Kế hoạch trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia
VOV.VN - Hôm nay (14/3), lãnh đạo ba nước Australia, Mỹ và Anh đã công bố thỏa thuận trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia với sự tham gia của cả ba nước.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một dự án nâng cao năng lực quốc phòng để giúp Australia củng cố an ninh quốc gia và nâng cao khả năng phòng thủ.
Theo thỏa thuận công bố ngày hôm nay, trong 3 thập kỷ tới, Australia sẽ chi 368 tỷ AUD để trang bị hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Australia sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ và sẽ cân nhắc mua thêm 2 tàu ngầm loại này nếu thấy cần thiết. Đồng thời Australia cũng sẽ chế tạo 8 tàu ngầm thế hệ mới có tên gọi là SSN AUKUS tại nước này dựa trên thiết kế của Anh và công nghệ của Mỹ.
Tiến trình thực hiện thỏa thuận
Vào đầu những năm 2030, sau khi nhận được sự phê chuẩn từ Quốc hội, Mỹ sẽ bàn giao 3 tàu ngầm lớp Virginia cho Australia. Trong đó, tàu ngầm Virginia đầu tiên được chuyển giao cho Australia trong lúc đang được hải quân Mỹ sử dụng.
Cụ thể, Australia sẽ nhận được tàu ngầm lớp Virginia đầu tiên của Mỹ vào năm 2033. Tàu ngầm thứ 2 thuộc loại này sẽ được chuyển giao cho Australia năm 2036 và tàu thứ 3 được chuyển giao vào năm 2039.
Nếu Australia cần thêm tàu ngầm lớp Virginia thì Mỹ có thể nghiên cứu để cung cấp tiếp. Trong lúc này, Anh, Mỹ và Australia sẽ chuẩn bị chế tạo tàu ngầm thế hệ mới có tên gọi SSN AUKUS. Tàu ngầm SSN AUKUS do Anh thiết kế và sử dụng công nghệ của Mỹ. Cả Australia và Anh sẽ cùng sản xuất tàu ngầm SSN AUKUS tại mỗi quốc gia. Tàu ngầm tại Anh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối những năm 2030 để cung cấp cho Hải quân Hoàng gia Anh.
Còn tại Australia, tàu ngầm đầu tiên do nước này chế tạo sẽ được cung cấp cho Hải quân Hoàng gia Australia vào năm 2042. Và từ tàu thứ 2 đến tàu thứ 5 sẽ được hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2045 đến 2054. Và từ năm 2057 khi tàu ngầm lớp Virginia hết hạn sử dụng thì cứ mỗi 3 năm, Australia lại sản xuất 1 tàu SSN AUKUS.
Trong trường hợp Australia cần mà chưa sản xuất kịp thì Anh sẽ cung cấp tàu ngầm SSN AUKUS cho Australia.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết, nước này mua tàu ngầm lớp Virginia mua của Mỹ để lấp khoảng trống trong lúc tàu ngầm lớp Collins của nước này hết hạn sử dụng vào những năm 2030. Và đến khi tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS ra đời thì nhiều khả năng tàu này sẽ dần thay thế tàu ngầm Virginia.
Sự chuẩn bị về nguồn nhân lực và hạ tầng
Hiện tại Australia mới chỉ có 900 thủy thủ vận hành đội tàu ngầm gồm 6 chiếc lớp Collines. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành tàu ngầm mới, bắt đầu từ năm nay, Mỹ sẽ cử nhiều tàu ngầm đến căn cứ hải quân HMAS Stirling tại bang Tây Australia. Các tàu ngầm của Anh sẽ tăng cường các chuyến thăm đến Australia từ năm 2026.
Từ năm 2026 đến năm 2027, Mỹ và Anh sẽ luân phiên cử lực lượng đến căn cứ HMAS Stirling tại Tây Australia trong khuôn khổ Lực lượng luân phiên tàu ngầm phía Tây để giúp Australia xây dựng khả năng quản lý hạm đội tàu ngầm mới.
Xưởng đóng tàu ngầm của Australia sẽ được đặt tại vùng Osborn thuộc bang Nam Australia. Và Australia sẽ có 2 căn cứ tàu dành cho hạm đội tàu ngầm mới. Trong đó, một căn cứ được xây dựng dựa trên việc nâng cấp căn cứ HMAS Stirling ở bang Tây Australia và một căn cứ sẽ được đặt tại bờ Đông của nước này song đến nay vẫn chưa khẳng định được địa điểm. Hiện tại dư luận Australia cho rằng nhiều khả năng cảng Kembla ở phía Đông Nam, cách thành phố Sydney khoảng 80km có thể là nơi đặt căn cứ ở bờ Đông cho hạm đội tàu ngầm mới của Australia.
Về nguồn lao động, ban đầu Australia sẽ cần 4000 lao đông để thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng cho xưởng chế tạo tàu ngầm tại bang Nam Australia. Sau đó, trong 20 năm-30 năm tới sẽ cần thêm 4000 đến 5500 lao động tại cơ sở này. Theo dự tính của chính phủ Australia, thỏa thuận tàu ngầm sẽ tạo thêm 20 nghìn việc làm tại nước này.
Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực này, Australia đã cử 50 người sang học các khóa đào tạo đặc biệt tại Anh và Mỹ đồng thời hải quân Australia sẽ cùng hợp tác với chính quyền bang Nam Australia và Tây Australia xây dựng chương trình đào tạo các kỹ năng phù hợp. Đồng thời, Australia cũng sẽ mở các chương trình đào tạo mới tại trường Đại học New South Wales, Đại học Quốc gia Australia và tại trường dạy nghề của nước này.
Để chuẩn bị cho đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng và việc vận hành hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Australia dự tính mỗi năm sẽ chi 0,15% GPD trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch này. Trong đó, chính quyền liên bang sẽ đầu tư 2 tỷ AUD cho bang Nam Australia và 1 tỷ AUD cho bang Tây Australia trong 4 năm tới. Đây là số tiền nằm trong trong khoản 6 tỷ AUD dành cho đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của ngành công nghiệp chế tạo tàu ngầm. Australia cũng sẽ chi 8 tỷ AUD để nâng cấp căn cứ HMAS Stirling tại bang Tây Australia.
Chủ quyền đối với hạm đội tàu ngầm
Đã nhiều lần các nhà lãnh đạo Australia, trong đó có Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định tàu ngầm mới mà nước này trang bị trong thời gian tới sẽ hoàn toàn thuộc chủ quyền của Australia. Và hôm nay điều này một lần nữa đã được Thủ tướng Albanese tái khẳng định.
Thủ tướng Albanese cho biết mặc dù cả 3 nước cùng hợp tác để chế tạo tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS song những tàu ngầm chế tạo tại Australia sẽ hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước này, do Hải quân Hoàng gia Australia chỉ huy và do các công nhân Australia bảo trì tại xưởng đóng tàu ở nước này.
Duy trì cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân
Thỏa thuận trang bị tàu ngầm hạt nhân chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc và sự nghi hoặc từ một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Malaysia. Và một trong những lý do dẫn đến các phản ứng này là lo ngại Australia có thể trang bị vũ khí hạt nhân trên các con tàu này.
Hôm nay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đều khẳng định rất rõ ràng về việc các tàu ngầm này chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Đồng thời các nhà lãnh đạo cũng cam kết tham gia thỏa thuận này Australia sẽ vẫn duy trì là quốc gia không phổ biến vũ khí hạt nhân, không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và luôn thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước Rarotonga về một khu vực Nam Thái Bình Dương không có vũ khí hạt nhân cũng như Thỏa thuận tự vệ Toàn diện và Nghị định thư Bổ sung của Australia với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.
Trong khuôn khổ thỏa thuận trang bị tàu ngầm, Australia cũng sẽ không làm giàu uranium hoặc tái chế nguyên liệu đã qua sử dụng; không tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các tàu ngầm SSN AUKUS của mình.
Anh và Mỹ dự định sẽ cung cấp cho Australia toàn bộ vật liệu hạt nhân và các tổ máy điện hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu trong suốt thời gian sử dụng tàu ngầm. Nhiên liệu hạt nhân mà Australia sử dụng trên các tàu ngầm này cũng không thể được sử dụng để làm vũ khí hạt nhân mà không cần thêm các bước xử lý hóa học, điều mà hiện các cơ sở tại Australia không có năng lực và sẽ không tìm kiếm.
Australia cam kết duy trì tiêu chuẩn chất lượng mà Mỹ và Anh đã duy trì trong nhiều năm để quản lý an toàn công nghệ đẩy hạt nhân trên các tàu ngầm của mình. Là một phần cam kết quản lý hạt nhân của Australia, Australia cũng cam kết quản lý tất cả chất thải phóng xạ được tạo ra thông qua chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm cả nhiên liệu nhân đã qua sử dụng tại Australia.
Anh và Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Australia phát triển khả năng này dựa trên những kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ thực hiện việc quản lý an toàn và bảo mật chất thải phóng xạ. Australia cũng sẽ quản lý những vật liệu này phù hợp với cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế khác.
Thỏa thuận trang bị tàu ngầm mà Australia đạt được với Mỹ và Anh đã giúp nước này nâng cao năng lực và hiện đại hóa lực lượng hải quân, giúp Australia tăng cường khả năng phòng vệ và tự chủ trong hoạt động quốc phòng. Đồng thời, việc chế tạo tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS tại Australia cũng giúp nước này mở ra một ngành công nghiệp mới mang về những lợi ích kinh tế và chiến lược to lớn trong nhiều thập kỷ tới. Đồng thời, thỏa thuận cũng thể hiện lòng tin giữa 3 quốc gia đồng minh gồm Australia, Anh và Mỹ đã được nâng lên thêm một mức mới, tạo điều kiện để 3 nước hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng trong thời gian tới./.