Iran sẽ mạnh tay đến đâu sau vụ tấn công trụ sở tình báo của Israel tại Iraq?
VOV.VN - Ông Mehran Kamraca, Giáo sư thuộc Đại học Georgetown Qatar cho rằng, cuộc tấn công của Iran vào Erbil ở phía Bắc Iraq là một động thái "có chủ đích và tính toán" nhằm cho thấy khả năng tên lửa của nước này.
Giữa vòng xoáy căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành các cuộc tấn công vào Erbil - thủ phủ của người Kurd ở phía Bắc Iraq ngày 16/1, sử dụng tên lửa đạn đạo nhắm vào vị trí mà nước này cho là căn cứ của các nhóm khủng bố chống Iran.
Ông Mehran Kamraca, Giáo sư thuộc Đại học Georgetown Qatar nhận định với Sputnik rằng, cuộc tấn công của Iran vào Erbil là một động thái "có chủ đích và tính toán" nhằm cho thấy khả năng tên lửa của nước này.
"Đây là một động thái có chủ đích của Iran để đảm bảo rằng khả năng tên lửa của họ được biết đến và rằng Iran có thể tấn công các đối thủ của mình ở khoảng cách xa với độ chính xác cực cao”.
Ngoài ra, cuộc tấn công của IRGC là cuộc tấn công tên lửa đạn đạo tầm xa nhất mà Tehran tiến hành - khoảng 1.200km, Giáo sư Kamrava cho hay.
IRGC ngày 16/1 đã đứng ra nhận trách nhiệm việc nước này đã tấn công vào các vị trí mà họ cho là căn cứ của các nhóm khủng bố chống Iran. Cùng ngày, trước đó, một nguồn tin an ninh ở Iraq nói với Sputnik rằng một số vụ nổ đã xảy ra ở Erbil gần Lãnh sự quán Mỹ và Sân bay Quốc tế Erbil.
"Nhằm phản ứng trước cuộc tấn công khủng bố gần đây của các kẻ thù của Iran, trụ sở tình báo của các lực lượng chống Iran ở Trung Đông đã bị tấn công bằng một số tên lửa đạn đạo", Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời IRGC cho hay.
Theo Tasnim, IRGC đã phóng tên lửa đạn đạo vào một trong những trụ sở chính của lực lượng tình báo Israel tại Iraq và phá hủy nó. Các trụ sở này được cho là trung tâm phát triển các chiến dịch đặc biệt và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công vào Trung Đông, đặc biệt là tại Iran.
Ngoài ra, IRGC cũng tiến hành tấn công tên lửa đáp trả tại Syria nhằm tiêu diệt những kẻ được cho là có liên quan đến cuộc tấn công đẫm máu vào 2 thành phố Rask và Kerman của Iran trước đó, Hãng thông tấn Iran IRNA đưa tin ngày 16/1. Các lực lượng của Iran đã phát hiện và tiêu diệt một số thủ lĩnh và chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo Giáo sư Mehran Kamrava, tình hình khu vực "biến động liên tục và rất khó để có thể dự đoán chính xác về bước tiếp theo của các bên liên quan". Động thái trả đũa vụ nổ kép tại Kerman khiến hơn 80 người Iran thiệt mạng cách đây 1 tuần là phản ứng điển hình của Tehran.
"Họ dành thời gian, bất chấp áp lực trong nước, để phản ứng ngay lập tức. Họ tính toán phản ứng của mình và sắp xếp các thông tin tình báo", chuyên gia này nói.
Iran đã trải qua một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ngày 3/1 sau 2 vụ đánh bom liều chết. Các vụ nổ nhắm vào những người đang đưa tang ở Kerman khi mọi người tưởng niệm ngày mất của cố Tư lệnh Lực lượng Quds của IRGC - Tướng Qasem Soleimani.
Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Iran đã "được thúc đẩy" tấn công thủ phủ Erbil của người Kurd ở Iraq sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.
Theo ông Maloof, sự leo thang lớn này trong khu vực hiện đặt Mỹ vào thế phải "chiến đấu trong cuộc chiến ở 5 mặt trận": Iran, Lebanon, Gaza, Yemen và Syria".
Mỹ và Anh đã tiến hành không kích vào các lực lượng của Houthi ở phía Bắc Yemen tuần trước với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ. Sáng 12/1, Mỹ và Anh đã tiến hành 23 cuộc không kích vào các mục tiêu ở 4 tỉnh của Yemen, trong đó có thủ đô Sanaa và các thành phố Al Hudaydah, Taizz, Sadah, các nguồn tin chính quyền địa phương nhận định với Sputnik.
Dự báo về kịch bản tương lai, ông Michael Maloof cảnh báo, Iran có thể đáp trả mạnh tay hơn nữa nếu có bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào của Mỹ bằng cách đóng cửa Eo biển Hormuz.
"Vì vậy, đây có thể là cấp độ tiếp theo và sau đó Mỹ sẽ phản ứng, rất có thể là bằng cách tấn công các nhà máy lọc dầu. Điều này sẽ tạo ra sự leo thang toàn diện. Đây là một dấu hiệu cảnh báo thảm họa và Mỹ cần ngăn chặn điều này ngay lập tức", ông Maloof bình luận.