Iran: mấu chốt của bất đồng Mỹ - Israel
VOV.VN - Mỹ đẩy nhanh tốc độ đàm phán hạt nhân với Iran đang trở thành mấu chốt bất đồng giữa chính quyền của Tổng thống Obama với Thủ tướng Israel Netanyahu.
“Bài phát biểu của tôi không nhằm mục đích thể hiện sự không tôn trọng với Tổng thống Obama. Bài phát biểu của tôi cũng không nhằm mục đích biến Israel trở thành vấn đề tranh cãi phe phái ở Mỹ. Lý do quan trọng vì sao mối quan hệ giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn từ thập kỷ này qua thập kỷ khác là vì nó được ủng hộ bởi cả 2 đảng và điều đó cần phải tiếp diễn.”
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters hôm qua (2/3), Tổng thống Barack Obama cho rằng, bài phát biểu phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran của ông Netanyahu là một động thái gây “sao lãng”. Ông Obama cũng cho rằng, điều này dù không phá hủy vĩnh viễn quan hệ Mỹ - Israel nhưng đã bộc lộ “sự bất đồng đáng kể” giữa 2 đồng minh thân cận này trong việc làm thế nào đạt được những mục tiêu chung toàn cầu.
Theo ông Obama, một thỏa thuận tổng thể và lâu dài với Iran sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với bất cứ lệnh trừng phạt hay thậm chí là hành động quân sự mà Mỹ hay Israel có thể tiến hành để kiểm soát chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Tổng thống Obama vốn không hài lòng vì Thủ tướng Netanyahu được Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner mời phát biểu trước Quốc hội mà không thông qua tham vấn trước với ông và đã tuyên bố không gặp vị lãnh đạo Israel này trong thời gian tại Washington.
Tuy nhiên, lý do được ông Obama đưa ra là tránh gây cảm nhận Mỹ đang tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Israel vào ngày 17/3 tới. Tổng thống Obama cũng “bào chữa” rằng, sự rạn nứt trong mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt với Thủ tướng Netanyahu không phải vấn đề cá nhân, đồng thời khẳng định sẽ gặp nhà lãnh đạo Israel nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 17/3 tới.
“Tôi nghĩ Thủ tướng Netanyahu rất chân thành khi nói về những mối quan ngại của ông ấy đối với Iran. Chúng tôi hiểu vì sao Israel lo lắng đến thế và chúng tôi cũng vậy. Nhưng về mặt chính trị, chúng tôi nghĩ rằng sẽ là một sai lầm cho Thủ tướng của bất cứ quốc gia nào khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ chỉ vài tuần trước khi nước đó diễn ra bầu cử. Điều đó khiến chúng tôi bị hiểu là đang lựa chọn một bên.”
Không chỉ ông Obama, nhiều quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng cũng chỉ trích chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice coi việc Thủ tướng Israel đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ là hành động đưa tính đảng phái vào mối quan hệ Mỹ - Israel. Bà Rice cảnh báo việc làm này có thể gây tổn hại mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.
Gần một nửa trong tổng số những người Mỹ được hỏi cũng không hoan nghênh bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu trước Quốc hội nước này. Theo một khảo sát do NBC News và Wall Street Journal thực hiện, 48% số người được hỏi cho rằng việc Chủ tịch Hạ viện Boehner “qua mặt” ông chủ Nhà Trắng để mời Thủ tướng Netanyahu thăm Mỹ là quyết định không hợp lý./.
Xem thêm: Vết rạn lớn trong quan hệ Israel - Mỹ