Hậu Brexit: Nam Âu muốn có tiếng nói trọng lượng hơn trong EU
VOV.VN - Ngày 10/4, nguyên thủ 7 nước Nam Âu nhóm họp tại Madrid (Tây Ban Nha) để bàn về tương lai sau khi Anh rơi khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Nguyên thủ 7 nước Nam Âu gồm Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta, Cộng hòa Síp và Tây Ban Nha họp mặt tại cung điện El Pardo gần thủ đô Madrid của Tây Ban Nha theo đề xuất của Thủ tướng chủ nhà Mariano Rajoy.
Trong thông cáo do chính phủ Tây Ban Nha đưa ra, mục tiêu của Hội nghị là truyền đi thông điệp đoàn kết và cam kết ủng hộ sự hội nhập châu Âu trong một thời điểm lịch sử.
Nguyên thủ 7 nước Nam Âu nhóm họp tại Madrid (Tây Ban Nha) để bàn về tương lai sau khi Anh rơi khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, với việc đây đã là lần thứ 3 kể từ tháng 9/2016, một Hội nghị cấp cao dạng này, được gọi là Med 7, được tổ chức, các nước Nam Âu đang ngày càng thể hiện rõ nét ý chí muốn tạo ra một tiểu khối trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) để phát đi các tiếng nói có trọng lượng hơn và tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với đường lối phát triển trong tương lai của liên minh.
Các chủ đề được bàn luận và thống nhất tại Hội nghị hôm qua thể hiện rõ điều này. Đối với vấn đề quan trọng nhất với EU hiện nay là đàm phán với nước Anh về Brexit, nhóm các nước Nam Âu nhấn mạnh việc giải quyết quyền lợi cho các công dân phải được xem là ưu tiên đàm phán đầu tiên.
Tây Ban Nha, nước chủ nhà của Hội nghị, đang là nước có đông công dân Anh sinh sống nhất, với khoảng 300.000 người, và cũng là một trong những nước có đông công dân đang sinh sống và làm việc nhất tại Anh với 130.000 người.
“Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng việc đàm phán về rút khỏi Liên minh châu Âu cần phải làm trước khi bàn về mối quan hệ tương lai’, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói.
“Chúng tôi đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của các công dân. Chúng tôi tin tưởng và ủng hộ nhà đàm phán được Liên minh ủng hộ là ông Michel Barnier và hy vọng rằng mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp bằng một mối quan hệ tốt nhất có thể giữa Liên minh châu Âu với nước Anh” – ông Rajoy nêu rõ.
Bên cạnh vấn đề Bre-xit, một chủ đề quan trọng khác là cuộc khủng hoảng Syria, các nước Nam Âu cũng phát đi tiếng nói chung, khẳng định sự ủng hộ đối với quyết định tấn công Syria mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo các nhà phân tích, việc các nước Nam Âu, nhất là chủ nhà Tây Ban Nha, trở nên chủ động và mạnh bạo hơn trong các chiến lược ngoại giao thời gian qua, hứa hẹn sẽ thay đổi đáng kể bức tranh chính trị tại châu Âu.
Thứ nhất, là sự trỗi dậy của các nước phía Nam châu Âu trong EU và sự đối kháng rõ nét hơn về chính sách của nhóm nước này với các nước phía Bắc.
Sau một thời gian dài chịu đựng các chính sách khắc nghiệt về ngân sách và kỷ luật tiền tệ do nhóm các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức, áp đặt, nhóm các nước Nam Âu muốn tìm một con đường phát triển khác ưu tiên cho đầu tư và tăng trưởng nhằm tránh các đổ vỡ về xã hội như đã diễn ra ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Ý định này được ủng hộ trên thực tế nhờ sự hồi phục kinh tế ấn tượng của Tây Ban Nha và Hy Lạp trong thời gian qua.
Thứ hai, việc các nước Nam Âu liên kết chặt chẽ hơn được xem như là một cách thức diễn tập cho những biến động chính trị lớn có thể đến trong thời gian tới.
Hội nghị Med 7 tại Madrid diễn ra 3 tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh EU bàn về Brexit ngày 29/4 và 2 tuần trước vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp. Vì thế, các nước Nam Âu cần thống nhất quan điểm chung về Brexit để đưa ra thảo luận tại Brussels và cũng cần chuẩn bị cho kịch bản tệ nhất là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thể thắng cử ở Pháp.
Cuối cùng, cuộc gặp thượng đỉnh ở Madrid cho thấy tham vọng trỗi dậy của Tây Ban Nha nhằm giành lấy vai trò lớn hơn tại châu Âu sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh.
Kể từ sau khi tiến trình Brexit chính thức được khởi động hôm 30/3, chính phủ Tây Ban Nha của ông Mariano Rajoy liên tiếp có những động thái gây chú ý.
Đầu tiên là việc ủng hộ Scotland ở lại EU rồi tiếp đến là đề xuất về quy chế tương lai của đảo Gibraltar.
Ngoài việc được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế đang hồi phục ấn tượng hàng đầu châu Âu, với mức tăng trưởng 3,2% năm 2016, cá nhân Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, cũng đang thể hiện mình là nhà lãnh đạo khu vực đủ sức dẫn dắt các đảng cánh tả châu Âu vốn đang suy yếu rất nhiều trước làn sóng dân tuý và cực hữu./. Số phận 4 triệu công dân Anh và châu Âu mở màn cuộc chiến Brexit
Trump ủng hộ Brexit - EU “dọa” ủng hộ các bang của Mỹ đòi độc lập