Iran làm giàu urani để “dọa” Mỹ, EU hay tái khởi động hạt nhân?
VOV.VN - Việc Iran tăng cường làm giàu urani chỉ là động thái gây sức ép với Mỹ và EU hay thực sự nằm trong kế hoạch tái khởi động hạt nhân của Tehran?
Nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự "bất lực" của châu Âu trong vấn đề thương mại, Iran đang tăng cường làm giàu urani. Vấn đề đặt ra là liệu Tehran sẽ "đi xa" đến đâu trong việc gây sức ép với phương Tây và EU sẽ phản ứng như thế nào?
Một lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân tại Bushehr, Iran. Ảnh: Reuters |
Kế hoạch Hành động chung Toàn diện năm 2015 (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran đặt ra mức làm giàu urani là 3,67%. Tuy nhiên Tehran tuyên bố nước này đã làm giàu urani vượt hạn mức trên khi phát ngôn viên cơ quan hạt nhân của Iran thông báo mức độ làm giàu urani của nước này đã đạt 4,5% và Tehran đang cân nhắc sẽ làm giàu urani lên tới 20%. Ngày 8/7, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) đã xác nhận thông tin này.
Ngoài ra, Iran cũng vượt mức dự trữ 300kg urani làm giàu ở mức độ thấp cách đây 1 tuần. Đến nay, Iran vẫn khẳng định rằng các động thái của nước này là nhằm "cứu vãn" thỏa thuận và điều này được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Iran muốn các bên châu Âu tham gia thỏa thuận phải thực hiện các cam kết của họ với Iran trong hoạt động xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Làm giàu urani 20% - Iran nối lại tham vọng hạt nhân?
Mức độ làm giàu 4,5% "hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về nhiên liệu của nhà máy điện của Iran", phát ngôn viên cơ quan hạt nhân của nước này Behrouz Kamalvandi tuyên bố hôm 8/7. Trước đó, nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran tại Bushehr vận hành bằng cách nhập khẩu nhiên liệu từ Nga với mức độ làm giàu đạt 5%.
Mức độ làm giàu 20% vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với con số cần thiết là 90% để sản xuất vũ khí hạt nhân, song tiến trình để nâng mức làm giàu urani lên cấp độ sản xuất vũ khí sẽ không quá lâu, chuyên gia về Trung Đông Paul Heroux nhận định với RT. “Chỉ cần đạt được 20%, bạn gần như sẽ đạt được mức độ kia", ông Paul Heroux cho biết.
Tuy nhiên, không có quốc gia nào chỉ sản xuất 1 vũ khí hạt nhân, người từng đứng đầu cơ quan chính sách an ninh và xác minh của IAEA Tariq Rauf nhận định với RT. Trong khi đó, nếu sản xuất nhiều hơn, việc này sẽ cần đưa các máy ly tâm cũ vào hoạt động và quá trình này sẽ phải tới mất vài năm. Hiện nay, Iran chỉ đơn giản "gửi đi những tín hiệu nhằm gia tăng sức ép để đạt được mục đich", ông Rauf cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, Iran hiện đang vận hành khoảng 5.000 máy ly tâm. Trước khi JCPOA có hiệu lực, con số này là gần 20.000 máy. Ông Kamalvandi cho rằng tái khởi động số máy trên có thể sẽ là bước đi tiếp theo của Iran.
Phản ứng của châu Âu
Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Iran sau khi Washington đơn phương rút khỏi JCPOA hồi năm 2018. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phản hồi trước động thái làm giàu urani mới đây của Iran bằng tuyên bố sẽ tăng cường "cô lập và trừng phạt" nếu Tehran không dừng lại. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ thái độ ngần ngại hơn. Cả Anh và Đức đều cảnh báo Iran dừng các hành động phá hoại thỏa thuận hạt nhân, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã liên lạc với Tehran để "nối lại đối thoại", đồng thời đe dọa những "hậu quả" nhất định nếu Iran tiếp tục làm giàu urani.
"Họ có lẽ sẽ không trừng phạt Iran. Tôi cho rằng EU nhận ra rằng hiện tại Iran không phải là vấn đề, vấn đề thực sự nằm ở Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông ấy. Chúng ta có một thỏa thuận đang hoạt động và ông Trump đã rút khỏi nó", ông Heroux nhận định với RT.
Thay vì hợp tác chặt chẽ hơn với Washington, chuyên gia Heroux cho rằng châu Âu sẽ tiếp tục "đóng vai trò là một bên thứ ba", không hoàn toàn đứng về phía Washington hay Tehran.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nên "gây sức ép nhiều hơn với Mỹ để thiết lập một thỏa thuận", Udo Steinbach, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đức đánh giá. Chuyên gia này cũng khẳng định thêm: "Ván bài này chơi càng lâu, căng thẳng Mỹ - Iran càng leo thang và EU sẽ càng phải xích về phía Mỹ".
Iran sẽ tiếp tục chơi bài cứng rắn?
"Điều này là có thể", ông Heroux nhận định. Với những căng thẳng quân sự gần đây giữa Iran và Mỹ, cùng với các đòn trừng phạt liên tiếp của chính quyền Tổng thống Trump, Iran chỉ cần nhìn về hướng đông với minh chứng từ Triều Tiên để cân nhắc đến việc nối lại chương trình hạt nhân.
"Dựa trên cách Tổng thống Trump tác động đến Triều Tiên và cách ông ấy dành nhiều sự lưu tâm đến quốc gia này, Iran có thể coi đó là động lực để theo đuổi chương trình hạt nhân. Khi bạn gia nhập "câu lạc bộ hạt nhân", bạn sẽ được đối xử một cách thận trọng hơn", chuyên gia Heroux nhận định. Theo hầu hết các chuyên gia, về lý thuyết, Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng 1 năm.
Dù vậy, chuyên gia Daniel McAdams thuộc Viện Hòa bình và Thịnh Vượng Ron Paul lại nhìn nhận khác. Thay vì cho rằng đó là mục tiêu theo đuổi chương trình hạt nhân, ông McAdams coi các động thái tăng cường làm giàu và dự trữ urani của Iran là một toan tính nhằm đưa châu Âu quay trở lại bàn đàm phán. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Abbas Mousavi phát biểu với phóng viên ngày 8/7 rằng Iran sẽ cho châu Âu thời hạn 60 ngày để cứu vãn JCPOA qua đàm phán và sẽ không có thêm một hạn chót nào nữa./.
Hồ sơ hạt nhân Iran: Chiến lược cháy chậm hay sức ép tối đa sẽ thắng?