Giải pháp cho thực trạng thiếu trường công ở Indonesia
VOV.VN - Năm 2003, Chính phủ Indonesia tuyên bố chính quyền trung ương và các khu vực phải cung cấp giáo dục cơ bản miễn phí cho mọi học sinh. Nhưng đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực. Chẳng hạn như Jakarta có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất cả nước, với hơn 75.000 trẻ em, trong khi Jakarta có ngân sách khu vực cao nhất.
Tình trạng thiếu trường công tại Indonesia
Thực tế điều này xảy ra tại Jakarta với dân số hơn 10 triệu người, có tổng cộng 8.868 trường học. Trong số đó chỉ có 2.007 trường là trường công miễn học phí cho học sinh. Số lượng tuyển sinh trong năm học mới nhất 2024-2025 ( bắt đầu từ tháng 7) cho thấy Jakarta có 71.093 suất học tại các trường trung học cơ sở công lập; đáp ứng một nửa tổng số 151.164 học sinh tương lai.
Tình hình tương tự có thể thấy ở cấp trung học phổ thông công lập và trường trung học dạy nghề. Từ những con số này có thể thấy việc cạnh tranh có một suất vào một trường công lập khá khó khăn., với mức độ thi đầu vào tuyển chọn khá gắt gao. Đối với các gia đình khó khăn thì học trường công lập miễn phí cũng sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình. Do đó việc số lượng trường công không đủ sẽ có nhiều trường tư thục mọc lên nhưng với học phí khá đắt đỏ.
Có những trường tư thục với mức học phí khác nhau phù hợp với tài chính từng gia đình nhưng nhìn chung khá đắt đỏ đối với nhiều bộ phận dân cư Jakarta. Khảo sát kinh tế quốc gia năm 2021 (Susenas) cho thấy 76 % gia đình thừa nhận rằng con cái họ đã bỏ học vì lý do kinh tế, khi bố mẹ không thể trả tiền học phí hay con cái phải làm việc để kiếm sống. Do đó vấn đề thiếu trường công miễn phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng nghỉ học khá phổ biến tại Jakarta -một khu vực đô thị phát triển và có ngân sách cao
Giải pháp tích cực của Indonesia
Các cuộc tham vấn giáo dục gần đây cho thấy, chính quyền Jakarta cần có các biện pháp hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp có con học tại các trường tư thục miễn phí. Chính sách này thực tế đã được triển khai tại khoảng 406 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Jakarta trong năm nay, và thành phố sẽ mở rộng số lượng trường tham gia trong năm tới. Jakarta đặt mục tiêu sắp xếp cho học sinh nghèo theo học miễn phí tại 1.000 trường tư thục trong năm 2025.
Chính sách này được giới chuyên gia nhận định là sẽ khả thi vì các trường tư thục được nhận quỹ hỗ trợ hoạt động trường học từ chính quyền thành phố. Do đó, việc tiếp nhận học sinh khó khăn không ảnh hưởng đến ngân sách của các trường. Các trường sẽ được cung cấp khoản học phí cho danh sách những học sinh được chỉ định. Hiện thành phố đã dành khoản ngân sách cho việc này và sẵn sàng thực hiện sớm nhất 1000 trường tư thục hoạt động trong năm tới.
Quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono cho biết đang tiến hành một nghiên cứu về khả năng mở rộng số lượng trường tư thục tham gia chương trình trường học miễn phí như một biện pháp để xóa bỏ tình trạng trẻ em không được đến trường. Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cũng hoan nghênh đề xuất giải quyết vấn đề học sinh đang phải vật lộn để được hưởng nền giáo dục miễn phí, với hi vọng kế hoạch này cũng sẽ cân bằng với cam kết cải thiện chất lượng giáo dục và phúc lợi cho đội ngũ giáo viên.
Bất cập và thách thức với ngành giáo dục ở Indonesia
Vấn đề giáo dục của Indonesia đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là quốc gia này liên tục có mặt ở danh sách 10 nước cuối bảng trong các đánh giá quốc tế suốt hai thập kỷ qua về tỷ lệ xóa mù chữ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 53% học sinh 10 tuổi (tương đương khoảng 13 triệu học sinh tiểu học) của Indonesia không thể đọc hiểu một văn bản đơn giản. Một trong những nguyên nhân này được nhận định chính phủ Indonesia vẫn quá phụ thuộc vào khu vực tư nhân để vận hành giáo dục mầm non với số lượng trường mầm non công rất ít. Điều này đã làm cho học phí trở nên đắt đỏ hơn.
Trong nhiều gia đình tại Indonesia, phụ nữ ở nhà nội trợ nên họ sẽ cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách chăm trẻ cho đến khi bước vào lớp 1, bỏ qua giai đoạn vàng tiền tiểu học. Do đó để cải thiện tỷ lệ xóa mù chữ cần có các chính sách mở rộng trường công mầm non, giảm khoảng cách khác biệt trong hệ thống dịch vụ giữa trường công và tư để khuyến khích cha mẹ đưa con đến trường, trong đó chính sách trường tư thục miễn phí cũng là một biện pháp để cải thiện tỷ lệ xóa mù chữ tại Indonesia.
Ngoài ra vấn đề chất lượng đầu ra tại các trường Đại học khiến lực lượng lao động trẻ Indonesia đối mặt tình trạng thất nghiệp tràn lan cũng là vấn đề lâu nay của ngành giáo dục Indonesia, trong đó có những kêu gọi về ciệc cải thiện chất lượng và năng lực của đội ngũ giáo viên, vốn vẫn còn thấp và phân bổ không đồng đều.
Để cải thiện những vấn đề này từ năm 2020, Indonesia đã triển khai 26 mục trong chương trình “Học tập độc lập” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, mang lại trải nghiệm học tập thú vị và trao quyền cho học sinh, sinh viên khám phá các môn học, trong khi giáo viên được đào tạo với việc thiết kế chương trình giảng dạy tốt nhất, phù hợp với đặc điểm của trường và nhu cầu của học sinh.
Hiện chương trình này vẫn đang được thực hiện và triển khai rộng rãi, đang đạt được những kết quả bước đầu . Với đặc điểm nhân khẩu học trẻ, cùng mức phân bổ ngân sách 20% của chính phủ, Indonesia đang sở hữu nhiều lợi thế để có thể lạc quan về những triển vọng trong chiến lược chuyển đổi số ngành giáo dục.