G20 – Sẽ có thêm tiếng nói cho các nước đang phát triển?
Phát triển là một trong 4 vấn đề nghị sự quan trọng tại Hội nghị G20 tại Seoul. Các nước đang phát triển có nhiều hy vọng có thêm tiếng nói tại G20 khi nước chủ nhà Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến về vấn đề phát triển
>> Cú hích phục hồi, tăng trưởng bền vững/ Thách thức chờ đợi Hội nghị Cấp cao G20
Ngày 11/11, tại Seoul, Hàn Quốc đã chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trong nhóm các nền kinh tế mới nổi G20 và một số lãnh đạo là khách mời của nước chủ nhà. Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại có nhiều hy vọng có thêm tiếng nói tại G20 khi nước chủ nhà Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến về vấn đề phát triển.
Phát triển là một trong 4 vấn đề nghị sự quan trọng tại Hội nghị G20 tại Seoul. Theo đó, các quốc gia sẽ thảo luận về làm thế nào để các nước phát triển tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, thương mại…
Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố, Hội nghị thượng định G20 sẽ tạo bước đột phá để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước giàu và nước nghèo để từ đó tạo sự phát triển ổn định cho kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Lee Myung-bak cũng nhấn mạnh, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại các nước kém phát triển và giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình. Theo ông, kế hoạch hành động cần phải bao gồm các biện pháp đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của các nước nghèo.
Kế hoạch này cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới trong các cuộc gặp trước thềm G20. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cho rằng hiện có tới 64 triệu người đang bị đẩy vào tình trạng nghèo đói trong năm nay, mà chủ yếu tập trung ở các nước nghèo và đang phát triển.
Vấn đề phát triển không chỉ đặt trọng tâm chia sẻ tài chính từ nước giàu cho nước nghèo, mà nó còn nhấn mạnh đến tăng cường vị thế của các nước đang phát triển trong nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng hiện nay. Trong bối cảnh, “bóng ma” của cuộc khủng hoảng vẫn đang bao phủ lên nền kinh tế toàn cầu, Hội nghị G20 lần này sẽ là một cơ hội mới để các nước phát triển thấy được vai trò quan trọng của các nước đang phát triển, và đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng”, nước chủ nhà Hàn Quốc coi việc bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đang phát triển, của các nền kinh tế đang vươn lên vắng mặt trong đại gia đình G20 là một mối ưu tiên hàng đầu do các quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng cao và là những thị trường có khả năng thu hút các sản phẩm của các nước công nghiệp phát triển.
Không phải ngẫu nhiên, Hàn Quốc có quyền tự hào là quốc gia đầu tiên được lựa chọn để tổ chức Hội nghị G20 không nằm trong số các quốc gia phát triển của nhóm G7. Theo ông Park Suk Hwan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam thì điều này đang chứng tỏ một điều rằng, G20 đã nhận thức được rằng các nước đang phát triển hoặc phát triển mới nổi cũng là những nhân tố quan trọng giúp kinh tế thế giới tăng trưởng bền vững.
Hàn Quốc muốn tận dụng lợi thế và kinh nghiệm từng trải để trở thành cầu nối giữa các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang lên. Nhưng liệu những kỳ vọng của Hàn Quốc sẽ đạt được đến đâu, tiếng nói của các nước đang phát triển sẽ thực sự được lắng nghe đến đây, chúng ta đều phải chờ đợi câu trả lời cuối cùng vào cuối cuộc họp, sẽ kết thúc vào ngày 12/11./.