâu trong vụ kiện tội ác diệt chủng chống Israel tại Tòa quốc tế?
VOV.VN - EU vốn không cho thấy sự thống nhất trong nỗ lực hòa giải xung đột Israel – Hamas. Quan điểm của 27 quốc gia thành viên EU không hoàn toàn nhất quán trong việc giải quyết vấn đề này và thực tế là EU đã gần như giữ im lặng về vụ kiện của Nam Phi.
Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) đã tổ chức hai phiên điều trần vào ngày 11 và 12/1 tại The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel với cáo buộc vi phạm Công ước năm 1948 về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng, đồng thời yêu cầu các thẩm phán ban hành các biện pháp tạm thời để ngừng ngay lập tức hoạt động quân sự ở Gaza.
Cả Nam Phi và Israel đều nằm trong số 152 quốc gia tham gia Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng, và Nam Phi muốn chứng minh rằng Israel đã có những hành động tiêu diệt người dân Palestine vượt quá khả năng tự vệ chính đáng.
Tội diệt chủng được định nghĩa trong Công ước năm 1948 là “hành vi được thực hiện với mục đích tiêu diệt một bộ phận hoặc toàn bộ cộng đồng, một quốc gia, một chủng tộc, sắc tộc hoặc một nhóm tôn giáo”.
Theo truyền thống, các vụ kiện lên ICJ phải mất nhiều năm mới đạt được phán quyết. Nam Phi đã yêu cầu Tòa tạm thời kêu gọi ngừng bắn để xoa dịu nỗi đau người dân ở Dải Gaza – khu vực đang bị bao vây, nơi mà theo cơ quan y tế do Hamas điều hành, đã có hơn 23.000 người thiệt mạng kể từ khi xung đột vũ trang giữa Hamas và Israel bùng phát từ tháng 10/2023 cho đến nay.
Chính phủ Israel đã mô tả khiếu nại này là "lời phỉ báng đẫm máu vô lý" trong khi các đồng minh phương Tây của nước này là Vương quốc Anh và Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt động thái của Nam Phi.
Ngược lại, các quốc gia khác, bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Jordan, Malaysia, Maldives, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela cũng như Tổ chức các nước Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia, đã có tiếng nói chính thức ủng hộ Nam Phi. Vậy Liên minh châu Âu (EU) đứng ở đâu trong tình huống này?
“EU không bình luận”
EU vốn không cho thấy sự thống nhất trong nỗ lực hòa giải xung đột Israel – Hamas. Quan điểm của 27 quốc gia thành viên EU không hoàn toàn nhất quán trong việc giải quyết vấn đề này và thực tế là EU đã gần như giữ im lặng về vụ kiện của Nam Phi.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu trong tuần trước đã tái khẳng định sự ủng hộ của khối đối với ICJ nhưng không ủng hộ cáo buộc diệt chủng nằm vào Israel.
Người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu Peter Stano nói: “Về trường hợp cụ thể này, các quốc gia có quyền đệ trình các vụ kiện. Liên minh châu Âu không phải là một phần của vụ kiện. Đây không phải là vụ việc để chúng tôi có thể đưa ra bất kỳ bình luận gì”.
Phản ứng thận trọng trên được đưa ra sau những nỗ lực của EU nhằm giữ đường lối trung lập trong cuộc xung đột hiện nay ở Gaza. Trong đó ủng hộ quyền tự vệ của Israel nhưng cũng đồng thời kêu gọi bảo vệ mạng sống cho dân thường ở Gaza và không được cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Brussels cho đến nay vẫn kiềm chế không kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, thay vào đó chọn đưa ra lời kêu gọi "tạm dừng nhân đạo" để đảm bảo viện trợ quan trọng đến được với dân thường.
Trong một dấu hiệu cho thấy khối đang dần hướng tới những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn về sự kiềm chế của Israel, đa số các nước EU đã ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt chiến sự hồi tháng 12/2023. Các quốc gia bao gồm Đức, vốn được coi là đồng minh trung thành của Israel, gần đây cũng đã lên án lời kêu gọi của các bộ trưởng cực hữu Israel nhằm triển khai kế hoạch đưa người dân ở Dải Gaza đi nơi khác.
Đức, Áo và Cộng hòa Séc - đều được coi là đồng minh trung thành của Israel - đã lên tiếng hoài nghi về vụ kiện.
Phát biểu từ Israel hôm 11/1 khi phiên điều trần diễn ra ở The Hague, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói: "Bạn có thể chỉ trích quân đội Israel vì hành động quá quyết liệt ở Dải Gaza, nhưng đó không phải là tội diệt chủng".
“Những đối tượng phạm tội hoặc muốn phạm tội diệt chủng, nếu có thì ở đây chính là Hamas. Chương trình nghị sự của họ là quét sạch nhà nước Israel”, ông Habeck nói thêm.
Trong một tuyên bố chung đưa ra cùng ngày, Thủ tướng Áo và Thủ tướng Séc cũng bày tỏ những nghi ngờ tương tự. “Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực chính trị hóa ICJ”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Hungary là quốc gia duy nhất lên án rõ ràng vụ kiện ICJ của Nam Phi, trong đó Ngoại trưởng Péter Szijjártó nêu rõ: “Việc buộc tội một quốc gia vừa hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố là diệt chủng rõ ràng là vô nghĩa. Chúng tôi tin rằng lợi ích của toàn thế giới là thực hiện thành công các hoạt động chống khủng bố, nhằm ngăn chặn không để xảy ra một cuộc tấn công khủng bố tàn bạo như vậy ở bất cứ đâu trên thế giới một lần nữa”.
Chia rẽ trong nội bộ EU
Mặc dù vậy, tiếng nói của các thành viên EU tán thành vụ kiện của Nam Phi cho đến nay vẫn còn thưa thớt và biệt lập.
Phó Thủ tướng Bỉ Petra De Sutter cho biết, bà sẽ thúc giục Chính phủ Bỉ chính thức ủng hộ vụ kiện của Nam Phi.
Chính phủ Bỉ - một liên minh phức tạp gồm 7 bên, cho đến nay vẫn chưa tán thành lời kêu gọi của bà Sutter nhưng đã cam kết tài trợ bổ sung 5 triệu euro cho Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - một tòa án quốc tế khác có trụ sở tại The Hague thường nhầm lẫn với ICJ - để điều tra các tội ác chiến tranh có thể xảy ra trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã loại trừ mọi khả năng Ireland sẽ tham gia vụ kiện, bất chấp áp lực từ các nhà lập pháp của nước này. “Tôi thực sự nghĩ đây là vấn đề mà chúng tôi cần phải hết sức cẩn thận”, ông trả lời RTÉ Radio trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua.
Tây Ban Nha - nước chỉ trích thẳng thắn chiến dịch của Israel ở Gaza, cũng từ chối bình luận bất chấp việc 250 chuyên gia pháp lý đã đệ trình kiến nghị kêu gọi chính phủ ủng hộ vụ kiện của Nam Phi.
Phát biểu với Euronews, Philippe Dam, quan chức của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ kiện của Nam Phi ở ICJ là cơ hội để EU “tái khẳng định cam kết của mình với công lý và trách nhiệm giải trình” trong bối cảnh xung đột ở Gaza.
“Điều cần thiết là Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên phải thực sự làm rõ rằng họ ủng hộ các quy trình tư pháp và tư pháp ở cấp độ quốc tế. Họ [EU – ND] phải đảm bảo sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng các biện pháp tạm thời từ tòa án – mà chúng tôi hy vọng sẽ được đưa trong vài tuần nữa – phải được tuân thủ”, ông Philippe Dam nêu rõ.