G7 sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine
VOV.VN - Nhóm G7 đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề hơn với Nga nếu Nga không tái lập sự ổn định tại miền Đông Ukraine.
Theo Reuters, trong khi Ukraine đã có thể tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống trong hòa bình vào tháng trước thì tình hình ở miền Đông nước này gần biên giới với Nga vẫn đang nóng lên từng ngày với việc các nhóm ủng hộ Nga liên tục tấn công lực lượng quân đội của Chính phủ và chiếm các trụ sở chính quyền tại đây.
Chủ tịch ủy ban châu Âu Barroso tại Hội nghị G7 (Ảnh Reuters) |
Lệnh trừng phạt nhằm buộc Nga phải thay đổi?
“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường những lệnh trừng phạt đối với Nga và xem xét đưa ra thêm những biện pháp hạn chế nhằm vào nước này nếu thấy cần thiết”, tuyên bố của G7 đưa ra tại Brussels ngày 4/6 nêu rõ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước phương Tây sẽ xem xét thật kỹ lưỡng các biện pháp trừng phạt để đảm bảo rằng Nga đang thực hiện những gì nước này có thể để ổn định tình hình tại Ukraine, vốn đã leo thang nhanh chóng kể từ tháng 3 sau khi Nga sáp nhập Crimea.
“Chúng tôi không thể chấp nhận thêm những hành động gây bất ổn tại Ukraine”, bà Merkel nói.
“Nếu chúng tôi không nhận thấy có những tiến triển trong tình hình tại Ukraine thì rất có khả năng chúng tôi sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lần thứ 3”, bà Merkel nói và cho biết các lệnh trừng phạt này sẽ nhằm vào các ngành thương mại, tài chính và năng lượng.
Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Poroshenko không ngại gặp gỡ ông Putin (Ảnh AP) |
Cho đến nay, Mỹ và EU mới chỉ đưa ra các lệnh trừng phạt hạn chế như cấm du lịch và phong tỏa tài sản của hàng chục quan chức Nga sau việc Nga sáp nhập Crimea.
Mỹ và EU đã đe dọa rằng các lệnh trừng phạt tiếp theo có thể được đưa ra nếu cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine ngày 25/5 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã diễn ra yên ả và Tổng thống mới đắc cử Petro Poroshenko sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 7/6 tới.
Nhiều người cho rằng điều này thể hiện thiện chí hợp tác của Nga để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, tuyên bố ngày 4/6 của Mỹ và EU cho thấy họ vẫn chưa hài lòng với những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm để hạ nhiệt căng thẳng.
Không tham dự G7, Nga vẫn đẩy mạnh đối thoại song phương
Trong khi Tổng thống Nga lần đầu tiên không tham dự cuộc họp của nhóm G7 kể từ khi Nga gia nhập nhóm này vào năm 1997, ông Putin sẽ có những cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron vào lễ kỷ niệm ngày D-Day (ngày quân đồng minh đổ bộ xuống bờ biển Normandy) vào cuối tuần này.
Khi được hỏi rằng liệu các cuộc gặp nói trên có gây lo ngại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, người không muốn gặp gỡ ông Putin trong các cuộc gặp song phương nói trên hay không, một quan chức Mỹ cho biết điều quan trọng không phải là việc ông Putin gặp ai mà là nội dung những gì họ trao đổi trong các cuộc gặp.
Trước khi Hội nghị G7 diễn ra, ông Obama cũng đã gặp gỡ ông Poroshenko tại Warsaw và tuyên bố ông Poroshenko là sự lựa chọn sáng suốt của người dân Ukraine.
Ông Poroshenko khẳng định ông luôn sẵn sàng gặp gỡ ông Putin bên lề lễ kỷ niệm ngày D-Day tại Normandy dù chưa có hề có dự kiến gì cho việc này.
G7 muốn giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga
Bên cạnh những vấn đề về chính sách ngoại giao, cuộc họp G7 lần này cũng sẽ tập trung vào các vấn đề về kinh tế, thương mại, khí hậu và năng lượng.
Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất tại Hội nghị G7 sẽ là về an ninh năng lượng, đặc biệt là tại châu Âu, vốn nhập khẩu tới gần 2/3 lượng dầu và khí từ Nga.
Một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu (Ảnh AP) |
Dù các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết sẽ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga nhưng để làm được việc này sẽ mất nhiều thời gian và rất tốn kém. Ngoài ra, điều này cũng sẽ phụ thuộc vào vào thiện chí của Mỹ trong việc cung cấp khí hóa lỏng cho châu Âu.
Dự kiến, vào cuối ngày hôm nay (5/6), G7 sẽ ra một tuyên bố riêng rẽ nhấn mạnh ưu tiên cho việc đảm bảo an ninh năng lượng.
“Việc sử dụng lợi thế về cung cấp năng lượng như một biện pháp o ép về chính trị hoặc như một mối đe dọa về an ninh là không thể chấp nhận được”, Reuters dẫn một phần bản dự thảo tuyên bố nói trên.
Vẫn theo bản dự thảo, “cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho thấy an ninh năng lượng phải là vấn đề trọng tâm trong lịch trình của G7 và đòi hỏi một sự thay đổi trong cách tiếp cận của G7 trong việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng”./.