EU đứng về phía Mỹ phản đối hành vi đơn phương của Trung Quốc, “gió đã đổi chiều”?

VOV.VN - Mỹ và EU ngày càng tìm được nhiều điểm giao nhau về lập trường trước điều mà hai bên cho là mối đe dọa từ Trung Quốc, làm sâu sắc thêm xu hướng dịch chuyển cán cân quyền lực trong kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn.

Mỹ và EU tìm được tiếng nói chung về Trung Quốc

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/12 đã lên tiếng quan ngại mạnh mẽ về "những hành động đơn phương và khó giải quyết" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cần liên lạc chặt chẽ để giải quyết "cuộc cạnh tranh và đối đầu có hệ thống" với Bắc Kinh.

Tuyên bố chung trên được đưa ra sau các cuộc trao đổi ở Washington giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng Thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Stefano Sannino.

Tuyên bố này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Mỹ và EU trong việc duy trì liên lạc “liên tục và chặt chẽ” về hướng tiếp cận khi hai bên đầu tư, phát triển kinh tế, hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực nhất định, cũng như giải quyết cuộc cạnh tranh và đối đầu có hệ thống với Trung Quốc một cách có trách nhiệm.

Tuyên bố cũng khẳng định, hai bên cần thảo luận về vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, đồng thời thể hiện rằng Mỹ và EU sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn nhằm chia sẻ thông tin trước những nỗ lực làm sai lệch thông tin mà Trung Quốc tài trợ hoặc ủng hộ.

"Hai bên đã thể hiện mối quan ngại mạnh mẽ về những hành vi đơn phương và khó giải quyết của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Đây là những hành vi đã làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, cũng như tác động trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng của cả Mỹ và EU", thông báo này cho hay.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp thứ hai trong khuôn khổ Đối thoại Mỹ - EU về Trung Quốc năm nay. Bà Sherman và ông Sannino sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc với các cuộc tham vấn cấp cao về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 3/12.

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong việc đối phó với quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc và các hành vi ngày càng quyết đoán trên toàn cầu.

Trước thềm cuộc đối thoại trên, một quan chức Mỹ cho biết Washington và Brussels có quan điểm "ngày càng thống nhất" về "các hành vi gây quan ngại" của Trung Quốc.

Chia sẻ với một tổ chức nghiên cứu tại Washington, Phó chỉ huy Bộ tư lệnh thủy quân đồng minh NATO cho biết, có những khía cạnh cho sự hợp tác lớn hơn để "thể hiện mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế trên biển trước những chính sách chiếm giữ thực tế (de facto) trên Biển Đông".

Ông Blejean nhận định với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế rằng, Pháp là một cường quốc ở Thái Bình Dương và có những lợi ích ở khu vực này, cùng với Anh và các thành viên EU khác như Đức, Hà Lan và Đan Mạch.

"Chúng ta phải xem xét về cách chúng ta đưa ra những thông điệp cùng nhau bởi khi chúng ta đoàn kết, sức mạnh của thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn và cách chúng ta tương tác với các nước cùng chí hướng như Australia, Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN".

Ông Blejean cho biết EU có thể thiết lập một "Vùng Lợi ích Biển" ở Biển Đông sau khi một dự án thí điểm nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn về sự hiện diện trên biển của các nước thành viên EU đang diễn ra ở Vịnh Guinea của châu Phi và một dự án khác đang được xem xét ở phía Bắc Ấn Độ Dương.

“Gió đã đổi chiều” ở châu Âu?

Mỹ và EU ngày càng tìm được nhiều điểm giao nhau về lập trường trước điều mà hai bên cho là mối đe dọa từ Trung Quốc, làm sâu sắc thêm xu hướng dịch chuyển cán cân quyền lực trong kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu ban đầu luôn giữ thái độ thận trọng về chiến dịch của Tổng thống Biden nhằm tập hợp một liên minh thách thức Trung Quốc với hy vọng sẽ tránh được tác động từ cuộc đối đầu giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của khối. Tuy nhiên "gió đã đổi chiều" ở châu Âu do những hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Một ngày trước khi ra tuyên bố chung, Ủy ban châu Âu đã tiết lộ một chương trình phát triển mang tên "Cổng Toàn cầu" trị giá 300 tỷ euro (339 tỷ USD) nhằm đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Kế hoạch này được cho là tương đồng với sáng kiến "Xây dựng Thế giới tốt đẹp hơn" của Tổng thống Biden.

Trong khi đó, việc chính phủ Đức kế nhiệm lần đầu tiên đề cập đến Đài Loan trong thỏa thuận liên minh của mình được cho là một sự dịch chuyển khỏi hướng tiếp cận "đối thoại trước tiên" và ưu tiên kinh tế của Thủ tướng Angela Merkel, Noah Barkin - một nhà phân tích về mối quan hệ EU - Trung Quốc tại Nhóm Rhodium cho hay.

"Châu Âu sẽ không khiến bản thân trở nên nhỏ bé. Trung Quốc có những lợi ích to lớn ở thị trường châu Âu. Chúng tôi sẽ sử dụng ảnh hưởng từ thị trường chung này mạnh mẽ hơn".

Cách đây 1 năm, Thủ tướng Merkel đã thúc đẩy hoàn tất một thỏa thuận đầu tư chính EU - Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị tạm dừng sau khi Bắc Kinh đưa các nghị sĩ EU vào "danh sách đen" nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với các quan chức nước này. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU hiện đang lao dốc chưa từng thấy.

"Thái độ ở châu Âu đang dịch chuyển nhưng vẫn còn chậm chạp và không có cùng nhịp độ ở mỗi nước thành viên", nghị sĩ Raphaël Glucksman, người là chủ tịch phái đoàn chính thức đầu tiên của Nghị viện châu Âu tới Đài Loan (Trung Quốc) nhận định với Axios trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.

Một số nước châu Âu rất hoan nghênh lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc, chẳng hạn như Litva. Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva trong tuần này sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở đại sứ quán thực tế ở Vilnius. Trong khi đó, các thành viên khác như Hungary, vốn xây dựng quan hệ thân thiết với Trung Quốc có thể tiếp tục là nhân tố cản trở chính sách đối ngoại dựa trên sự đồng thuận trong EU./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”
Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”

VOV.VN - Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia cho rằng mặc dù thay đổi cách tiếp cận nhưng tham vọng “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc không thay đổi, đồng thời đề cao sức mạnh đoàn kết và tiếng nói chung của ASEAN giữa lúc cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng.

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”

VOV.VN - Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia cho rằng mặc dù thay đổi cách tiếp cận nhưng tham vọng “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc không thay đổi, đồng thời đề cao sức mạnh đoàn kết và tiếng nói chung của ASEAN giữa lúc cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng.

Chuyên gia quốc tế chỉ rõ bản chất của lực lượng dân quân biển Trung Quốc
Chuyên gia quốc tế chỉ rõ bản chất của lực lượng dân quân biển Trung Quốc

VOV.VN - Trung Quốc đã mở rộng lực lượng dân quân biển tại Biển Đông một cách chủ ý và có hệ thống trong một thập kỷ qua như một phần của chiến lược nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp đối với nhiều vùng biển trong khu vực.

Chuyên gia quốc tế chỉ rõ bản chất của lực lượng dân quân biển Trung Quốc

Chuyên gia quốc tế chỉ rõ bản chất của lực lượng dân quân biển Trung Quốc

VOV.VN - Trung Quốc đã mở rộng lực lượng dân quân biển tại Biển Đông một cách chủ ý và có hệ thống trong một thập kỷ qua như một phần của chiến lược nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp đối với nhiều vùng biển trong khu vực.

Mỹ lo Trung Quốc lôi kéo đồng minh truyền thống ở Thái Bình Dương
Mỹ lo Trung Quốc lôi kéo đồng minh truyền thống ở Thái Bình Dương

VOV.VN - Trong nhiều thập kỷ, Quần đảo Marshall nhỏ bé đã trở thành một đồng minh vững chắc của Mỹ. Với vị trí ở giữa Thái Bình Dương, Marshall được coi là một tiền đồn chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ.

Mỹ lo Trung Quốc lôi kéo đồng minh truyền thống ở Thái Bình Dương

Mỹ lo Trung Quốc lôi kéo đồng minh truyền thống ở Thái Bình Dương

VOV.VN - Trong nhiều thập kỷ, Quần đảo Marshall nhỏ bé đã trở thành một đồng minh vững chắc của Mỹ. Với vị trí ở giữa Thái Bình Dương, Marshall được coi là một tiền đồn chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ.