Gió sẽ đổi chiều sau chiến thắng vang dội của bà San Suu Kyi?
VOV.VN - Nhiều người cho rằng quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc sẽ suy giảm, đồng thời Myanmar gia tăng quan hệ với phương Tây sau khi NLD lên cầm quyền.
Ngày 13/11, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin, bà San Suu Kyi, lãnh đạo Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 1991, đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử “lịch sử” của Myanmar.
Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất tính đến ngày 13/11, NLD đã giành 348 ghế cả Thượng viện và Hạ viện, cao hơn mức cần thiết để đảng này giành được ưu thế.
Bà Aung San Suu Kyi nhận hoa chúc mừng từ người dân Myanmar. (Ảnh AFP). |
Trong khi đó, Đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) chỉ giành được 40 ghế trong Quốc hội. Trước đó, ngày 9/11, USDP cũng đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử này.
Quốc hội Myanmar có tất cả 440 ghế Hạ viện và 224 ghế Thượng viện. Hiến pháp Myanmar quy định, 25% vị trí đương nhiên thuộc về quân đội. Như vậy, còn 330 ghế Hạ viên và 168 ghế Thượng viện được đưa ra tranh cử.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử này, NLD sẽ được trao quyền để thành lập chính phủ mới và lựa chọn Tổng thống kế nhiệm của Myanmar.
Tuy nhiên, theo quy định, bà San Suu Kyi sẽ không được làm Tổng thống vì hai con trai và người chồng đã khuất của bà đều là công dân Anh. Dẫu vậy, bà San Suu Kyi hôm 5/11 cũng đã tuyên bố rằng, dù có làm Tổng thống hay không, bà vẫn sẽ lãnh đạo đất nước nếu NLD giành thắng lợi.
Mỹ ủng hộ thắng lợi của NLD, cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt Myanmar
Ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Myanmar để chúc mừng chính phủ nước này đã tổ chức thành công cuộc bầu cử dân chủ và công bằng.
Tổng thống Mỹ đồng thời kêu gọi, tất cả các bên tại Myanmar cần tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử trên tinh thần hòa hợp dân tộc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh Reuters). |
Trước đó, ngày 9/11, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar đã mở ra triển vọng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đất nước này.
Người phát ngôn Josh Earnest cũng nêu bật những tín hiệu đáng khích lệ trong cuộc tổng tuyển cử và cho biết thêm, Washington vẫn sẽ duy trì sự thận trọng và theo dõi tiến trình dân chủ ở Nay Pyi Taw trước khi quyết định dỡ bỏ thêm các lệnh trừng phạt.
Từ năm 2012, các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ đối với Myanmar đã được nới lỏng, sau khi chính phủ bán dân sự thay thế chính quyền quân sự.
Tuy nhiên, Washington vẫn còn hạn chế các hoạt động thương mại với quân đội Nay Pyi Taw và hàng chục cá nhân được xem là thân thiết với chế độ quân sự trước đây tạo nên rào cản đối với chính các nhà đầu tư Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn tại Myanmar đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích lệnh trừng phạt này.
Trung Quốc hoan nghênh nhưng có phần “lo âu”
Ngày 9/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố, Trung Quốc vui mừng khi cuộc tổng tuyển cử Myanmar diễn ra thuận lợi.
Ông Hồng Lỗi nói: “Với tư cách là một người hàng xóm thân thiện của Myanmar, Trung Quốc ủng hộ tất cả các chương trình nghị sự của Myanmar sau cuộc bầu cử theo đúng quy định pháp luật vì sự ổn định và phát triển lâu dài của Myanmar”.
Bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng 6/2015. (Ảnh: Reuters). |
Nhận định về cuộc bầu cử, ngày 10/11, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Đại học Hạ Môn Zhuang Guotu cho rằng mối quan hệ Trung Quốc- Myanmar có thể thắt chặt hơn sau khi NLD lên cầm quyền.
“Biểu hiện thân thiện của bà Suu Kyi khi đến thăm Trung Quốc vào tháng 6 đã chứng mình điều đó”, ông Zhuang Guotu nói.
Tờ báo trên cũng dẫn lời Gu Xiaosong, một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á ở Học viện Khoa học xã hội Quảng Tây cho hay, chiến thắng của NLD sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế và nhân dân Myanmar.
Ông Gu Xiaosong nói: “Bà Suu Kyi và đảng của bà sẽ xem mối quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ song phương quan trọng nhất để đảm bảo mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp ổn định xã hội Myanmar và có tác động tích cực đối với sự phát triển xã hội và nền kinh tế Myanmar”.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận khác của Thời báo Hoàn cầu được trang Times of Indian dẫn lại, tờ báo này lại tỏ ra lo ngại Myanmar sẽ "ngả vào vòng tay" của Mỹ.
Bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu viết, khi chính quyền bán dân sự của Myanmar hướng đến một cuộc bầu cử cởi mở và cải thiện quan hệ với các nước phương Tây, thì quan hệ với Trung Quốc sẽ chuyển từ trạng thái “quan trọng đến bình thường”.
Nếu Myanmar xích lại gần Mỹ thì sẽ phá hỏng không gian chiến lược và nguồn lực họ có thể có từ những chính sách hữu hảo của Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết.
Gió sẽ đổi chiều sau khi đảng NLD lên cầm quyền?
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc sẽ có sự thay đổi lớn sau khi đảng NLD lên cầm quyền vì các lãnh đạo của đảng này có xu hướng thân phương Tây.
Tờ Sputnik (Nga) bình luận, Bắc Kinh hiểu rằng khi các lực lượng thân Mỹ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Myanmar, nước này sẽ có các chính sách tăng cường quan hệ với phương Tây, Nhật Bản và Australia. Và rõ ràng Bắc Kinh không mong đợi sự thay đổi này.
Thủ lĩnh đảng NLD đối lập Aung San Suu Kyi vẫy tay chào người ủng hộ. (ảnh: Reuters). |
Từ trước đến nay Myanmar với Trung Quốc vẫn duy trì một mối quan hệ hữu hảo. Myanmar không chỉ là láng giềng mà còn là đối tác quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Trung Quốc đã rót vốn đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào Myanmar, nhất là từ sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Myanmar vào cuối những năm 80- đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Theo New York Times (Thời báo New York), gọi là đầu tư nhưng Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên có giá trị như gỗ, ngọc bích; hoặc sử dụng đất đai của Myanmar để xây dựng đường ống dầu khí, hoặc xây dựng đập thủy điện khổng lồ ở trên sông Irrawaddy.
Thời báo New York bình luận, từ trước đến nay, Myanmar vẫn có truyền thống duy trì một chính sách ngoại giao trung lập. Chính các lệnh trừng phạt về kinh tế của Washington đã đẩy Nay Pyi Taw ngả về phía Bắc Kinh một thời gian.
Có một tình tiết mà Thời báo New York lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm Myanmar 2 lần, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có động thái tương tự kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 6/2015 nhưng đấy chỉ là chuyến thăm mang tính ngoại giao là chính, Thời báo New York cho biết.
Liệu “gió có đổi chiều” ở Myanmar hay không, hay nói cách khác bà Aung San Suu Kyi sẽ duy trì một chính sách đối ngoại như thế nào với Trung Quốc có lẽ cần thêm thời gian để trả lời.
Thời báo New York dẫn lời giáo sư Lin Xixing, đến từ Đại học Tế Nam ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nhận xét, hơn bất cứ điều gì khác, Myanmar cần tăng trưởng kinh tế, và Trung Quốc là đất nước thích hợp để hỗ trợ cho Myanmar.
Hơn thế nữa, bà Suu Kyi trong một buổi họp báo vào tuần trước cũng đã tuyên bố rằng, bà hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
Ngày 11/11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc tin tưởng rằng Myanmar sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thân thiện đối với Bắc Kinh mặc dù một trật tự mới đang nổi lên tại Nay Pyi Taw.
Ông Vương Nghị cho biết thêm, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Nay Pyi Taw. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
Sputnik dẫn lời Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Á-Âu thuộc Học viện Ngoại giao Moscow, ông Andrei Volodin nhận định: “Trên thực tế không có gì nghiêm trọng xảy ra (giữa quan hệ Myanmar và Trung Quốc), vì các nhà đầu tư ở Myanmar chủ yếu đều là người Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Myanmar, dù có khuynh hướng chính trị như thế nào, đều ý thức được rằng Trung Quốc là thực tế, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, Trung Quốc là hàng xóm”./.