Giải mã lập trường thay đổi của ông Zelensky để đi đến “nhượng bộ lớn” với Nga
VOV.VN - Những cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của ông Zelensky đánh dấu lần đầu tiên ông vạch ra một kế hoạch chấm dứt xung đột mà không liên quan đến việc Nga trả lại lãnh thổ đã chiếm được cho Ukraine như một điều kiện.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói vào cuối tuần rằng ông muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột với Nga và cho biết, Ukraine có thể giành lại các vùng đất bị chiếm đóng sau này thông qua ngoại giao nếu tư cách thành viên trong NATO của Kiev chắc chắn.
Điều này đánh dấu sự dịch chuyển so với lập trường trước đó của nhà lãnh đạo Ukraine khi ông nói rằng việc chấm dứt xung đột phụ thuộc vào việc Nga trả lại lãnh thổ Ukraine mà nước này kiểm soát.
Ông Zelensky đã nói gì về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Sky News xuất bản ngày 29/11, ông Zelensky cho biết "giai đoạn nóng" của cuộc xung đột có thể kết thúc nếu NATO đưa ra những đảm bảo an ninh cho phần lãnh thổ Ukraine kiểm soát. Theo ông, việc trả lại các vùng đất do Nga chiếm giữ hiện tại có thể được đàm phán ngoại giao sau này. Nhà lãnh đạo Ukraine đã nhắc lại lập trường trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Kyodo News hôm 2/12.
"Nếu chúng ta muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc xung đột, chúng ta cần đưa lãnh thổ Ukraine mà chúng ta kiểm soát nằm dưới sự bảo trợ của NATO", ông Zelensky nói.
Theo Tổng thống Zelensky: "Chúng ta cần hành động nhanh chóng. Sau đó, với các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, chúng ta sẽ lấy lại chúng theo con đường ngoại giao".
Ông cũng nói với Sky News rằng lệnh ngừng bắn cần đảm bảo rằng Nga không quay lại chiếm thêm lãnh thổ. Nga hiện chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine kể từ 2014, bao gồm cả Crimea sau một cuộc trưng cầu ý dân.
Kể từ tháng 2/2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow đã chiếm giữ phần lớn Donetsk, Kherson, Lugansk, Zaporizhia và tuyên bố sáp nhập các khu vực này vào tháng 9/2022.
Ông Zelensky có thay đổi lập trường về chấm dứt xung đột không?
Câu trả lời có lẽ là có. Những cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của ông Zelensky đánh dấu lần đầu tiên ông vạch ra một kế hoạch chấm dứt xung đột mà không liên quan đến việc Nga trả lại lãnh thổ đã chiếm được cho Ukraine như một điều kiện.
"Đây chắc chắn là một sự nhượng bộ lớn của ông Zelensky về lãnh thổ nhưng tôi nghĩ nó phản ánh một thực tế khắc nghiệt", Timothy Ash, học giả trong Chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London nhận định với Al Jazeera.
Trước đó, ông Zelensky đã nhấn mạnh rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ không được thực hiện trừ khi việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine bị vô hiệu hóa. Vào tháng 7/2024, ông nói với hãng tin Pháp Le Monde rằng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có thể gia nhập Nga nếu họ bỏ phiếu để làm như vậy trong một cuộc trưng cầu ý dân tự do và công bằng. Tuy nhiên, để tiến hành cuộc trưng cầu ý dân như vậy, Ukraine cần phải giành lại các vùng lãnh thổ đó.
Tại sao ông Zelensky thay đổi kế hoạch?
Tổng thống Zelensky đã đưa ra lời thừa nhận hiếm hoi với Kyodo News rằng quân đội Ukraine sẽ rất khó để giành lại các vùng đất mà Nga chiếm được bằng biện pháp quân sự.
"Quân đội của chúng tôi không đủ sức mạnh để làm điều đó. Đó là sự thật. Chúng tôi phải tìm ra các giải pháp ngoại giao", ông Zelensky nói.
Tuyên bố của ông cũng được đưa ra ngay sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ với Ukraine.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã cung cấp 64 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có độ chính xác cao như tên lửa ATACMS nhưng chỉ mới cho phép nước này sử dụng chúng nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga gần đây.
Trong khi kế hoạch hòa bình của ông Trump cho Ukraine còn mơ hồ thì có những lo ngại ở Kiev rằng ông sẽ cắt giảm viện trợ hoặc thậm chí là dừng hẳn việc này. Theo các nhà phân tích, nếu không có viện trợ của Mỹ, các lực lượng của Ukraine sẽ phải chật vật để đối phó với cuộc giao tranh đang leo thang nhanh chóng. Bên cạnh các cuộc tấn công UAV, quân đội Nga đã chiếm giữ các ngôi làng ở phía Đông Ukraine trong nỗ lực chiếm trọn Donbass.
Tổng thống Zelensky muốn gì?
Tổng thống Zelensky nói với Sky News rằng ông muốn làm việc và trao đổi trực tiếp với ông Trump, đồng thời mô tả cuộc gặp vào tháng 9 của họ là "ấm áp, tốt đẹp và mang tính xây dựng".
Theo nhà nghiên cứu Ash, vấn đề quan trọng với Ukraine là bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải đảm bảo lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Dư luận ở Ukraine cũng đang thay đổi. Ngày càng nhiều người dân mong muốn chấm dứt xung đột nhanh chóng thay vì giành chiến thắng toàn diện. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Gallup công bố ngày 19/11, 52% người dân Ukraine muốn xung đột kết thúc "càng sớm càng tốt" ngay cả khi phải nhượng bộ lãnh thổ. Chỉ 38% người được hỏi muốn Ukraine "chiến đấu đến khi chiến thắng", giảm mạnh so với con số 73% vào năm 2022.
Nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine
Ukraine đã thúc đẩy việc gia nhập NATO với sự cấp bách ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây. Việc gia nhập liên minh quân sự này là một phần quan trọng trong "kế hoạch hòa bình" của ông Zelensky.
Hôm 1/12, ông đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden thuyết phục các đồng minh NATO mời Ukraine gia nhập liên minh trong cuộc họp của NATO tại Brussels tuần này. Các thành viên NATO đã đảm bảo với Ukraine rằng nước này đang trên con đường "không thể đảo ngược" để trở thành thành viên.
Tuy nhiên, các nước NATO cũng tỏ ra nghi ngờ về việc kết nạp Ukraine trong khi nước này đang xung đột với Nga. Lý do là vì việc Ukraine trở thành một phần của NATO đồng nghĩa rằng toàn bộ liên minh sẽ có xung đột với Nga.
Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã nêu ra một số chi tiết về kế hoạch tiềm năng của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 9. Ông Vance cho biết kế hoạch này liên quan đến việc Nga nhận được "đảm bảo tình trạng trung lập từ Ukraine", tức là Kiev không gia nhập NATO.
Đặc phái viên mới được ông Trump đề cử về xung đột Nga - Ukraine, ông Keith Kellogg, đã nhận định vào tháng 4 rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tư cách thành viên của Ukraine để thuyết phục ông Putin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.