EU nỗ lực định hình quan hệ chiến lược mới với Trung Quốc
VOV.VN - Bất chấp các căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, các lãnh đạo EU vẫn buộc phải khởi động lại các cuộc tranh luận về việc phải làm thế nào để thích ứng với một Trung Quốc vô cùng quan trọng về kinh tế nhưng đang ngày càng cứng rắn trong đối ngoại.
Nhận thức từ trừng phạt
Tháng 3/2021, quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc ghi nhận một biến cố lớn khi lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, Liên minh châu Âu áp lệnh trừng phạt nhằm vào 4 quan chức cùng 1 công ty của Trung Quốc với các cáo buộc rằng những cá nhân và thực thể này vi phạm nhân quyền, đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã đáp trả leo thang, áp lệnh trừng phạt trả đũa nhằm vào các nghị sĩ châu Âu, các viện nghiên cứu, các tổ chức dân sự và các học giả châu Âu. Sự kiện này đã tạo ra căng thẳng ngoại giao lớn nhất giữa EU và Trung Quốc từ hơn 3 thập kỷ qua.
Phía châu Âu đã bị sốc trước việc trả đũa leo thang của Trung Quốc vì trước đó vẫn nhận định rằng Trung Quốc sẽ phản ứng một cách kiềm chế, nhất là khi các lệnh trừng phạt từ phía châu Âu trên thực tế chỉ mang nặng tính biểu tượng vì chỉ nhắm vào các quan chức và 1 công ty xây dựng ở địa phương của Trung Quốc.
Châu Âu cũng đã không nghĩ rằng Trung Quốc lại đáp trả quyết liệt như vậy vào thời điểm mà trước đó 3 tháng hai bên đã nỗ lực hoàn tất được Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc vô cùng tham vọng, mở ra một cơ hội lớn cho các công ty của hai bên.
Do đó, sự trả đũa cứng rắn của Trung Quốc, đặc biệt là các lệnh trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ có tiếng nói trong Nghị viện châu Âu, là một thực tế khiến châu Âu rất khó chấp nhận. Ngay sau đó, Nghị viện châu Âu đã ra quyết định đóng băng mọi tiến trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc cho đến khi nào Trung Quốc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ châu Âu.
Biến cố ngoại giao nghiêm trọng vừa qua với Trung Quốc giúp châu Âu nhận thức được nhiều điều. Một mặt, châu Âu đã nhận được thông điệp rõ ràng từ phía Trung Quốc, rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trong các vấn đề mà nước này xem là lợi ích cốt lõi và là chuyện nội bộ của Trung Quốc, ở đây là tình hình Tân Cương. Mặt khác, cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc cũng khiến các chính trị gia châu Âu đối mặt với hiện thực tàn khốc của môi trường địa chính trị hiện nay, đó là trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung ngày càng khốc liệt, châu Âu cần phải học lại cách nói chuyện bằng sức mạnh.
Bài học này, nước Mỹ cũng đã lại nhắc lại cho châu Âu trong tháng 8 - 9/2021, với cuộc rút quân trong hỗn loạn tại Afghanistan và sự ra đời của liên minh an ninh AUKUS, nơi mà vai trò, lợi ích, và các lo ngại chiến lược của của các nước châu Âu hoàn toàn bị phớt lờ.
Với riêng Trung Quốc, thực tế phức tạp hiện nay trong quan hệ giữa hai bên buộc châu Âu phải nhìn nhận Trung Quốc với rất nhiều góc độ khác nhau. Trong năm 2020, châu Âu đã định danh Trung Quốc là “đối tác thương mại sống còn” nhưng là “đối thủ hệ thống”.
Với EU, càng ngày việc tìm được sự cân bằng giữa hai yếu tố này càng trở nên khó hơn, khi sức ép phải chọn phe hoặc bị loại khỏi cuộc chơi từ Mỹ ngày càng rõ rệt, còn Trung Quốc cũng ngày càng cứng rắn, ít thỏa hiệp hơn.
Đi tìm vũ khí mới để đàm phán
Trong cơ cấu tổ chức của EU thì thương mại là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu là nơi chịu trách nhiệm đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do để toàn bộ 27 nước thành viên áp dụng. Do đó, thương mại là lĩnh vực mà châu Âu có được một sức mạnh thống nhất và EU hiện đang là thực thể thương mại lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Mỹ. Trao đổi thương mại EU-Trung Quốc đạt trung bình trên 1 tỷ euro mỗi ngày. Tất cả các con số này cho thấy hai bên phụ thuộc rất lớn vào nhau trong lĩnh vực thương mại. Sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn này buộc hai bên phải thận trọng bởi bất cứ một tổn hại nào trong quan hệ song phương cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này là điểm yếu nhưng cũng là thế mạnh của mỗi bên trong việc điều chỉnh quan hệ. Tuy nhiên, qua cách phản ứng quyết liệt và gần như ngay lập tức của Trung Quốc khi trừng phạt trả đũa EU hồi đầu năm 2021, có thể thấy, Trung Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế, ở đây là Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích an ninh - chính trị.
Hoặc, Trung Quốc tính toán rằng châu Âu sẽ không thể hy sinh quyền lợi kinh tế quá lớn tại Trung Quốc. Trên thực tế, hai bên đều không muốn quan hệ kinh tế đổ vỡ. Vấn đề chỉ là bên nào chịu xuống thang trước.
Các động thái từ nhiều tháng qua cho thấy cả EU và Trung Quốc đều đang tìm cách bước ra khỏi bế tắc hiện nay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về hợp tác chống biến đổi khí hậu. Mới đây Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cũng đánh tiếng muốn đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận việc tổ chức Thượng đỉnh EU - Trung Quốc vào cuối năm 2021. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU thì thừa nhận thẳng thắn, EU cần phải tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, dù hai bên có nhiều bất đồng.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tiếng nói của EU không thống nhất, do an ninh - quốc phòng thuộc về chủ quyền của mỗi nước thành viên EU và 27 nước có 27 tính toán khác nhau, ưu tiên khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc.
Ví dụ rõ nhất là hai cường quốc Pháp - Đức vẫn muốn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc trong khi một số nước nhỏ hơn, như Litva hiện nay, lại đang theo đuổi chính sách chống Trung Quốc rõ rệt.
Ngoài việc không có tiếng nói thống nhất về an ninh - đối ngoại, EU cũng thiếu sức mạnh quốc phòng cần thiết để có thể tự chủ, thiếu các điểm tựa là các liên minh an ninh mạnh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để có thể có tiếng nói có trọng lượng hơn trong các đối thoại với Trung Quốc.
Ván bài Balkan
Giữa tháng 9/2021, EU công bố sáng kiến “Cánh cổng Toàn cầu”, mà mục đích lớn nhất là để cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc.
Sau nhiều năm bị động, các nước EU cũng như các nước G7 hiện nay đều có chung nhận thức rằng, để cạnh tranh với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước phương Tây không chỉ dùng lời nói mà còn phải hành động. Việc phương Tây tung ra các chiến dịch truyền thông tiêu cực về sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc suốt nhiều năm qua không che giấu được thực tế rằng trong suốt nhiều thập kỷ, các nước giàu có phương Tây hoàn toàn không quan tâm nhiều đến việc trợ giúp các nước đang phát triển trên thế giới phát triển cơ sở hạ tầng, mà hầu như chỉ tập trung vào việc khai thác lợi ích. Do đó, rất nhiều nước đang phát triển coi các đề nghị từ Trung Quốc là một cơ hội lớn về kinh tế.
Vì thế, đầu tháng 6/2021, G7 đã tung ra kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W). Tiếp theo, châu Âu công bố sáng kiến “Cánh cổng toàn cầu” nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng, quản trị… toàn cầu, lôi kéo các quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin khỏi các dự án trong sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc.
Việc G7 và EU triển khai các dự án này sẽ còn là một chặng đường dài bởi nguồn lực tài chính, cơ chế hợp tác… chưa hề được công bố cụ thể. Tuy nhiên, với châu Âu, sáng kiến về cơ sở hạ tầng mới có thể sẽ cần phải được triển khai ngay lập tức tại các khu vực láng giềng lân cận với biên giới của EU.
Đây cũng chính là một trong những chủ đề lớn nhất mà các lãnh đạo EU sẽ phải thảo luận trong cuộc họp ở Slovenia, cụ thể là việc thúc đẩy quá trình tiếp nhận thêm thành viên mới là các quốc gia Tây Balkan.
Đây là khu vực đang diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng lớn giữa EU với Trung Quốc và Nga và cũng là nơi mà châu Âu đang rất lo ngại bị rơi vào vòng ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài. Do đó, Balkan có thể sẽ chính là nơi đầu tiên mà sáng kiến “Cánh cửa toàn cầu” của EU cần phải thể hiện khả năng đối trọng với sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc./.