Iran dùng “lá chắn” Syria để đối phó với phương Tây
(VOV) -Nếu Syria bị tấn công thì vị thế, tình hình chính trị của Iran tại khu vực Trung Đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Mỹ và 29 nước đang tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng Vịnh. Đây là cuộc tập trận chống thủy lôi, rà phá mìn lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Đông.
Trong cuộc tập trận này, quân đội Mỹ đã đưa tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Eisenhower đến sát gần bờ biển của Iran với khoảng cách chỉ 80 km.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Eisenhower của Mỹ (Ảnh: EPA) |
Giới chuyên gia quân sự nhận định, cuộc tập trận là lời cảnh báo của Mỹ, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran đóng cửa eo biển Hormuz-tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của thế giới, nếu xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này.
Cuộc tập trận diễn ra khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cáo buộc rằng, 117 máy bay của Iran đang vận chuyển vũ khí cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Đặc biệt, mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Lực lượng vệ binh Cách mạng Iran thừa nhận, các thành viên của lực lượng Quds tinh nhuệ đang có mặt tại Syria nhằm tư vấn cho lực lượng quân đội nước này.
Cuộc tập trận lớn của Mỹ và 29 nước cũng diễn ra trong bối cảnh, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi vừa tới Syria để hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad và quan chức cấp cao nước này, cũng như tham dự cuộc họp tại thủ đô Cairo để bàn về việc thực hiện sáng kiến do Ai Cập đề xuất, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Những động thái trên một lần nữa khẳng định, Iran luôn “kề vai sát cánh”, ủng hộ những nỗ lực nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và sẵn sàng bảo vệ nước này trong bất kỳ tình huống nào.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, đằng sau những tuyên bố và hành động bảo vệ Syria là “chiêu bài” của Iran nhằm đối phó với Mỹ và đồng minh về vấn đề chương trình hạt nhân.
Sở dĩ, Iran luôn khẳng định sẽ bảo vệ Syria trong bất kỳ tình huống nào là vì trên thực tế, cả Iran và Syria đều đang đối đầu những thế lực thù địch. Trong khi Iran đang phải chịu những sự trừng phạt nghiêm ngặt về kinh tế và lệnh cấm nhập khẩu từ nước này, thì Syria đang phải mặt với những cuộc tấn công của quân nổi dậy dưới sự hỗ trợ của lực lượng nước ngoài, với mục đích là lật đổ Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Đặc biệt, hai nước đều có chung đối thủ là Israel. Bởi vì nhiều lần Israel đe dọa sẽ tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran và sẵn sàng tấn công Syria để bảo vệ kho vũ khí hóa học của nước này, tránh rơi vào tay nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon (nhóm vũ trang từng nhiều lần tuyên bố sẽ xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới).
Hiện nay, Syria là đồng minh duy nhất của Iran trong thế giới Arab. Iran nhận thức được rằng, nếu Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ thì chiến tranh có thể lan rộng ở khu vực Trung Đông và sẽ ảnh hưởng tới vị thế, tình hình chính trị của Iran.
Syria được coi là một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh ở khu vực Trung Đông và sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Syria còn được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc khi hai nước này phản đối sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Đây là những yếu tố quan trọng khiến Iran coi Syria như là “lá chắn” chống lại Mỹ, Israel và các thế lực thù địch khác.
Những lý do trên đủ để Iran và Syria sánh vai bảo vệ nhau chống lại Israel cũng như ngăn cản Mỹ và đồng minh thực hiện những cuộc tấn công sâu rộng vào khu vực Trung Đông.
Mỹ và đồng minh sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”
Việc Iran và Syria “vai kề vai” chống lại Mỹ, Israel và các thế lực khác sẽ khiến cho Mỹ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu can thiệp quân sự vào hai nước này.
Ông Zalmay Khalilzad, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ năm 2007-2009 trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush nhận định: Nếu Mỹ và các nước đồng minh thực hiện cuộc tấn công vào Iran thì sẽ chỉ khiến cho chiến tranh lan rộng.
Mỹ sẽ sa lầy và mệt mỏi khi phải đối phó với tình thế Iran có thể phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này sẽ là vô cùng nguy hại đối với đồng minh thân cận của Mỹ là Israel.
Nếu thực hiện tấn công Iran, Mỹ và các nước phương Tây sẽ phải đối mặt với trường hợp Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Điều này đồng nghĩa với việc tuyến đường vận chuyển dầu mỏ của thế giới sẽ bị “niêm phong” và kéo theo giá dầu thế giới tăng mạnh đột biến. Đây cũng là thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nước châu Âu khi đang phải “vật lộn” với sự suy giảm kinh tế và tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Còn khi can thiệp quân sự vào Syria, Mỹ và đồng minh sẽ phải đối phó với khả năng Syria dùng “vũ khí” cuối cùng là kho vũ khí hóa học để đáp trả lại.
Ngoài ra, nếu tấn công Syria, Mỹ và đồng minh sẽ phải đối mặt với giả thiết các loại vũ khí hóa học có thể rơi vào tay phong trào vũ trang Hezbollah hoặc các tổ chức khủng bố như al-Qaeda. Vấn đề này đang là thách thức lớn đối với Mỹ khi mà nỗi đau dai dẳng về sự kiện ngày 11/9/2001 vẫn còn đó.
Chương trình hạt nhân của Iran và cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn còn đang gây tranh cãi và chưa có giải pháp hữu hiệu để dập tắt thì theo giới phân tích, sự can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào cả hai nước trên sẽ chỉ khiến cho chiến tranh kéo dài và sẽ chẳng có bên nào thắng được hoàn toàn./.