Ireland chưa qua cơn bĩ cực

Việc thay một chính phủ mới cho thấy người dân Ireland hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, song hy vọng này liệu có thành hiện thực?

Với thất bại nặng nề của Đảng Fianna Fail cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 25/2 vừa qua, Ireland trở thành thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu phải thay đổi chính phủ do nợ công. Song, liệu sự thay đổi này có giúp quốc gia ở Tây Bắc Âu này cải thiện được cục diện kinh tế hiện nay?

Cuộc tổng tuyển cử ngày 25/2 vừa qua là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính hồi tháng 11/2010. Kết quả sơ bộ hôm Chủ nhật cho thấy, đảng trung tả đối lập chính Fine Gael giành chiến thắng với 38% số phiếu ủng hộ (chiếm 70 ghế trong Quốc hội 166 ghế). Đảng Lao động Công đảng, giành được 19,4% số phiếu ủng hộ (chiếm 36 ghế). Trong khi đó, Đảng Fianna Fail cầm quyền của Thủ tướng Brian Cowen đã thất bại thảm hại khi chỉ giành được hơn 17% số phiếu ủng hộ (khoảng 18 ghế). Đảng Sinn Fein đạt 9,9% trong khi các đảng độc lập được 12,6% số phiếu ủng hộ.

Kết quả này cho thấy, cử tri không hài lòng và quy trách nhiệm cho Đảng Fianna Fail của Thủ tướng Brian Cowen về tình trạng kinh tế suy yếu. Để tránh nguy cơ vỡ nợ, Ireland đã phải chấp nhận gói cứu trợ 85 tỷ euro và trở thành con nợ công đầu tiên trong khu vực đồng euro - điều mà người dân Ireland cho là một sự tổn hại về chủ quyền và uy tín quốc gia bởi Ireland đã một thời được xem là thịnh vượng nhất khu vực.

Hơn nữa, để nhận được cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ireland đã buộc phải chấp nhận áp dụng một loạt các biện pháp khắc khổ, trong đó có cắt giảm mạnh mẽ đối với các dịch vụ xã hội, trợ cấp hưu trí và lương nhân viên trong vòng 4 năm nhằm đưa tỉ lệ thâm hụt ngân sách xuống dưới mức quy định 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với các thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro) vào năm 2014.

Với kết quả bầu cử mà không đảng nào giành chiến thắng tuyệt đối, Đảng Fine Gael của ông Enda Kenny buộc phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ mới. Các cuộc tiếp xúc đã bắt đầu trong ngày 28/2 với Đảng Lao động và một số đối tác độc lập.

Dư luận cho rằng, Đảng Fine Gael lên cầm quyền cũng chẳng thể thay đổi được cục diện kinh tế hiện nay của đất nước. Ireland đang chìm trong khối nợ khổng lồ do sự tiêu xài vung vãi của khu vực kinh tế tư nhân, làm thổi bùng bong bóng trên thị trường tài chính quốc gia. Thâm hụt ngân sách của nước này vượt mốc 30% GDP - mức lớn nhất kể từ khi khu vực đồng euro được thiết lập năm 1999 và đẩy nợ nhà nước của Ireland lên 98,6% GDP trong năm 2010. Ireland hiện đang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 14% dân số và thị trường nhà đất thì gần như tê liệt, đời sống người dân khó khăn.

Còn nhớ trước cuộc tổng tuyển cử sớm này, hai đảng Fine Gael và Lao động bày tỏ quyết tâm đàm phán lại các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ trị giá 85 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Thế nhưng đàm phán thế nào, khi mà bản thân những nước chưa bị sức ép lớn về nợ công bỏ hàng trăm tỷ euro ra cứu trợ, không chỉ muốn thu hồi vốn mà còn muốn đảm bảo rằng sự tiêu xài hoang phí sẽ không tiếp diễn. Bởi vậy, nước muốn nhận giải cứu không còn cách nào khác là phải chấp nhận những điều kiện của họ.

Đảng Fine Gael còn cam kết sẽ giảm 9 tỷ euro thâm hụt ngân sách trong vòng 3 năm tới, bằng những biện pháp kích thích tăng trưởng việc làm, giảm chi tiêu công, cải tổ hệ thống chính trị. Đảng Lao động thì cam kết bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cải tổ các dịch vụ công. Cả hai đảng này đều cam kết sẽ cải cách hệ thống y tế tốt hơn so với thời điểm hiện tại. Thế nhưng xem ra, những biện pháp này cũng chưa có gì mới hơn so với chính sách mà Đảng Fianna Fail áp dụng.

Đời sống người dân chắc chắn vẫn khó khăn do mạng lưới an sinh xã hội bị ảnh hưởng bởi cắt giảm chi tiêu ngân sách. Ngay cả khi các biện pháp nêu trên của chính phủ liên minh sắp tới được áp dụng ngay tức thì thì Ireland vẫn rất khó để vượt qua cơn khủng hoảng. Bằng lá phiếu của mình, cử tri Ireland quyết định “chia tay” với Đảng Fianna Fail và trông chờ vào tương lai tương sáng hơn. Song, với vô vàn khó khăn hiện nay, Ireland chưa thể qua cơn bĩ cực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên