Jean Daniel- cây đại thụ của báo chí Pháp qua đời

VOV.VN - Ngày 20/2, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin: Nhà báo Jean Daniel, cây đại thụ của báo chí Pháp đương đại, vừa qua đời ngày 19/2, hưởng thọ 100 tuổi.

Jeau Daniel, tên khai sinh là Jean Daniel Bensaid ra đời ngày 21/7/1920, là người con thứ 11 của một gia đình thợ thủ công tại một thị trấn ven sa mạc Sahara, cách thủ đô Alger nước Algérie chừng 50 km về phía Nam.

Nhà báo, nhà văn Jean Daniel (1920-2020). Ảnh: AP

Ông là một nhà báo lớn, đồng thời là một nhà văn tên tuổi, là người sáng lập tuần báo Le Nouvel Observateur, gọi tắt là NouvelObs, một trong những tờ báo xu hướng thiên tả được nhiều người quý trọng trong biển cả báo chí mênh mông và có mặt xô bồ của nước Pháp ngày nay.

Ông điều hành ban biên tập, chịu trách nhiệm viết xã luận đều đặn cho tờ báo ấy trong suốt 45 năm. Sang thời đại tin học, đi đôi với việc làm báo in, ông còn cầm chịch trang blog của tờ báo ấy, kịp thời bày tỏ quan điểm về mọi vấn đề.

Ông đã cho xuất bản gần 30 cuốn sách, nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, cuốn gần đây nhất phát hành khi ông đã 96 tuổi, viết về cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, vốn là người của đảng Xã hội Pháp và là bạn thân của Jean Daniel, nhan đề (tạm dịch): “Francois Mitterrand, con người không ai có thể nắm bắt được”.

Năm 2003, nhà văn Hubert Védrine gọi “Jean Daniel, người quan sát của thế kỷ” (đầu đề cuốn sách của ông). Hơn mười năm sau, nhà báo Jean Lacouture tại tác phẩm giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp 14 nhà báo lớn nhất nước Pháp tính từ ngày tờ báo Pháp đầu tiên ra đời năm 1631 cho đến nay, Jean Daniel là một trong số đó.

Thế nhưng khi nhà báo nữ Martine de Rabaudy, tác giả cuốn “Con người xa lạ ấy hơi giống với tôi” viết về ông, đề nghị ông cho mấy dòng sẽ khắc lên mộ chí sau khi ông qua đời, ông đáp: “Jean Daniel, nhà báo và nhà văn Pháp. Chấm hết”.

Ông là người đa tài cả về báo chí và văn chương. Thế nhưng tại một cuộc tranh luận, ông quả quyết: “Từ trước tới nay tôi luôn cho rằng, nếu cần coi thể loại báo chí nào là cao quý nhất thì đó không phải là xã luận, bình luận, chuyên mục mà là phóng sự”. Tại sao? Tại báo chí có sứ mệnh là thường xuyên đi tìm và phát hiện cái mới trong cuộc sống thường ngày.

Thời còn học trung học phổ thông, Jean Daniel đều đều đọc tuần báo “Thứ sáu”, diễn đàn của của các nhà trí thức Pháp ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp. Về văn học, anh bái phục văn hào André Gide, và noi gương nhà văn, bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Khi nhà văn “chia tay” với Liên Xô (thời ấy), cậu học sinh bắt chước người mình ngưỡng mộ, tự xác định mình suốt đời sẽ là một người hoạt động chính trị cánh tả nhưng không tham gia đảng phái nào.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Jean Daniel tham gia quân đội của tướng De Gaulle tại Bắc Phi, thuộc Sư đoàn thiết giáp II lừng danh của tướng Leclerc.

Năm 1947, đang học cao học tại Đại học Sorbonne, Paris, ông được giới thiệu làm trợ lý cho Thủ tướng Pháp hồi bấy giờ, chuyên viết các bài diễn thuyết cho Thủ tướng, nhưng chắc là chán cảnh chính trường, ông rời bỏ chức vụ để cùng một người bạn sáng lập tạp chí Caliban thiên tả với tham vọng phổ cập “kiến thức chất lượng cao thuộc mọi khuynh hướng”.

Ông được sự ủng hộ và trở thành bạn thân của văn hào Albert Camus, Giải thưởng Nobel về Văn học, Chủ nhiệm nhật báo Combat (Chiến đấu) - sự kiện ghi dấu ấn trong cuộc đời tác nghiệp truyền thông của Jean Daniel, cho dù một thời gian hai người bạn chia tay nhau vì bất đồng chính kiến.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 tại nước ta, Jean Daniel làm việc tại tờ tuần báo L’Express, một tờ báo có đông bạn đọc, ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Pháp là Piere Mendès France tìm mọi cách rút khỏi cuộc chiến tranh do chính họ gây ra và thất bại tại Việt Nam qua việc ký Hiệp định Genève năm 1954.

Noi gương Việt Nam, các cuộc đấu tranh đòi độc lập của các nước Bắc Phi thuộc Pháp bùng nổ, ác liệt nhất là tại Algérie nơi Jean Daniel chào đời, tiếp đó đến Tunisia. Jean Daniel trở về Bắc Phi làm phóng viên chuyên viết phóng sự chiến tranh. Một lần đang tác nghiệp, ông bị lính Pháp xả súng vào thường dân Tunisia, phóng viên cũng dính đạn bị thương nặng, phải đưa về Pháp cứu chữa, qua chín lần phẩu thuật và điều trị dài ngày mới bình phục.

Sự kiện làm Jean Daniel càng nổi tiếng hơn trên thế giới là trong thời gian đang nghỉ dưỡng bệnh, ông được Chủ tịch Cuba Fidel Castro mời sang thăm. Trên đường quá cảnh Mỹ, nhà báo Pháp được Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đón tiếp thân tình và trả lời phỏng vấn.

Tổng thống Mỹ kín đảo ngỏ ý muốn nhờ nhà báo mang thông điệp đến nhà lãnh đạo Cuba, nội dung đại thể: Việc Cuba có tiến lên Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản hay không là việc nội bộ của Cuba, vấn đề Mỹ quan tâm là Cuba không được cho phép nước ngoài (ám chỉ Liên Xô) đặt vũ khí trên lãnh thổ của mình, từ đó đe dọa an ninh của Liên bang Hoa Kỳ.

Đó là một dấu hiệu dù còn rất mơ hồ bộc lộ ý đồ của vị Tổng thống trẻ nước Mỹ muốn chuộc các lỗi lầm của những người tiền nhiệm của ông ta về chính sách cấm vận, phong tỏa kinh tế đối với đảo quốc Cuba. Bắt tay tạm biệt nhau, Tổng thống Mỹ trân trọng mời Jean Daniel trên đường trở về Pháp lại quá cảnh Hoa Kỳ, và hai người sẽ lại gặp nhau.

Xế chiều ngày 23/3/1963, tại thủ đô La Habana có bữa ăn trưa - làm việc giữa nhà lãnh đạo Cuba với hai vợ chồng nhà báo. Đang giữa bữa bỗng tiếng điện thoại riêng của Chủ tịch nước Cuba réo liên hồi.

Ông nhấc máy trao đổi vài câu rồi gác xuống buồn rầu nói với khách: Tổng thống Mỹ vừa bị bắn trên đường đi công tác tại bang Texas, Hoa Kỳ, vết thương nặng lắm e khó lòng qua khỏi. Và ngay trong chiều hôm đó, Đài Phát thanh Quốc gia Cuba chính thức đưa tin Tổng thống Hoa ký John F. Kennedy bị ám sát đã qua đời!

Cuộc gặp mặt hy vọng có khả năng diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Cuba bàn về quan hệ giữa hai nước, như kỳ vọng của Tổng thống Kennedy vậy là tan tành từ trong trứng nước.

Bình luận sự kiện này, nhà báo Jean Lacouture viết: Một nhà báo 17 tháng trước bị thương trong khi đang tác nghiệp tại một chiến trường giải phóng dân tộc ở châu Phi, 17 tháng sau trở thành sứ giả hòa bình tại châu Mỹ với sứ mệnh góp phần giải quyết mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia khác chế độ, cho dù sứ mệnh ấy không được hoàn thành! Những công việc ấy mới cao cả làm sao! Báo chí là báo chí, nhưng báo chí còn có thể là một cái gì cao hơn thế chính là ở những chỗ đó…

Chúc vị đồng nghiệp đáng kính, nhà báo lão thành Pháp Jean Daniel đời đời an nghỉ trong vinh quang của báo chí qua những chức năng cao cả của nó!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà báo Pháp: Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ
Nhà báo Pháp: Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ

VOV.VN -Nhà báo Pháp Bruno Philip cũng từng là đặc phái viên của tờ Le Monde tại Trung Quốc trong 6 năm đã nói như vậy.

Nhà báo Pháp: Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ

Nhà báo Pháp: Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ

VOV.VN -Nhà báo Pháp Bruno Philip cũng từng là đặc phái viên của tờ Le Monde tại Trung Quốc trong 6 năm đã nói như vậy.

Ký ức nhà báo Pháp ở tù chung với những con tin bị IS hành quyết
Ký ức nhà báo Pháp ở tù chung với những con tin bị IS hành quyết

VOV.VN - Mặc dù đã được trả tự do vào tháng 4, nhưng nhà báo Pháp Nicholas Henin vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi kinh sợ trong thời gian bị bắt giữ. 

Ký ức nhà báo Pháp ở tù chung với những con tin bị IS hành quyết

Ký ức nhà báo Pháp ở tù chung với những con tin bị IS hành quyết

VOV.VN - Mặc dù đã được trả tự do vào tháng 4, nhưng nhà báo Pháp Nicholas Henin vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi kinh sợ trong thời gian bị bắt giữ. 

Nhà báo Pháp: Chính phương Tây làm cho IS phát triển
Nhà báo Pháp: Chính phương Tây làm cho IS phát triển

VOV.VN - Nhà báo Pháp Henin từng bị IS bắt làm con tin cho rằng cách tiếp cận của phương Tây chỉ làm cho IS phát triển thêm.

Nhà báo Pháp: Chính phương Tây làm cho IS phát triển

Nhà báo Pháp: Chính phương Tây làm cho IS phát triển

VOV.VN - Nhà báo Pháp Henin từng bị IS bắt làm con tin cho rằng cách tiếp cận của phương Tây chỉ làm cho IS phát triển thêm.