Giải mật chiến lược kiềm chế Trung Quốc: Mục đích thực sự của chính quyền Trump là gì?

VOV.VN - Lẽ ra tới năm 2043 mới công bố nhưng chính quyền ông Trump đã giải mật một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc vào tuần trước và công bố ngày 12/1 vừa qua.

Giải mật chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Trump đã giải mật một chiến lược nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngày 12/1 (giờ Mỹ), cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien thông báo về việc sẽ công bố một tài liệu mang tên là "Khung chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Được Tổng thống Trup thông qua vào tháng 2/2018, tài liệu này cung cấp "chỉ dẫn chiến lược bao quát" với các hành động của Mỹ trong 4 năm qua, đồng thời cho thấy cam kết của Mỹ nhằm "đảm bảo khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do", ông O'Brien cho biết.

"Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức ép với các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương" nhằm khiến những nước này phải phụ thuộc vào Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đánh giá, đồng thời khẳng định: "Mỹ có hướng tiếp cận khác. Chúng tôi tìm cách đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi, tất cả đều chia sẻ cùng giá trị và mong muốn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, có thể giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của mình".

Tài liệu trên đã vạch ra một tầm nhìn cho khu vực với việc Triều Tiên không còn là mối đe dọa nữa, Ấn Độ chiếm ưu thế hơn ở Nam Á và Mỹ hợp tác với các đối tác trên thế giới để ngăn cản các hành động mà Trung Quốc tiến hành nhằm làm suy yếu chủ quyền của các nước khác của thông qua các biện pháp cưỡng ép.

Bên cạnh đó, bản kế hoạch này cũng cảnh báo việc Trung Quốc thống trị về các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo "sẽ gây ra những thách thức sâu sắc với thế giới tự do".

Mặc dù thời điểm công bố chiến lược trên khi chỉ còn 1 tuần nữa ông Biden sẽ nhậm chức đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ của việc này nhưng các hành động của chính quyền Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc ở châu Á phần lớn nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ. Các quan chức sắp tới của ông Biden cũng đã thảo luận về việc cần hợp tác nhiều hơn với các đối tác và đồng minh khu vực như Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm chống lại sự trỗi dậy và các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Rory Medcalf, giáo sư và là người đứng đầu Cao đẳng An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, tài liệu trên cho thấy chính sách của Mỹ tại châu Á được định hưởng bởi những nỗ lực nhằm "ủng hộ đồng minh và đối phó với Trung Quốc". Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng chiến lược trên quá tham vọng nên "thất bại là điều gần như chắc chắn" đối với những vấn đề như giải trừ quân bị Triều Tiên, duy trì "vị trí đứng đầu" trong khu vực và tìm kiếm sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế nhằm chống lại các hoạt động kinh tế gây tổn hại của Trung Quốc.

Dù vậy, nhà phân tích Medcalf nhận định: "Khung chiến lược được giải mật này có những giá trị lâu dài như một sự khởi đầu cho một bản thiết kế của toàn bộ chính quyền Mỹ nhằm giải quyết sự đối đầu chiến lược với Trung Quốc".

"Nếu Mỹ nghiêm túc với cuộc cạnh tranh dài kỳ này, Washington sẽ không thể lựa chọn việc giải quyết các vấn đề trong nước hay duy trì quyền lực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương bởi nước này sẽ cần thực hiện cả 2 việc trên cùng lúc”.

Một số điểm nổi bật trong tài liệu được giải mật của Mỹ

Trung Quốc

Tài liệu trên khẳng định: "Trung Quốc có mục đích làm tan rã các liên minh và sự gắn kết với các đối tác trong khu vực của Mỹ. Trung Quốc sẽ khai thác khoảng trống và những cơ hội từ những mối liên kết bị rạn nứt này”.

"Trung Quốc cũng sẽ tìm cách chiếm ưu thế đối với các công nghệ tiên tiến, trong đó có trí tuệ nhân tạo và di truyền học. Sự thống trị của Trung Quốc trong những lĩnh vực công nghệ này sẽ gây ra các thách thức sâu sắc với thế giới tự do".

Chiến lược của Mỹ cũng kêu gọi các nước "đối phó với các hoạt động kinh tế kiểu săn mồi của Trung Quốc, những hoạt động làm đóng băng sự cạnh tranh với nước ngoài, làm suy yếu tính cạnh tranh của kinh tế Mỹ và tiếp tay cho những tham vọng nhằm thống trị nền kinh tế thế kỷ 21.

Ngoài ra, tài liệu này còn đề xuất: "Xây dựng sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế về việc các chính sách công nghệ và các hoạt động thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc đang hủy hoại hệ thống thương mại toàn cầu. Việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và những quốc gia cùng chí hướng sẽ ngăn cản Trung Quốc gia tăng về sức mạnh quân sự và các khả năng chiến lược".

Ấn Độ

Tài liệu trên khẳng định: "Đối tác yêu thích của Ấn Độ về các vấn đề an ninh là Mỹ. Hai bên sẽ hợp tác với nhau để bảo vệ an ninh hàng hải và đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Á, Đông Nam Á và các khu vực khác có cùng mối quan tâm".

"Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế ở Nam Á và giữ vị trí hàng đầu trong việc bảo đảm an ninh Ấn Độ Dương", do đó, mục tiêu chiến lược của Mỹ là "thúc đẩy sự phát triển và khả năng của Ấn Độ như một bên đảm bảo an ninh và đối tác quốc phòng quan trọng, đồng thời củng cố quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với nước này". Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn thúc đẩy khả năng của các đối tác mới nổi ở Nam Á như Maldives, Bangladesh và Sri Lanka nhằm đóng góp vào trật tự Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Triều Tiên

Mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong tài liệu chiến lược trên là "thuyết phục chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng, con đường duy nhất để tồn tại là từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Theo đó, Washington sẽ sử dụng chính sách gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng, sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự, luật pháp, tình báo và thông tin để vô hiệu hóa kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, cũng như thiết lập các điều kiện đàm phán nhằm đảo ngược các chương trình tên lửa và hạt nhân. Cuối cùng, chiến lược của Mỹ hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược.

Để làm được điều này, Mỹ vạch ra 2 giải pháp là: hỗ trợ Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường khả năng của quân đội và đưa 2 nước này xích lại gần nhau.

Đông Nam Á

Mục tiêu của chiến lược trên là "thúc đẩy và tăng cường vai trò trung tâm của Đông Nam Á cũng như ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời khuyến khích khối này lên tiếng về những vấn đề quan trọng".

"Việc thúc đẩy một mô hình phát triển kinh tế hội nhập ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tạo nên một giải pháp thay thế cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cũng như xây dựng một lực lượng tận dụng tốt nhất các mối quan hệ đối tác công - tư", tài liệu trên cho hay.

Vì sao Mỹ công bố vào thời điểm này?

Ra đời vào tháng 2/2018, chiến lược trên của Mỹ là "tài liệu mật" và "không được tiết lộ cho những người có quốc tịch nước ngoài". Tài liệu này ban đầu được cho là sẽ công bố vào năm 2043 nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã giải mật hồi tuần trước và công bố ngày 12/1 (giờ Mỹ). Câu hỏi đặt ra là vì sao các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump quyết định chọn thời điểm này để công bố chiến lược trên.

Lý do đầu tiên là có thể các quan chức này muốn được công nhận về những gì họ đang và đã làm trong việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 4 năm qua. Thứ hai, có thể họ muốn khuyến khích Tổng thống kế nhiệm Joe Biden sẽ tiếp tục chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và gửi thông điệp tới các đồng minh khu vực rằng Mỹ vẫn dành sự quan tâm mạnh mẽ tới khu vực này.

Mặc dù là thời kỳ chuyển giao quyền lực bất thường và sóng gió nhất trong lịch sử nước Mỹ nhưng lĩnh vực số 1 mà chính quyền Tổng thống Trump và chiến dịch của ông Biden cùng thảo luận là an ninh quốc gia. Các quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng hy vọng, việc công bố một tài liệu như vậy sẽ khiến chính quyền ông Biden tiếp tục chiến lược trên.

Cần phải nói rằng sự xoay trục của Mỹ sang khu vực này và nội dung "Ấn Độ - Thái Bình Dương" không phải bắt đầu dưới thời ông Trump. Chính những hành động của Trung Quốc trong 4 năm qua đã dẫn đến lập trường ngày càng quyết đoán ở Mỹ bất kể ai là tổng thống.

Chính quyền Tổng thống Trump đã có nhiều đánh giá đúng về Trung Quốc nhưng lại không thực hiện mọi thứ theo kế hoạch đề ra.

Tài liệu được giải mật trên hướng tới "đẩy mạnh quan hệ với ASEAN nhưng ông Trump thường xuyên bỏ qua các hội nghị Thượng đỉnh của khối này. Hay như mặc dù tài liệu trên kêu gọi Mỹ củng cố sự liên kết khu vực như ông Trump lại rút khỏi TPP và đe dọa sẽ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hé lộ tầm nhìn Tập Cận Bình nhân 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc
Hé lộ tầm nhìn Tập Cận Bình nhân 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc

VOV.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa nêu ra tầm nhìn của mình cho Đảng Cộng sản nước này trong 3 thập kỷ tới.

Hé lộ tầm nhìn Tập Cận Bình nhân 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hé lộ tầm nhìn Tập Cận Bình nhân 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc

VOV.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa nêu ra tầm nhìn của mình cho Đảng Cộng sản nước này trong 3 thập kỷ tới.

Nghiên cứu sinh Trung Quốc bị sát hại trong vụ xả súng ở Chicago, Mỹ
Nghiên cứu sinh Trung Quốc bị sát hại trong vụ xả súng ở Chicago, Mỹ

VOV.VN - Một nghiên cứu sinh Trung Quốc đã bị sát hại trong 1 vụ xả súng ở thành phố Chicago, Mỹ ngày 9/1. Kẻ gây án cũng đã tử vong sau khi đấu súng với cảnh sát.

Nghiên cứu sinh Trung Quốc bị sát hại trong vụ xả súng ở Chicago, Mỹ

Nghiên cứu sinh Trung Quốc bị sát hại trong vụ xả súng ở Chicago, Mỹ

VOV.VN - Một nghiên cứu sinh Trung Quốc đã bị sát hại trong 1 vụ xả súng ở thành phố Chicago, Mỹ ngày 9/1. Kẻ gây án cũng đã tử vong sau khi đấu súng với cảnh sát.

Trung Quốc chỉ trích Australia chính trị hóa vấn đề kinh tế
Trung Quốc chỉ trích Australia chính trị hóa vấn đề kinh tế

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, chính phủ Australia từ chối thương vụ mua bán sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc là minh chứng rõ ràng của việc chính trị hóa vấn đề kinh tế.

Trung Quốc chỉ trích Australia chính trị hóa vấn đề kinh tế

Trung Quốc chỉ trích Australia chính trị hóa vấn đề kinh tế

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, chính phủ Australia từ chối thương vụ mua bán sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc là minh chứng rõ ràng của việc chính trị hóa vấn đề kinh tế.