Hy Lạp được rót tiền nhưng chưa hết nguy
VOV.VN- Tiền bắt đầu được giải ngân cho Hy Lạp nhưng việc Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức đã làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của gói cứu trợ 86 tỷ euro.
Mùa hè êm ả ?
Mùa hè đang kết thúc khá êm ả với châu Âu và Hy Lạp, ít nhất là trong vài tuần cuối của kỳ nghỉ. Việc nhóm Eurogroupe thông qua thỏa thuận cung cấp gói viện trợ thứ 3 cách đây hai tuần trị giá 86 tỷ euro cho Hy Lạp đã hạ nhiệt căng thẳng.
Lá cờ Liên minh châu Âu (trá) tung vay cùng lá cờ Hy Lạp tại Athens. Ảnh AP |
Trên lý thuyết, thỏa thuận này cần phải được tất cả quốc hội các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thông qua nhưng trên thực tế, khả năng thỏa thuận này “sống sót” được đánh giá rất cao. Đặc biệt, Quốc hội Đức, nơi khắt khe nhất với Hy Lạp, đã bỏ phiếu chấp thuận gói cứu trợ này ngày 20/8, tiếp theo đó là Quốc hội Hà Lan.
Như nhận xét của Chủ tịch Eurogroupe, Jeroen Dijsselbloem thì “chúng tôi không đi xa đến thế để rồi phải làm lại từ đầu”.
Việc Quốc hội Đức Bundestag bật đèn xanh cho thỏa thuận giúp Hy Lạp tạm thời bỏ lại sau lưng một loạt nguy cơ. Đợt viện trợ đầu tiên của gói cứu trợ, trị giá 26 tỷ euro, bắt đầu được giải ngân.
13 tỷ euro trong số này được dùng để trả khoản nợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (3,4 tỷ euro) đáo hạn vào hôm 20/8 vừa qua cũng như các khoản nợ các nước thành viên EU khác.
10 tỷ euro sẽ được dùng để tái vốn hóa các ngân hàng đang kiệt quệ và 3 tỷ euro cuối sẽ được cấp cho Hy Lạp vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10, tùy thuộc vào mức độ hành động thực tế của Hy Lạp trong việc thực hiện cải cách.
Giai đoạn tồi tệ nhất có vẻ đã qua…
Nhưng những thách thức lớn vẫn đang ở trước mắt. Tuyên bố từ chức cuối tuần trước của Thủ tướng Alexis Tsipras và việc phải tiến hành bầu cử lập pháp trước thời hạn đặt chính trường Hy Lạp vào thế bất định.
Từ Brussels, thông tin này được đón nhận với sự tích cực nhất định, do Brussels nhận định rằng ông Tsipras có thể sẽ lại tái cử với một đa số ủng hộ mới, loại bỏ được các phe phái chống đối ngày càng mạnh trong nội bộ đảng Syriza.
Đây là điều rất đáng chú ý bởi từ chỗ là “kẻ khó ưa” với Brussels, ông Alexis Tsipras đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt sau cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 6.
Hiện tại, theo đánh giá của các quan chức châu Âu, ông Tsipras là người “hợp tác nghiêm túc” và có thể tiến hành các cải cách như đã cam kết với Eurogroupe và nhóm chủ nợ.
Là người được lòng các chủ nợ châu Âu nên việc ông Tsipras từ chức đang khiến công cuộc cải cách kinh tế của Hy Lạp đang trở nên khó khăn hơn. (Ảnh Reuters). |
Tuy nhiên, các con bài chính trị luôn không chắc chắn. Ở thời điểm này, ông Tsipras vẫn đang nhận được sự ủng hộ lớn từ dân chúng Hy Lạp nhưng lá phiếu của cử tri Hy Lạp vào ngày 20/9 tới vẫn có thể tạo nên bất ngờ.
Đặc biệt trong bối cảnh Syriza đang bị chia rẽ và các đối thủ chính trị đang tập hợp lại để loại bỏ ông Tsipras, người bị không ít thành viên Syriza chỉ trích là đã “đầu hàng” nhóm chủ nợ.
Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn hiện tại khiến các cải cách chưa thể sớm tiến hành như cam kết và đẩy lùi những dự đoán về sự hồi phục dần của nền kinh tế Hy Lạp.
Hoài nghi vẫn còn
Quan trọng nhất, trên khía cạnh kinh tế, vẫn còn những hoài nghi rất lớn với gói cứu trợ thứ 3. 86 tỷ euro là một con số lớn, nhưng không phải là cây đũa thần có thể giải quyết mọi tồn đọng của một cuộc khủng hoảng đã kéo dài tới 6 năm như tại Hy Lạp. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, gói cứu trợ thứ 3 là cần thiết nhưng bất kỳ sự lạc quan nào cũng là rất mạo hiểm.
Đức quyết không thảo luận chuyện giãn nợ hay xóa nợ
Trước hết, và tối quan trọng, là thỏa thuận cứu trợ 3 không đi kèm bất cứ điều khoản nào về việc giãn nợ hay xóa nợ cho Hy Lạp. Đến thời điểm này, nợ công của Hy Lạp ở mức 177% GDP, một con số mà theo đánh giá của Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF, thì “không thể gánh nổi với Hy Lạp”.
Ở vị thế của một tổ chức tài chính, IMF cho biết họ sẽ chỉ khẳng định sự tham gia của mình vào gói cứu trợ khi nào các nước châu Âu đồng ý bàn thảo việc giãn nợ cho Hy Lạp.
Nhưng, về mặt chính trị, điều này là bất khả thi bởi từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định “sẽ không có bất cứ bàn thảo nào về chủ đề này trước tháng 10”. Sự cứng rắn của người Đức giảm bớt nhưng sự nghi kỵ vẫn còn.
Quốc hội Đức đã mở đường cứu Hy Lạp nhưng vẫn còn đó nhiều hoài nghi. Ảnh AP |
Một ngày trước khi thảo thuận đạt được ở Eurogroupe, theo thăm dò trên nhật báo kinh tế Handelsblatt, vẫn còn 57% người Đức phản đối gói cứu trợ thứ 3 và có đến 84% cho rằng chính phủ của ông Alexis Tsipras sẽ không tuân thủ các cam kết cải cách. Trước thái độ đó của công chúng Đức, Thủ tướng Angela Merkel sẽ không mạo hiểm “đổ dầu vào lửa” bằng việc bàn thảo chuyện giãn nợ cho Hy Lạp.
Các con số quá lạc quan?
Điểm hoài nghi lớn thứ hai đến từ các con số. Chương trình cứu trợ mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp được xây dựng trên các dự đoán bị chỉ trích là “quá lạc quan” về tiến triển kinh tế Hy Lạp.
Theo các dự đoán này, Hy Lạp sẽ thâm hụt ngân sách sơ cấp trong năm nay là 0,25% GDP nhưng đến 2016 sẽ đạt thặng dư sơ cấp 0,5% GDP, vào 2017 sẽ đạt thặng dư 1,75% GDP và đến 2018 sẽ có mức thặng dư sơ cấp 3,5% GDP.
“Cứ cho là đến cuối năm 2016, kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng trở lại thì mục tiêu đạt 3,5% thặng dư ngân sách sơ cấp vào 2018 cũng là điều bất khả thi” – Christopher Dembik, một chuyên gia kinh tế đến từ Saxo Bank nhận định.
Tệ hơn, như phân tích của Nick Kounis, kinh tế gia của ABN-Ambro, GDP của Hy Lạp sẽ giảm 3% năm nay và 5% năm 2016. Nguyên nhân chỉ ra là do cái vòng luẩn quẩn: nợ công quá lớn, thuế tăng cao khiến tăng trưởng bị bóp nghẹt.
Cuối cùng, sự lạc quan cũng là điều khó nhìn ra ở kênh kiếm tiền thứ 3 của chính phủ Hy Lạp: Quỹ Athens. Quỹ này được lập ra nhằm tư nhân hóa các tài sản của chính phủ Hy Lạp (cảng, sân bay, đường sắt…) với mục tiêu thu về 50 tỷ euro. Nói cách khác, là Hy Lạp phải bán các tài sản quốc gia đi để trả nợ, tái vốn hóa ngân hàng và đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, con số 50 tỷ euro được cho là quá cao bởi như đánh giá của Saxo Bank “ngay cả trong điều kiện thị trường lý tưởng nhất, Hy Lạp cũng không còn đủ tài sản để tư nhân hóa với giá trị cao đến thế”./.