Kẽ hở trong nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên của HĐBA vẫn cần phải được thời gian kiểm chứng.
Tối 2/3 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên. Nghị quyết mới nhằm vào Triều Tiên được cho là hành động trừng phạt mạnh nhất của Liên Hợp Quốc trong 20 năm qua.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hôm 2/3. (Ảnh: AP) |
Thêm biện pháp mạnh trừng phạt Triều Tiên
Bản dự thảo nghị quyết mới được Mỹ công bố vào thứ Năm tuần trước, gồm nhiều biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân trong ngày 6/1 và phóng tên lửa ngày 7/2.
Trung Quốc cũng đã đồng ý thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên sau các cuộc đàm phán với phía Mỹ. Động thái này được cho là bước tiến bộ, phản ánh sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc về những căng thẳng tồn tại lâu dài.
Các nhà ngoại giao mô tả nghị quyết này bao hàm những biện pháp mạnh tay nhất từ trước đến nay để làm “suy yếu” khả năng của Triều Tiên huy động kinh phí, công nghệ cũng như các nguồn lực khác phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, bài bình luận trên tờ New York Times vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của nghị quyết này khi đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên sẽ đóng vai trò ra sao trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng tuân thủ những gì cộng đồng quốc tế đưa ra.
Thực tế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đây đã không ít lần tìm cách để ngăn cản chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục vi phạm.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, trong khi các nhà ngoại giao vẫn đang thương thảo để đưa ra phản ứng thích hợp thì ngày 7/2, Bình Nhưỡng lại tiếp tục phóng vệ tinh – hành động mà Mỹ và Hàn Quốc cho rằng thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa.
Trong nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, biện pháp mạnh nhất là yêu cầu kiểm tra tất cả hàng hóa đến và đi khỏi lãnh thổ Triều Tiên.
Danh mục hàng hóa cấm được mở rộng trong nghị quyết bao gồm cả các loại đồng hồ đắt tiền, ván trượt tuyết, xe trượt tuyết có trị giá hơn 2.000 USD... Theo đánh giá của các chuyên gia, dường như điều này không mấy quan trọng đối với người dân một nước nghèo như Triều Tiên và nó chỉ nhằm đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc rộng hơn một chút là “giới tinh hoa” của nước này.
Nghị quyết cũng yêu cầu các nước trục xuất những nhà ngoại giao Triều Tiên bị cáo buộc có hoạt động bất hợp pháp; cấm Triều Tiên cử chuyên gia võ thuật để đào tạo nhân viên cảnh sát ở nước ngoài, chẳng hạn như trường hợp ở Uganda.
Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vẫn có kẽ hở
Mặc dù vậy, nghị quyết này vẫn còn những sơ hở. Theo đó, Triều Tiên vẫn có thể bán dầu, than và quặng sắt, miễn là các giao dịch này không được sử dụng cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Vấn đề là ở chỗ, làm sao để xác minh nguồn kinh phí thu được từ các giao dịch thương mại nói trên có được chi đúng chỗ hay không.
Hình ảnh một quả tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh: AFP) |
Ngoài ra, nghị quyết mới cũng phải đối mặt với những thách thức khác khi một bản báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố cùng ngày thừa nhận rằng, 4 nghị quyết với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Chẳng hạn như nghị quyết của Liên Hợp Quốc năm 2006 yêu cầu các quốc gia thành viên phải báo cáo về tất cả các hoạt động thanh sát tàu của Tiều Tiên bị tình nghi là chuyên chở vũ khí hoặc các sản phẩm dùng cho mục đích quân sự.
Song trong 10 năm qua, chỉ có một nước thành viên Liên Hợp Quốc nộp báo cáo.
Báo cáo nói trên cũng lưu ý đến việc, một số quốc gia tại Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông tiếp tục bán cho Triều Tiên các thiết bị quân sự bị cấm như phụ tùng máy bay không người lái và các hệ thống radar.
Sáng 3/3, Triều Tiên đã bắn một số quả tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này.
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa xảy ra vào khoảng 10h sáng (giờ địa phương), chỉ ít giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt cứng rắn nhằm vào Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói: “Các quả tên lửa được phóng đi lúc khoảng 10h sáng. Chúng tôi đã tăng cường giám sát và chuẩn bị sẵn sàng”.
Giới quan sát cho rằng, động thái thách thức dư luận quốc tế của Triều Tiên dường như là dấu hiệu cho thấy, tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới vẫn cần phải được thời gian kiểm chứng.
Vai trò không thể phủ nhận của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên được cho là kết quả của nỗ lực ngoại giao hẹp giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố phản đối việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, và mới đây nhất, hôm 2/3, Trung Quốc đã công khai chỉ trích Triều Tiên thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch, gọi đây là hành động “thách thức” luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng nghị quyết trừng phạt mới sẽ có thể kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, tìm con đường đối thoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất trả lời phỏng vấn báo giới về vấn đề Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Bình luận về khả năng này, chuyên gia Darryl Kimball của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho biết: “Quãng thời gian vài tuần tới là rất quan trọng với Washington và Bắc Kinh để trao đổi với Bình Nhưỡng nối lại đàm phán 6 bên”.
Mặc dù thừa nhận sự cần thiết phải có phản ứng thích hợp sau vụ thử bom hạt nhân của Triều Tiên hôm 6/1 và vụ phóng vệ tinh hôm 7/2, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất vẫn hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
Ông Lưu Kết Nhất nói: “Trừng phạt không phải là dấu chấm hết cho vấn đề này, Hội đồng Bảo an về cơ bản không thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nghị quyết vừa được thông qua sẽ là một điểm khởi đầu mới, đặt nền móng cho các giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.
Giới phân tích lưu ý rằng, việc Trung Quốc miễn cưỡng đặt bút ký vào nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên thể hiện sự thất vọng của Bắc Kinh với những hoạt động hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thời gian gần đây. Tuy nhiên, những động thái thực chất, đi cùng với lời nói của Bắc Kinh sau đó mới là chìa khóa dẫn đến thành công của nghị quyết này.
Theo AP, Trung Quốc đã cố gắng trong vô vọng để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. “Bằng cách yêu cầu nghị quyết trừng phạt Triều Tiên có điều khoản cấm xuất khẩu quặng sắt và đất hiếm, Trung Quốc mong muốn qua đó gây áp lực đối với một trong các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ đối với những mặt hàng này”, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên George Lopez tại Đại học Notre Dame nhận định.
Ông Lopez nói thêm: “Trung Quốc đã có một động lực rất lớn để làm như vậy”.
Bruce Klingner, cựu Giám đốc của CIA chi nhánh Hàn Quốc cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới chắc chắn sẽ khiến Triều Tiên gặp khó khăn hơn trong việc có được những hàng hóa và nguồn tài trợ cần thiết để thúc đẩy chương trình tên lửa; nhưng cảnh báo rằng, “không phải tất cả mọi ngả đường đã bị chặn”.
Theo ông Klingner, phần lớn hoạt động thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc thông qua khu vực cửa khẩu biên giới trên bộ giữa hai nước. Tuy nhiên, trong nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, Hội đồng Bảo an lại không hề đề cập đến việc kiểm tra các xe tải ra vào lãnh thổ nước này.
“Liệu Trung Quốc sẽ kiểm tra tất cả hoạt động thương mại với Triều Tiên?”, ông Klingner bày tỏ nghi ngờ.
Câu hỏi của ông Klingner có thể coi là câu trả lời cho những thắc mắc liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy thực thi nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên. Với nhận định này, có thể thấy rằng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục là một câu chuyện dài./. Triều Tiên tuyên bố tẩy chay Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc