Hứng đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Trung Quốc hối hả "tìm bạn" cùng phe
VOV.VN - Sau khi “nếm mùi” trừng phạt từ Mỹ và phương Tây tuần vừa qua, với hàng loạt cuộc gặp và những chuyến công du sắp tới, Trung Quốc đang thể hiện rằng, giống như Mỹ, nước này cũng có bạn.
Trung Quốc muốn khẳng định nước này cũng có bạn
Trong suốt tuần qua, Trung Quốc đã "nếm mùi" chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden: Đầu tiên là việc các quan chức Mỹ không ngại nêu những vấn đề nhạy cảm ngay trong cuộc gặp gấp cao Mỹ - Trung. Sau đó là việc Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Mỹ cùng áp lệnh trừng phạt lên Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Tân Cương. Australia và New Zealand cũng nhắc lại những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc.
Với hàng loạt cuộc gặp và những chuyến công du sắp tới, Trung Quốc đang thể hiện rằng, giống như Mỹ, nước này cũng có bạn.
Hai tháng sau khi ông Biden nhậm chức, chiến lược của chính quyền mới nhằm tập hợp các đồng minh của Mỹ gây sức ép với Trung Quốc đã thu được những “quả ngọt” ban đầu, Tuy nhiên, chiến lược này cũng đang khiến Bắc Kinh thúc đẩy các mối quan hệ với những đối tác của mình, những quốc gia nằm trong các khu vực địa chính trị phức tạp nhất cũng đang chịu sức ép từ Mỹ như: Nga, Triều Tiên và Iran.
Mặc dù Trung Quốc thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác với Mỹ về một loạt vấn đề nhưng nước này cũng muốn truyền đi một thông điệp rằng Bắc Kinh vẫn có ảnh hưởng rộng khắp với các quốc gia nằm ngoài quỹ đạo phương Tây, vốn có thể làm phức tạp các chính sách đối ngoại của ông Biden trong một thế giới ngày càng phân cực.
Chính quyền Tổng thống Biden đang "theo đuổi các biện pháp kiềm chế, thậm chí cả khi họ không trực tiếp gọi như vậy", Jia Qingguo, giáo sư tại Đại học Peking, người làm việc trong một cơ quan tham vấn quốc gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Washington Post.
"Ở Trung Quốc, ngày càng nhiều người nghĩ rằng chúng tôi cần củng cố mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với một số quốc gia nhất định".
Với Trung Quốc, các lệnh trừng phạt hôm 22/3 của EU về vấn đề Tân Cương chẳng khác nào một "cú đánh thẳng mặt" sau khi Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh đã giành chiến thắng vào năm ngoái sau khi hoàn tất thỏa thuận đầu tư với khối này. Trung Quốc đã ngay lập tức thể hiện sự giận dữ trước các lệnh trừng phạt và đáp trả các chính trị gia cũng như các thực thể của châu Âu.
Cuộc khẩu chiến giữa một số nước EU và Trung Quốc đã leo thang trong tuần này khi một số chính phủ châu Âu triệu các đại sứ Trung Quốc tới để thể hiện sự không hài lòng của họ trước các tuyên bố và động thái của phía Trung Quốc.
Tìm bạn cùng phe
Khi những căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu bùng nổ, Nga đã xuất hiện.
Ngày 22/3, 72 tiếng sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với các nhà ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã hạ cánh ở Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh và Moscow, 2 quốc gia "cùng chí hướng" tham gia vào lực lượng chấm dứt sự ảnh hưởng của đồng USD với hệ thống thanh toán quốc tế, vốn khiến cho các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Ông Lavrov cũng cho rằng Mỹ đang "dựa vào liên minh chính trị - quân sự thời kỳ Chiến tranh Lạnh". Ngoại trưởng Trung Quốc sau đó cũng tán thành với quan điểm này.
"Mỹ và các đồng minh "Ngũ nhãn" (Ngũ nhãn – liên minh tình báo gồm 5 nước: Mỹ, Australia, Canada, Anh, New Zealand – ND) hợp tác với nhau trong tuần này như thể họ đang bắt đầu một cuộc chiến kiểu băng nhóm. Nhưng hãy nhìn vào bản đồ và các bạn sẽ thấy Trung Quốc có bạn bè ở mọi nơi trên thế giới. Tại sao chúng tôi phải lo lắng về điều đó?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.
Tuần này là thời điểm gần đây nhất chứng kiến mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Nga và Trung Quốc, hai nước láng giềng từng có không ít bất đồng và sự thiếu tin tưởng nhau trong lịch sử.
Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng làm bánh pancake với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Vladivostok trong khi binh lính Trung Quốc tham gia cùng 300.000 lính Nga trong cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Những năm gần đây, Nga ngày càng hợp tác sâu hơn với Trung Quốc về kinh tế. Nước này cũng đóng vai trò quan trọng khi là nguồn cung dầu mỏ lớn thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau Saudi Arabia.
Tuy nhiên, bức tranh quan hệ Nga - Trung có nhiều sắc thái hơn ngoài những tuyên bố sát cánh cùng nhau đối phó với phương Tây, McFaul, nhà sử học thuộc Đại học Standford nhận định.
Đối với châu Âu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy tình hình quan hệ hai bên sau một tuần hỗn loạn và căng thẳng vẫn có thể cứu vãn được, Bruno Macaes, một cựu quan chức Bồ Đào Nha về các vấn đề châu Âu và là học giả tại Viện Hudson đánh giá.
Theo chuyên gia này, các nước riêng lẻ vẫn có thể tiếp tục trao đổi thương mại đơn phương với Trung Quốc, thậm chí cả khi thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc có thể không được Nghị viện châu Âu thông qua vào thời điểm hiện nay.
Chuyên gia Macaes cũng cho biết Trung Quốc hiện chiếm khoảng 40% doanh số của 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đức là Volkswagen, BMW and Daimler.
"Các lệnh trừng phạt không đồng nghĩa với sự tách rời về kinh tế", nhà phân tích này cho hay.
Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng huy động sự ủng hộ từ các đồng minh đáng tin hơn trên thế giới. Hôm 22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, khen ngợi mối quan hệ lịch sử giữa 2 nước và cam kết sẽ hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim Jong Un nhấn mạnh "sự đoàn kết và hợp tác" với Trung Quốc khi đối mặt với chính quyền Mỹ mới "đầy thù địch".
Triều Tiên đã phóng tên lửa lần thứ 2 trong vòng 1 tuần, 2 tháng sau khi ông Biden nhậm chức. Ngày 24/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã quyết định tới Trung Đông để thúc đẩy các mối quan hệ với khu vực đầy chia rẽ và phức tạp này. Những điểm dừng chân của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Cố vấn chính phủ Trung Quốc Jia Qingguo cho biết, nước này sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đa phương để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và Iran, cũng như hợp tác trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo các quốc gia khác không nên thử thách sự kiên nhẫn của Trung Quốc./.