EU sẽ ra sao nếu vị thế của Thủ tướng Đức Merkel bị lung lay?
VOV.VN - Từ chỗ là đầu tàu của EU, vị thế của Đức đã lung lay dữ dội sau thất bại trong việc thành lập Chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel.
EU có lý do để bi quan
Bà Merkel một người có cá tính mạnh mẽ và thích “đi thẳng vào công việc” giờ lại phải lựa chọn giữa việc tiếp tục những cuộc đàm phán tìm kiếm liên minh mới kéo dài liên miên; điều hành một Chính phủ thiểu số với nhiều rắc rối được báo trước hoặc chấp nhận bầu cử lại mà không biết tương lai sẽ ra sao.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Những rắc rối về chính trị liên quan đến Thủ tướng Đức Angela Merkel khiến cho EU đã rối nay càng rối thêm bởi một loạt những vấn đề nội khối diễn ra trong thời điểm EU sắp kỷ niệm 45 năm thành lập khối.
Tại Italy, phe cánh hữu đang hồi sinh mạnh mẽ và liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương và khu vực. EU lo sợ một Italy ngả sang cánh hữu hoặc thậm chí là cực hữu sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiếp tục lan rộng.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, việc Chính phủ trung ương tước quyền điều hành của giới chức Catalonia sau khi khu vực giàu có nhất của Tây Ban Nha tiến hành trưng cầu ý dân đòi độc lập đã khiến EU càng thêm lo ngại bởi hành động này của Madrid được cho là càng cổ súy thêm cho quyết tâm đòi ly khai của nhiều khu vực khác trên khắp châu Âu.
Tại Ba Lan, Chính phủ do Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đang thách thức ra mặt với EU và người “tỏ thái độ rõ rệt nhất” đáng tiếc lại chính là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk- người từng là Thủ tướng Ba Lan.
Tình hình tại một số nước thành viên khác cũng không mấy sáng sủa hơn, một số Bộ trưởng tại Bỉ cho biết, nước này có thể sẽ tách làm 2 khu vực là Flemish (của những người nói tiếng Hà Lan) và Walloon (của những người nói tiếng Pháp).
Tại Áo, các cuộc đàm phán thành lập liên minh giữa Đảng Nhân dân của Thủ tướng mới đắc cử Sebastian Kurz và Đảng Tự do đã “có được khởi đầu rất thuận lợi”. Nếu thành công, đây sẽ là một liên minh được cho là có tư tưởng chống đối Brussels rất mạnh mẽ.
Đáng ngại hơn cả là việc chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai tuyên bố sẽ không giúp “những đồng minh thân cận nhất” trong việc phòng vệ trước kẻ thù và “họ sẽ phải học cách tự rào giậu nhà mình”.
Ông Macron liệu có thể soán ngôi thủ lĩnh của bà Merkel ở châu Âu?
Nhưng nước Đức cũng không khá hơn
Trong bối cảnh đầy hỗn loạn đó, nước Đức được coi là “ngọn hải đăng cho con tàu EU vượt qua sóng dữ” nhưng chính tại “trái tim của châu Âu” đó, câu hỏi lớn nhất được báo giới Đức đưa ra lại là “Liệu bà Merkel còn tại vị được bao lâu?”.
Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel từng dành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9 nhưng sau đó lại bị chính những đảng phái từng ủng hộ họ “quay lưng” khiến cho việc thành lập một Chính phủ liên minh trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) dù đang thất thế vẫn cho rằng, việc tiếp tục liên minh với bà Merkel sẽ càng khiến họ tụt dốc hơn. Trong khi đó, nỗ lực liên kết với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh cũng “không đi đến đâu”.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức khiến châu Âu lo ngại về một kịch bản hết sức tồi tệ nếu như bà Merkel không thể thành lập nổi một Chính phủ liên minh và phải chấp nhận bầu cử lại.
Khi đó, Đảng cực hữu Alternativ fur Deutschland hoàn toàn có cơ hội tiếp tục củng cố vị thế của mình khiến sự chia rẽ trong EU ngày một rõ rệt hơn bởi chính xu hướng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan mạnh mẽ của Đảng này.
Điều gì sẽ chờ đợi Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiệm kỳ thứ 4?
EU cần cấp tập hành động
Tình hình chính trị rối ren của các quốc gia EU, đặc biệt là “đầu tàu” Đức đã khiến EU “khó càng thêm khó” khi tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit với Anh.
Về cơ bản, EU không còn duy trì được vị thế 27 nước đoàn kết quyết tâm chống lại “kẻ nổi loạn thứ 28” trong các cuộc đàm phán về Brexit nữa. Việc EU cần làm ngay lúc này là thẳng thắn nhìn lại những vấn đề nội khối và những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong việc tránh để khối tiếp tục tan rã.
Sự suy giảm vị thế của Đức có thể chỉ là tạm thời bởi Đức vẫn là nền kinh tế mạnh nhất của châu Âu và bà Merkel vẫn là một chính trị gia đầy uy tín với cách điều hành đất nước rất lý trí và cẩn trọng. Chính bà Merkel đã lên tiếng khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì EU.
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trên chính trường Đức khiến EU buộc phải hành động ngay lập tức, thay vì ép các nước phải “nhất thể hóa” theo những nguyên tắc cứng nhắc của mình, EU nên mềm dẻo hơn và tôn trọng sự đa dạng trong khối. Chỉ khi đó, EU mới có thể đảm bảo được sự đoàn kết, thống nhất trong khối./.
Đức tổng tuyển cử: Chiến thắng khó lọt tay bà Merkel