Iran sẽ thuyết phục quốc tế về chương trình hạt nhân dân sự?

Trình bày ý tưởng, thuyết phục các nước tin vào chương trình hạt nhân dân sự  là điều mà Iran phải làm tại Hội nghị NAM lần này.

Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 16 đang diễn ra tại thủ đô Tehran (Iran). Tham dự Hội nghị này có các đại biểu đến từ hơn 120 nước, trong đó có 51 nước cử đại diện là các nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Số lượng các nước và nguyên thủ quốc gia nhiều như vậy cho thấy, Hội nghị có tầm cỡ thế giới, đề cập tới những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Quang cảnh Hội nghị NAM lần thứ 16 đang diễn ra tại Iran (Ảnh: Tân Hoa xã)

Iran củng cố hình ảnh ngoại giao, kêu gọi thêm đồng minh

Năm nay, Hội nghị NAM lần thứ 16 được tổ chức tại Iran-nước đang có chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nước, nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Theo như các nhà phân tích quốc tế, Iran sẽ tận dụng việc đăng cai tổ chức và là Chủ tịch Hội nghị NAM trong vòng 3 năm tới để tạo ảnh hưởng, củng cố hình ảnh và tranh thủ sự ủng hộ của hơn 120 nước là thành viên của NAM đối với chương trình hạt nhân của mình. Thông qua Hội nghị này, Iran cũng muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để giảm bớt sức ép, lệnh trừng phạt và sự cô lập từ các nước phương Tây.

Để củng cố tầm ảnh hưởng của mình, Iran đang cố gắng làm “tan băng” trong mối quan hệ với Ai Cập bằng cách mời tân Tổng thống mới Ai Cập Mohammed Mursi tới tham dự Hội nghị NAM lần thứ 16.

Trên thực tế, mối quan hệ Iran-Ai Cập đã bị đóng băng từ nhiều năm nay, đặc biệt là kể từ khi Ai Cập ký kết Hiệp ước Hòa bình năm 1979 với Israel- đối thủ lớn của Iran hiện nay. Tuy nhiên, việc mời Tổng thống Ai Cập tới tham dự Hội nghị NAM lần này được coi là mong muốn xóa tan “băng giá”, thay đổi chính sách ngoại giao của Iran với Ai Cập, nhằm tiến tới kêu gọi có thêm đồng minh, tạo thuận lợi hơn trong việc bảo vệ an toàn khu vực nếu xảy ra cuộc chiến tranh với Israel.

Việc tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi nhận lời tới tham dự Hội nghị NAM lần này cũng cho thấy, sức thuyết phục của Iran đối với nhà lãnh đạo Mursi khi Mỹ và Israel đang có những hành động quân sự đe dọa tới an ninh khu vực Trung Đông.

Không chỉ có Ai Cập, việc Palestine- đối thủ của Israel cũng đã nhiệt tình nhận lời mời tham dự Hội nghị lần này đã góp phần khẳng định, Iran có tiếng nói trong việc kêu gọi thêm đồng minh trong khu vực để giải quyết những nguy cơ đe dọa tới an ninh.

Dù chịu áp lực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran nhưng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng đã có mặt tại Hội nghị NAM lần này. Ngoài ra, sự hiện diện của các nguyên thủ và đoàn đại biểu cấp cao đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Brazil và những quốc gia là thành viên của NAM cũng cho thấy, Iran đã thành công bước đầu trong việc xây dựng hình ảnh, tạo tầm ảnh hưởng trong chính sách ngoại giao trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang gây nhiều áp lực, cô lập Iran.

Đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù được đánh giá là có những thành công bước đầu trong việc tạo uy tín, củng cố vị thế và hình ảnh của mình, nhưng vấn đề mấu mốt mà Iran sẽ phải đạt được tại Hội nghị NAM lần thứ 16 là làm sao duy trì được ảnh hưởng chính trị của mình khi tiếp quản nhiệm kỳ lãnh đạo NAM trong 3 năm tới. Thuyết phục các nước tin vào chương trình hạt nhân dân sự của mình, là điều không dễ dàng khi mà vòng đàm phán thứ 6 về chương trình hạt nhân của Iran kết thúc ngày 24/8 tại Vienna (Áo) không đạt được thỏa thuận nào, các bên vẫn còn những bất đồng sâu sắc.

Theo cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, trong tuần này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ đưa ra báo cáo hàng quý về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, trước khi bản báo cáo được công bố, có một số quan chức của IAEA tiết lộ rằng, Tehran đang tiếp tục mở rộng sản xuất nhiên liệu hạt nhân, làm giàu uranium ở dưới lòng đất.

Hình ảnh vệ tinh chụp vị trí căn cứ quân sự Parchin (Ảnh: AFP)

Ngoài ra, các quan chức IAEA gần đây cũng cho biết, Iran đang thực hiện việc dọn dẹp và làm sạch hoạt động thử nghiệm hạt nhân tại căn cứ quân sự Parchin – nơi bị phương Tây nghi ngờ được sử dụng để tiến hành nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc đàm phán để cho các thanh sát viên IAEA có thể thanh sát, kiểm tra căn cứ quân sự Parchin đã không đạt được thỏa thuận nào vì các bên còn nhiều bất đồng.

Ngoài ra, để thuyết phục cộng đồng quốc tế tin vào chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, Iran phải chứng minh được việc làm giàu uranium ở mức độ nào là an toàn và có thể chấp nhận được. Từ nhiều tháng nay, Israel và các nước phương Tây luôn bày tỏ sự quan ngại về hoạt động làm giàu uranium lên cấp độ tinh khiết 20% và cho rằng, Iran đang thử nghiệm sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong khi Israel có những lời lẽ đanh thép, đe dọa sẽ thực hiện những cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran thì Tehran luôn bày tỏ lập trường cứng rắn là không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Để chứng minh cho lập trường trên, Iran phải cho các nước trên thế giới thấy rõ cam kết không phổ biến sản xuất vũ khí hàng hoạt (WMD) mà nước này đã tham gia ký kết năm 2005. Trước đó, Lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Khamenei từng ban hành một sắc dụ tôn giáo, được gọi là Fatwa, hồi tháng 9/2005 (Fatwa 2005), có nội dung cấm sản xuất, tàng trữ và phổ biến tất cả các loại WMD.

Không dễ giảm bớt hoặc xóa bỏ lệnh trừng phạt

Ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của hơn 120 nước tham dự Hội nghị NAM lần thứ 16 đối với chương trình hạt nhân, Iran cũng muốn kêu gọi các nước can thiệp để giảm bớt sức ép và sự cô lập từ Mỹ và các nước phương Tây.

Để gây sức ép đối với chương trình hạt nhân của Iran, từ ngày 1/7/2012, Mỹ và các nước phương Tây chính thức áp dụng lệnh trừng phạt bằng cách cấm nhập khẩu dầu cũng như phong tỏa tài sản của một số ngân hàng Iran.

Với lệnh trừng phạt này, nền kinh tế của Iran vốn phụ thuộc vào chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ đã bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Tầng lớp trung lưu, cán bộ, công chức Iran thường kêu ca, phàn nàn về việc tăng giá chóng mặt của các loại hàng hóa. Nhiều mặt hàng đã tăng lên tới hơn 50%.

Trong 9 năm gần đây, tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên hơn 15%. Có năm, lạm phát vượt trên 25%. Riêng trong năm 2011, tỷ lệ lạm phát đã lên tới trên 35% (con số hiếm thấy ở các nước khác).

Muốn giảm sức ép và sự cô lập từ nước ngoài, Iran phải chọn lựa con đường từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã tuyên bố không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân dân sự.

Lựa chọn mà Iran luôn theo đuổi là sẵn sàng đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân. Thế nhưng, đến nay, vòng đàm phán thứ 6 vừa kết thúc tại Vienna (Áo) vẫn bế tắc.

Chính vì những thất bại trên, tại Hội nghị NAM lần thứ 16 này, Thứ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Mahdi Akhounzadeh ngày 27/8 cho biết, Tehran có thể sẽ cho phép đại diện các nước thành viên NAM đến thăm khu quân sự Parchin ở Đông Nam nước này, nơi IAEA  nghi ngờ Iran đang thực hiện các thí nghiệm hạt nhân.

Đây được coi là nỗ lực mới nhất của Nhà nước Hồi giáo trong việc giới thiệu bản chất của chương trình phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Nhưng có lẽ Iran sẽ chưa thuyết phục được vì mục đích phát triển chương trình hạt nhân của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên