Hoàn tất đàm phán TPP, lãnh đạo các nước hồ hởi và hy vọng
VOV.VN- Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán đã lên tiếng ca ngợi việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP mang tính lịch sử này.
Mỹ, Nhật Bản vẫn tính đến vai trò của Trung Quốc trong TPP
Tổng thống Obama ca ngợi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp “tăng cường quan hệ chiến lược với các đối tác trong khu vực sẽ đóng vai trò then chốt trong thế kỷ 21”.
Nụ cười rạng rỡ của Tổng thống Mỹ Obama khi tuyên bố quá trình đàm phán Hiệp định TPP đã hoàn tất. Ảnh AFP |
AFP dẫn lời ông Obama tuyên bố ngày 5/10 sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) khẳng định: “Khi có tới hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài nước Mỹ, chúng ta không thể để các quốc gia như Trung Quốc đặt ra các quy định về kinh tế toàn cầu”.
Trước đó, khi nhậm chức Tổng thống 7 năm trước, ông Obama cũng đã bày tỏ ý định vạch ra một lối đi mới cho nền kinh tế trong khu vực.
“Tương lai của Mỹ và châu Á luôn gắn kết mật thiết với nhau và Washington muốn củng cố mối quan hệ với các đồng minh cũ và xây dựng mối quan hệ với các đối tác mới”, ông Obama tuyên bố tại thời điểm đó.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng ủng hộ Hiệp định TPP, được kỳ vọng sẽ giúp tự do hóa thương mại trong khu vực chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh, việc đưa Trung Quốc vào TPP trong tương lai sẽ giúp gia tăng tầm quan trọng chiến lược của khối này.
“TPP sẽ giúp tạo ra một hệ thống kinh tế toàn cầu tự do, công bằng và cởi mở bởi các nước sẽ chia sẻ các giá trị quan trọng về tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và các quy định của pháp luật”, ông Abe nói.
“TPP cũng sẽ đóng vai trò quan trọng về an ninh của Nhật Bản cũng như sự ổn định tại châu Á- Thái Bình Dương và tầm quan trọng chiến lược của TPP sẽ tăng lên nếu Trung Quốc tham gia hệ thống này trong tương lai”, ông Abe nhấn mạnh.
Thủ tướng Abe khẳng định, TPP sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, lao động, các công ty và những tập đoàn lớn của nước này.
“Nhìn chung, TPP sẽ là bánh lái hướng con thuyền doanh nghiệp Nhật Bản ra làm ăn ở nước ngoài. TPP chắc chắn sẽ đem lại sự tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản”.
Thủ tướng Shinzo Abe trình bày về TPP trước Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 3/2015. Ảnh Reuters |
Trước sự lo ngại của những người nông dân rằng hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Nhật Bản sau thỏa thuận TPP, ông Abe cam kết sẽ mở một văn phòng để từng bước giảm thiểu tác động của việc này.
“Tôi hiểu rằng rất nhiều người đang cực kỳ lo ngại nhưng tôi cam kết rằng, vẻ đẹp thanh bình của làng quê Nhật Bản với truyền thống văn hóa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau cũng như những giá trị chân chính mà Nhật Bản luôn tự hào sẽ được bảo vệ. Quyết tâm của chúng tôi là không thể lay chuyển.
Canada, New Zealand: Chính phủ hồ hởi, phe đối lập chỉ trích
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng lên tiếng ca ngợi Hiệp định mang tính lịch sử và cho biết, TPP sẽ giúp mở rộng cánh cửa thị trường Nhật Bản cho người nông dân Canada.
Tuy nhiên, trong bối cảnh, cuộc bầu cử tại Canada sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới với thắng lợi nhiều khả năng thuộc về Đảng Dân chủ mới đối lập, Đảng này đã lên tiếng khẳng định sẽ “không bị ràng buộc” bởi Hiệp định TPP. Hiệp định này được cho là “đẩy các gia đình nông dân Canada vào vòng nguy hiểm”.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định, TPP sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp nước này.
TPP sẽ giúp mở cánh cửa xuất khẩu nông sản từ các nước như Canada, Mỹ và Nhật Bản sang các nước khác trong khối. Ảnh AFP |
Tại New Zealand, nơi người dân thất vọng vì nước này không đạt được một điều khoản cởi mở hơn cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ sữa trong TPP, Thủ tướng John Key vẫn cho rằng, TPP đồng nghĩa với việc “có thêm nhiều việc làm, thu nhập tăng lên và đời sống được cải thiện”.
Theo ông Key, TTP sẽ giúp New Zealand tiếp cận với thị trường với dân số 800 triệu người tại châu Á- Thái Bình Dương và mang lại cho nền kinh tế New Zealand thêm ít nhất 1,8 tỷ USD/năm cho đến năm 2030.
Thủ tướng Key khẳng định, việc đạt được TTP là một thắng lợi của New Zealand trong việc mở ra kênh kết nối tự do thương mại với Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế hàng đầu và thứ 3 trên thế giới.
“Nhiều đời Chính phủ New Zealand đã phải nỗ lực để đạt được thành công ngày hôm nay”, ông Key tuyên bố.
Tuy nhiên, chính ông Key cũng phải thừa nhận rằng, New Zealand không đạt được mục tiêu mở rộng thị trường cho ngành bơ sữa “béo bở” của nước này vốn chiếm tới 1/3 giá trị xuất khẩu của cả nước.
“Chúng tôi khá thất vọng khi không đạt được thỏa thuận dỡ bỏ mọi hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm từ sữa, tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là một Hiệp định có lợi cho New Zealand”, ông Key nói.
Trong khi đó, quyền lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Annette King đã lên tiếng chỉ trích rằng, Chính phủ New Zealand chỉ “vứt cho ngành công nghiệp sữa của nước này những mẩu xương khó nhằn. Chính phủ cần phải giải thích rõ về những nhượng bộ “bẩn thỉu” mà họ đã chấp thuận một cách lén lút. Mọi điều xấu xa đều xuất hiện trong từng chi tiết của Hiệp định này”.
Malaysia đạt được TPP dù không phải nhượng bộ những vấn đề nhạy cảm
Phát biểu sau khi quá trình đàm phán hiệp định TPP hoàn tất, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng, thông qua TPP, Malaysia có thể vượt qua được thách thức của nền kinh tế toàn cầu”.
Ông Mohamed tuyên bố, thỏa thuận này sẽ giúp Malaysia tiếp cận thị trường Mỹ, Canada, Mexico và Peru, những nước mà Malaysia chưa ký thỏa thuận tự do thương mại song phương.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed bày tỏ lạc quan về Hiệp định TPP. Ảnh AP |
Ngoài ra, TPP cũng giúp Malaysia xuất khẩu các sản phẩm chiến lược của nước này như dầu cọ, cao su và các mặt hàng điện tử.
Malaysia từng tuyên bố, sẽ không chấp thuận bất kỳ điều khoản nào đe dọa đến các chính sách ưu tiên của nước này.
“Các nước tham gia đàm phán đã xem xét đến mọi mối lo ngại của chúng tôi trong các lĩnh vực nhạy cảm của Malaysia như mua sắm công, các tập đoàn nhà nước và vấn đề bảo hộ người Malaysia bản địa.
Ông Mohamed khẳng định, các nhà đàm phán Malaysia đã phải “trải qua các gia đoạn chuyển tiếp kéo dài cũng như sự thay đổi liên tục trong chính sách của Chính phủ liên quan đến những vấn đề nhạy cảm của nước này”./.