EU ít có khả năng đồng hành cùng Mỹ để chống Trung Quốc
VOV.VN - Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và EU sẽ muốn hành động cân bằng trước sự đối đầu Mỹ-Trung.
Cựu đại diện thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Clinton, bà Charlene Barshefsky, cho rằng, Mỹ cần phải thừa nhận việc tập hợp đồng minh châu Âu trong mặt trận đối phó Trung Quốc sẽ không phải là điều dễ dàng vì mỗi nước đều có những ưu tiên khác nhau.
“Châu Âu có thể nghĩ về Trung Quốc khác với cách nghĩ của Mỹ. Do đó, sẽ ít có khả năng họ tham gia vào các nỗ lực của Mỹ trên mặt trận chống Trung Quốc. Khi nhìn vào bức tranh châu Âu, những áp lực mà họ phải chịu, hay các lợi ích chung mà chúng ta nắm giữ, châu Âu cuối cùng cũng sẽ hành động một cách cân bằng”, bà Barshefsky nói tại một sự kiện do Phòng thương mại Mỹ tổ chức.
Bà Barshefsky từng là người từng dẫn đầu đoàn đàm phán trong quá trình Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Theo bà, một hành động cân bằng cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không có được điều mình mong muốn. Điều đó có thể nhận thấy từ những khó khăn mà Mỹ phải đối mặt khi thuyết phục các đối tác châu Âu cắt giảm thương mại về công nghệ, hạn chế giao dịch kinh doanh và cùng Mỹ trừng phạt Trung Quốc.
Lợi ích của Mỹ chưa chắc là lợi ích của EU
Một trong các lý do khiến EU muốn hành động cân bằng là khối này hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU. Trao đổi hàng hóa và dịch vụ đạt 709 tỷ USD trong khi con số này giữa EU và Mỹ là 671 tỷ USD.
“Mỹ có thể muốn giành lại vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới. Châu Âu sẽ không chống lại Trung Quốc chỉ để bảo vệ vai trò đặc trưng đó của Mỹ. Đó là lợi ích của Mỹ. Việc nhất thiết phải chống lại Trung Quốc lại không phải là lợi ích của châu Âu”, bà Barshefsky nói.
Các lý do khác bao gồm bất đồng giữa các nước Bắc Âu và các nước Nam Âu trong quan điểm về Trung Quốc. Điều này cản trở EU có 1 tiếng nói chung trong quan điểm đối với quốc gia châu Á này.
Tham vọng của châu Âu cũng ngày càng trở nên độc lập một cách chiến lược và ít có động lực để “theo” Mỹ.
“Nếu châu Âu muốn có sự độc lập chiến lược, thì họ sẽ theo Mỹ như thế nào đây?” bà Barshefsky đặt câu hỏi.
Quan trọng hơn, nhiều nước trên khắp Đại Tây Dương đã có quan niệm khác biệt về mối đe dọa liên quan đến Trung Quốc.
“Châu Âu không cảm thấy mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc. Châu Âu không đặt mình trên con đường Thái Bình Dương mà Mỹ đang đi. Kết quả là châu Âu không cảm thấy mối đe dọa ngay trước mắt như Mỹ cảm thấy. Thậm chí, rất nhiều người châu Âu còn tin rằng, không có mối đe dọa từ Trung Quốc”, bà Barshefsky nhận định.
Châu Âu muốn có sự độc lập chiến lược
Suốt nhiều năm, Ngoại trưởng Mỹ thời chính quyền Donald Trump, ông Mike Pompeo đã vận động các nước châu Âu loại bỏ công ty công nghệ Trung Quốc Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G vì các lý do an ninh. Đức đã phản đối suốt một thời gian dài và tuyên bố giải pháp phù hợp để thỏa thuận với Trung Quốc về 5G là đi đến các quy tắc mới để đảm bảo an ninh
Ngay cả sau khi Đức cùng với EU hồi tháng 4 vừa qua đã thông qua dự luật khắt khe hơn đối với Huawei, giới phê bình vẫn nghi ngờ rằng các quy định này có thể được thực hiện một cách đầy đủ.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư ký kết với Trung Quốc vào tháng 12/2020, gửi đi thông điệp tới chính quyền Biden về mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa châu Âu và Trung Quốc ngay trước khi tổng thống mới của Mỹ nhậm chức.
Bà Barshefsky cảnh báo Mỹ có thể nhận thấy rằng hợp tác đã thất bại trong việc đạt được những mục tiêu riêng.
“Các bạn có thể là bạn bè thân thiết nhưng cũng có những bất đồng đáng kể về những lợi ích nhất định. Các bạn đang chịu những sức ép khác nhau và mỗi nước cũng có bối cảnh chính trị của mình”, bà Barshefsky nói.
Dù vậy, châu Âu cũng tuyên bố rõ ràng rằng, khối này cảm thấy không hài lòng về các vấn đề nhân quyền, chính sách kinh tế và thương mại bị bóp méo cũng như các giá trị cơ bản của Trung Quốc. Giới lãnh đạo EU cũng ngày càng tách bạch giữa lợi ích kinh tế và các nghĩa vụ liên quan đến nhân quyền.
Các nghị sỹ EU dự kiến trong ngày 20/5 sẽ bỏ phiếu để chính thức dừng Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư đã ký tháng 12/2020 nhằm phản đối vấn đề nhân quyền của Trung Quốc liên quan đến Tân Cương./.