Hội nghị Ngoại trưởng G20: Tìm giải pháp cho các vấn đề cấp thiết toàn cầu
VOV.VN - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 tại Bali, Indonesia.
Với sự tham dự của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và các đối tác, hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp thiết của thế giới hiện nay là đảm bảo phục hồi kinh tế hậu đại dịch, khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng. Dự kiến cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục phủ bóng lên chương trình nghị sự hội nghị lần này.
An ninh năng lượng và lương thực
Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái, với nhiều quốc gia đang bị tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm ngày càng hiện hữu. Sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm mở lại các tuyến đường biển để vận chuyển ngũ cốc, trong đó đưa thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga ra thị trường toàn cầu dự kiến được nhiều nước đưa ra tại hội nghị.
Tổng thống Indonesia Jokowi trong chuyến thăm Nga gần đây khẳng định ủng hộ sáng kiến của Liên Hợp Quốc: “Tôi đã đề nghị các nước G7 đảm bảo việc xuất khẩu lương thực của Ukraine qua đường biển là an toàn, không có rào cản trong việc xuất khẩu lương thực và phân bón. Về vấn đề này, tôi cũng hy vọng Nga sẽ không gia hạn lệnh cấm xuất khẩu các loại ngũ cốc bao gồm lúa mì và không áp đặt hạn ngạch đối với phân bón”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, sẽ nêu vấn đề này tại hội nghị, kêu gọi các nước G20 ủng hộ sáng kiến của Liên Hợp Quốc mở lại các tuyến đường biển. Nga tuyên bố không chặn việc xuất khẩu lương thực, cho rằng điều quan trọng là phải khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên tại cuộc gặp với Tổng thống Indonesia, Tổng thống Nga Putin đồng ý tạo thuận lợi mở tuyến đường biển dành cho xuất khẩu lúa mì của Ucraina, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phân bón cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ những nước thân thiện. Phía Ukraine cũng cho biết đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc để có những đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng các nước 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng sẽ mang đến hội nghị những đề xuất, sáng kiến quốc gia để góp phần giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Xung đột Nga-Ukraine phủ bóng hội nghị
Giống như nhiều hội nghị quốc tế gần đây, dự kiến cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục phủ bóng lên chương trình nghị sự hội nghị. Dư luận đang đặc biệt quan tâm phản ứng của các nước phương Tây khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự hội nghị. Theo thông tin truyền thông, một số nước “cùng quan điểm” đang thảo luận cách tiếp cận phối hợp để gửi thông điệp cứng rắn đến Nga tại hội nghị lần này.
Cuộc xung đột Ukraine-Nga cũng gây ra những vấn đề chia rẽ giữa các thành viên G20 khi Trung Quốc và nhiều bên tham gia khác, bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và một số quốc gia đang phát triển lớn khác không tham gia vào nỗ lực của Mỹ và châu Âu chỉ trích, cô lập Nga. Tuy vậy đến thời điểm này, một số nước đều khẳng định hướng đến mục tiêu thành công chung của hội nghị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Mỹ cam kết hướng tới mục tiêu thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, cũng như vai trò chủ tịch của nước chủ tịch G20 Indonesia. Chưa thể dự đoán tình hình vào thời điểm này nhưng tôi hi vọng Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham gia đầy đủ và tích cực tại hội nghị”. Hội nghị Ngoại trưởng G20 dự kiến không đưa thông cáo chính thức.
Cuộc gặp Mỹ- Trung bên lề hội nghị
Hội nghị Ngoại trưởng G20 cũng được chú ý với hàng loạt thông báo về các cuộc gặp song phương giữa các nước. Trong đó đáng chú ý là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây là tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tìm cách gỡ nút thắt kinh tế.
Theo thông báo của hai bên, cuộc gặp sẽ là cơ hội để tìm ra những "phương án có trách nhiệm" nhằm giảm căng thẳng thương mại song phương, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như khủng hoảng lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, chống ma túy xuyên quốc gia và hợp tác y tế toàn cầu. Phía Mỹ cũng cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến tình hình Ucraina gần đây với Trung Quốc.
Mặc dù còn hàng loạt vấn đề bất đồng gây căng thẳng giữa hai quốc gia nhưng ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á cho rằng, điều quan trọng là hai bên vẫn duy trì các đường dây liên lạc cởi mở để ngăn chặn bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể vô tình dẫn đến xung đột và đối đầu. Mỹ vẫn cam kết tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai bên có cùng lợi ích. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự kiến có hàng loạt các cuộc họp bên lề với Trung Quốc, Nam Phi, Mexico, Brazil. Phía Mỹ thông báo chưa có kế hoạch gặp Ngoại trưởng Nga bên lề hội nghị./.