Israel lo sợ “vết dầu loang”

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập gây lo ngại cho cả thế giới, trong đó, có lẽ lo lắng nhất là nước láng giềng Israel.

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được xem là nhà lãnh đạo thân Mỹ và Israel, từng được Tel Aviv coi là “người kết nối Israel với thế giới Arab”.

Với việc đặt bút ký Hiệp định Hoà bình với Israel vào năm 1979, ông Mubarak cũng đi vào lịch sử là người có công giúp duy trì hoà bình giữa Israel với Ai cập trong hơn 30 năm qua. Do đó, sự ra đi của ông Mubarak hiển nhiên là “tin dữ” đối với Israel.

Mặc dù quân đội Ai Cập đã tuyên bố chính quyền mới sẽ tôn trọng các hiệp định quốc tế mà nước này đã ký trong quá khứ, trong đó có Hiệp định Hoà bình với Israel, song có quá nhiều điều khiến Tel Aviv không thể không lo lắng.

Điều đầu tiên dễ thấy nhất là Israel không thể trông đợi vị Tổng thống mới của Ai Cập trong thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện nay sẽ là một người có tư tưởng thân với Mỹ và Israel như cựu Tổng thống Mubarak.

Những thay đổi tại chính trường Trung Đông đang làm cho Israel lo lắng (Ảnh: Getty)

Báo chí thế giới dẫn thông tin đưa trên trang mạng Wikileaks, cho rằng Israel ủng hộ Phó Tổng thống Omar Suleiman lên làm nhà lãnh đạo tương lai của Ai Cập. Và đã có nhiều liên hệ với ông này từ vài năm trước. Phó Tổng thống Suleiman hịên là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí kế vị ông Mubarak, song không thể nói trước được điều gì trong bối cảnh phức tạp hịên nay ở Ai Cập.

Hơn thế nữa, một căn nguyên sâu xa của làn sóng biểu tình của người dân Ai Cập cũng là do bất bình với chính sách thân Mỹ và Israel của chính quyền Mubarak. Tới mức Hiệp định Hoà bình Ai Cập- Israel được gọi là “Hiệp định lạnh” vì trong hơn 30 năm qua mới chỉ thúc đẩy được quan hệ giữa hai Chính phủ chứ không thể cải thiện quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Do đó, những nhân vật tại Ai Cập được lòng Washington và Tel Aviv sẽ gặp bất lợi trong cuộc chạy đua quyền lực. Còn số phận của Hiệp định Hoà bình- dẫu có được quân đội đưa ra lời đảm bảo- song một khi không hợp tâm lý người dân, vẫn rất mong manh.

Tổ chức Anh em Hồi giáo chống Chính phủ ở Ai Cập đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ hiệp định. Và trong trường hợp bản hiệp định không còn được tuân thủ, Israel sẽ phải đối phó cùng lúc với 3 kẻ thù ở 3 hướng: Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập; Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Dải Gaza.

Thứ ba, cũng là điểm nguy hiểm khó lường nhất đối với Israel là làn sóng biểu tình lật đổ Chính phủ ở Ai Cập đang lan ra các nước Arab khác và không biết bao giờ dừng lại. Tất cả có thể tạo nên sức ép tổng lực đổ dồn vào Israel cùng lúc.

Tại Lebanon, vị trí Thủ tướng mới đã thuộc về một nhân vật được Hezbollah ủng hộ và nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh như hồi năm 2006 đang rất cao khi cả Hezbollah và Israel đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn.

Việc lần đầu tiên kể từ năm 1979, Iran đưa tàu chiến đi qua kênh đào Suez (thuộc Ai Cập) để vào Syria - cũng được coi là một đe doạ lớn đối với Israel. Không chừng tâm lý chống Mỹ và Israel cũng theo hiệu ứng domino mà gia tăng đột biến từ nơi này đến nơi khác trong thế giới Arab.

Trước tình hình này, Israel đang tự chuẩn bị đối phó với những kịch bản tồi tệ nhất: có thể là một chính phủ không mấy thân thiện lên nắm quyền ở Ai Cập, thậm chí có thể là chiến tranh tái bùng phát với Ai Cập hay với Lebanon...

Thủ tướng Netanyahu mới đây nhấn mạnh trước Quốc hội Israel rằng: “Một Hiệp định Hoà bình không đủ đảm bảo sự tồn tại của hoà bình giữa Ai Cập với Israel. Do đó Israel sẽ bảo vệ mình bằng những dàn xếp an ninh trên thực địa”.

Tuyên bố này không khỏi khiến dư luận lo lắng Tel Aviv có thể nhân cơ hội  này để chạy đua vũ trang mạnh mẽ hơn, tìm kiếm sự ủng hộ của Washington nhiều hơn, để cả hai can thiệp sâu hơn vào tình hình chính trị tại Trung Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên