Hy vọng hâm nóng quan hệ Nga- Mỹ đã tắt ngấm?
VOV.VN -Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/4 nói rằng, lòng tin giữa Mỹ và Nga đã bị xói mòn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ông Putin nói ra điều này trong bối cảnh Moscow đón Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bàn về cuộc khủng hoảng Syria.
Mức độ tin tưởng không tăng, mà còn sụt giảm
Nếu như có ai đó ở Nga từng hy vọng trằng chính quyền Trump sẽ làm dịu căng thẳng trong mối quan hệ Nga- Mỹ, thì trong tuần trước niềm hy vọng này đã tan thành mây khói, khi Mỹ tiến hành không kích, dội 59 tên lửa Tomahawk vào Syria- đồng minh của Nga để “trừng phạt” vụ tấn công bằng khí độc mà Mỹ buộc chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm.
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Reuters). |
"Có thể nói rằng mức độ tin tưởng trong công việc, đặc biệt là ở cấp độ quân sự, không những đã không được cải thiện, mà còn xấu đi", Tổng thống Nga Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên truyền hình Nga, chỉ ít phút sau khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ngồi lại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Tổng thống Nga Putin luôn khẳng định sự hỗ trợ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhắc đi nhắc lại những lời phủ nhận rằng chính phủ của Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng khí độc ngày 4/4, và đưa ra giả thiết rằng cuộc tấn công bằng khí độc này có thể do những kẻ thù của ông Assad thực hiện.
Cuộc tiếp đón thiếu “tính ngoại giao”
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đón Tillerson bằng những động thái lạnh lùng bất thường, chỉ trích cuộc tấn công tên lửa vào Syria là bất hợp pháp và cáo buộc Washington có hành vi không thể đoán trước được.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (phải) gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov (Ảnh: Reuters). |
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: "Tôi sẽ không che giấu sự thật là chúng ta có rất nhiều vấn đề, trong đó có cả những vấn đề cực kỳ nhập nhằng mơ hồ và những ý tưởng rất mâu thuẫn từ Washington trên toàn bộ các vấn đề song phương và đa phương”.
"Và dĩ nhiên, điều đó không chỉ là những tuyên bố, mà thực tế chúng ta đã chứng kiến những động thái cực kỳ đáng lo ngại khi một cuộc tấn công bất hợp pháp chống Syria đã được thực hiện".
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng chỉ ra rằng nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn để trống kể từ khi chính quyền mới lên nắm quyền - một điểm nhạy cảm ở Washington.
Một trong những thứ trưởng của ông Lavrov thậm chí còn không xã giao mà tuyên bố: “Nói chung, sự tự nhiên chủ nghĩa và bốc đồng là đặc trưng của những lời lẽ hùng biện tại Washington. Chúng tôi hy vọng rằng những điều này sẽ không trở thành chính sách của Mỹ"- Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng thông tấn RIA.
"Nhìn chung, quan điểm của chính quyền [chính quyền Trump- ND] về Syria vẫn còn là một điều bí ẩn. Trước hết là sự không nhất quán".
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng mục tiêu của ông là "làm rõ hơn các lĩnh vực còn khác biệt rõ rệt, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao lại có sự khác biệt này và triển vọng thu hẹp những khác biệt đó có thể là gì".
Ông Tillerson nói với Lavrov: "Tôi mong muốn có một cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn để chúng ta có thể xác định tốt hơn mối quan hệ Mỹ-Nga từ thời điểm này”.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Moscow, ngày 12/4/2017 (Ảnh: Reuters). |
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có thể gặp Tổng thống Putin sau đó, nếu hai nhà ngoại giao hàng đầu quyết định sẽ tóm tắt cho Tổng thống Nga về cuộc đàm phán của họ.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng không kiềm chế những lời chỉ trích của ông, nói rằng phương Tây không ngừng kêu gọi Nga cắt giảm hỗ trợ cho Tổng thống Syria Assad đã khiến cho lực lượng khủng bố có cơ hội tự do hành động.
Sự mâu thuẫn của Moscow đối với nội các của ông Trump là một sự thay đổi đáng kể từ năm ngoái, khi ông Putin từng ca ngợi ông Trump là một nhân vật mạnh mẽ và truyền hình nhà nước Nga luôn tràn ngập tin tức khen ngợi ông.
Nhà Trắng đã chỉ trích Moscow rằng Nga luôn hỗ trợ chính quyền của ông Assad, đồng thời cáo buộc chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí độc ngày 4/4 khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có nhiều dân thường và trẻ em.
Nhằm thực hiện cái gọi là “trừng phạt” chính quyền Syria, ngày 7/4 Tổng thống Mỹ Trump đã ra lệnh dội 59 quả tên lửa vào căn cứ quân sự của Syria. Trước khi không kích Washington đã cảnh báo Moscow nên các đội quân của Nga không bị ảnh hưởng.
Nga vẫn đứng về phía ông Assad, nói rằng vụ tấn công bằng khí độc có thể do lực lượng phiến quân thực hiện, hoặc có thể là kẻ thù của ông Assad dàn dựng để “đổ tội” cho ông.
Vụ tấn công bằng khí độc và vụ không kích Syria vào tuần trước đã làm tắt ngấm mọi hy vọng về việc “hâm nóng” mối quan hệ Nga- Mỹ vốn băng giá từ thời Chiến tranh Lạnh cho đến thời người tiền nhiệm của ông Trump- Barack Obama./.
G7 muốn Mỹ làm rõ vụ phóng tên lửa Tomahawk không kích Syria
Tấn công bằng khí độc ở Syria: 100 người chết, 400 người bị thương