Hội nghị Thượng đỉnh EU- Mỹ Latin và Caribe
VOV.VN- Diễn ra trong hai ngày 10-11/6 tại Brussels, Hội nghị Thượng đỉnh EU– Mỹ Latin và Caribe là dịp để các quốc gia của hai khu vực đối thoại với nhau.
Tham dự có 28 nước EU và 33 nước châu Mỹ Latin và Caribe, tức là chiếm 1/3 số thành viên Liên Hợp Quốc, 1,5 tỷ dân số toàn cầu và 5 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh Reuters) |
Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh cả hai khu vực châu Âu và Mỹ Latin đều gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Liên minh châu Âu thì khủng hoảng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa chấm dứt trong khi các nước Mỹ Latin và Caribe thì cũng đã bước qua giai đoạn tăng trưởng vàng trong thập kỷ 90 và đầu thế kỷ 21. Chính vì vậy, thách thức đặt ra cho hai khối là rất lớn.
Có 3 chủ đề chính được các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ Latin thảo luận, đó là thương mại, khí hậu và an ninh.
Về mặt thương mại, Liên minh châu Âu đang là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực Mỹ Latin và Caribe, chiếm 40% đầu tư nước ngoài của khu vực này và cũng là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Mỹ Latin. Tuy nhiên, quan hệ đối tác quan trọng này đang chịu sức ép lớn từ sự cạnh tranh của Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc, nước đang đẩy mạnh đầu tư sang Nam Mỹ.
Trong bối cảnh đó, EU muốn thúc đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ Latin và Caribe cũng như thúc đẩy nhanh hơn việc mở cửa thị trường ở một số nước, nhất là Cuba, sau những diễn biến tích cực mới đây trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Ngoài ra, Châu Âu cũng cần đến sự trợ giúp của các nước Mỹ Latin và Caribe trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hay an ninh mà cụ thể là chống buôn ma túy, tội phạm có tổ chức, rửa tiền hay nhập cư trái phép.
Về phía các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC) thì cuộc gặp Thượng đỉnh lần này là cơ hội để các nước này thúc đẩy việc tìm ra một mô hình mới cho khu vực.
Hiện tại, kinh tế khu vực Mỹ Latin khá ảm đạm, tăng trưởng GDP chỉ ở mức trung bình 0,8%, tức là thấp hơn cả mức 1,5% của EU. Đó là điều rất khó chấp nhận với một khu vực vốn quy tụ nhiều nền kinh tế đang phát triển, từng tăng trưởng trung bình liên tục trên 4% trong gần 2 thập kỷ và tăng thu nhập đầu người gần gấp đôi, từ 9.000 USD lên 15.000 USD trong một thập kỷ qua.
Trong quá khứ, EU chính là hình mẫu mà các nước Mỹ la tình từng hướng tới trong việc xây dựng khối thị trường chung Mercosur theo mô hình EU. Vì thế, kinh nghiệm hội nhập của EU được cho là vô cùng quý giá với các nước Mỹ Latin, đặc biệt trong bối cảnh giữa các nước thành viên chủ chốt như Brazil, Argentina hay Mexico vẫn còn có những bất đồng.
Để đạt được điều đó, các nước Mỹ Latin đang đặt ra tham vọng là cùng với EU đạt được một thỏa thuận chung EU-Mercosur. Nhìn chung, các nước Mỹ Latin đặt kỳ vọng rất lớn vào các đối tác châu Âu bởi về mặt chính trị, giữa hai bên không tồn tại nhiều nghi kỵ như trong quan hệ giữa Mỹ Latin với Mỹ và Trung Quốc, một đối tác bị đánh giá là chỉ lo khai thác tài nguyên mà không coi trọng việc phát triển bền vững.
Các nhà phân tích đều đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ giữa EU và Mỹ Latin là mối quan hệ mà cả hai bên đều có rất nhiều lợi ích./.