“Kẻ thắng, người thua” nếu Dòng chảy phương Bắc 2 bị “đóng băng” vĩnh viễn
VOV.VN - Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức đang được chú ý trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng về vấn đề Ukraine. Liệu bên nào sẽ là “kẻ thắng” và bên nào sẽ là “người thua” nếu dự án này bị “đóng băng”?
Theo DW, dường như có rất ít mối liên hệ giữa việc Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Nga và lạm phát tại châu Âu tăng cao. Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng cao kỷ lục. Có ý kiến cho rằng đây là động thái Điện Kremlin đang gây ra để làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây đối với Ukraine.
Bối cảnh địa chính trị
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU.
Trong khi đó, cơ quan quản lý năng lượng của Đức đã đình chỉ cấp giấy chứng nhận của dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời cho biết quá trình cấp phép có thể sẽ không được thực hiện cho đến nửa cuối năm 2022.
Tuy nhiên, điều đó cũng không làm giảm bớt lo ngại của Mỹ, Ba Lan và Ukraine rằng Dòng chảy phương Bắc 2 có thể bị Nga lợi dụng vì mục đích chính trị. Mối lo ngại của những nước này chỉ trở nên trầm trọng hơn sau khi dòng khí đốt từ Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua vào hồi tháng 11, đẩy giá bán buôn khí đốt lên khoảng 800 USD/1.000m3, cao hơn nhiều so với mức bình thường khoảng 300 USD/1.000m3.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy ước tính nếu Nga tăng xuất khẩu khí đốt lên 20%, thì nước này sẽ hạ giá khí đốt ở các thị trường Tây Âu xuống 50%.
Trở ngại lớn đối với Đức
Đức phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn khi đang tìm cách chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, Đức cảm thấy bị ràng buộc khi đối mặt với áp lực của Mỹ trong việc sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 làm đòn bẩy để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất từ việc ngừng hoạt động dài hạn của Dòng chảy phương Bắc 2. Đức sẽ không có quyền tiếp cận trực tiếp với khí đốt từ Nga và thậm chí không thể nghĩ đến việc trở thành một trung tâm khí đốt cho khu vực”, chuyên gia Anna Mikulska từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Rice nói.
Đức đã tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ bị đứng ngoài cuộc của Ukraine trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tân Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng, Đức sẽ “làm bất cứ điều gì” để đảm bảo Ukraine vẫn là quốc gia trung chuyển cho xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Vào tháng 7, Berlin đã thuyết phục được chính quyền Tổng thống Biden đồng tài trợ quỹ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine nhằm giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng của nước này. Berlin cũng cam kết sẽ hoàn trả cho Ukraine phí vận chuyển khí đốt mà nước này sẽ mất cho đến năm 2024 khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động.
“Theo quan điểm của tôi, những bên chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu Dòng chảy phương Bắc 2 tạm dừng sẽ là Đức và Áo, nơi đã phải chịu giá khí đốt tăng 25%”, chuyên gia Albrecht Rothacher nói với DW.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại có quan điểm ngược lại.
“Thực tế, Đức sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc Dòng chảy phương Bắc 2 tạm dừng khởi động, vì đường ống dẫn khí này không được thiết kế để mang khí đốt mới đáng kể sang Đức, mà nhằm mục đích vượt qua Ukraine bằng cách đưa khối lượng khí đốt tương tự thông qua Dòng chảy phương Bắc 2”, Benjamin L. Schmitt, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, nói.
Liên minh châu Âu
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Nga rằng hành động tấn công Ukraine sẽ dẫn đến “hậu quả lớn” sau khi các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng có hơn 100.00 binh sĩ Nga đã tập trung gần biên giới Kiev.
Ủy ban châu Âu cho biết, họ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt trước đó sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Hiện vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt sẽ như thế nào. Các quan chức Mỹ đã đề cập đến việc loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
Các chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị hủy bỏ, bởi họ có thể nhận được khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí hiện có.
“Vấn đề hiện nay không phải thiếu đường ống dẫn khí mà do Nga không vận chuyển đủ khí đốt đến châu Âu”, Chris Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, nói.
Mỹ
Vào tháng 5, Mỹ đã quyết định không áp các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Nga giám sát dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
“Tôi nghĩ rằng mục đích của ông Biden là để ngỏ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, với hy vọng rằng sự đe dọa này sẽ ngăn chặn được ý đồ tấn công Ukraine của Nga”, Jeffrey Schott, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Mỹ đã chứng kiến sản lượng khí đốt tăng vọt và giá khí đốt giảm trong những năm gần đây. Ba Lan và Ukraine đều quan tâm đến việc mua khí thiên nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp của Mỹ, nhưng việc này có thể mất nhiều năm trước khi cơ sở hạ tầng sẵn sàng.
Ba Lan và Ukraine
Ba Lan và Ukraine hiện kiếm được nguồn thu từ phí vận chuyển mà tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga trả để xuất khẩu khí đốt đến Tây Âu.
“Trong tất cả các bên liên quan, nếu Dòng chảy phương Bắc 2 bị dừng hoạt động, nước chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là Nga. Nếu ngừng hoạt động dự án này, Gazprom sẽ phải tiếp tục dựa vào hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine để cung cấp khí đốt cho thị trường EU”, chuyên gia Schmitt cho biết.
Trong khi đó, Ba Lan đã chuyển sang tìm kiếm các nguồn khí đốt mới, ký kết các thỏa thuận với Na Uy, Qatar và Mỹ, xây dựng các cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Baltic, đồng thời có tham vọng trở thành một trung tâm khí đốt trong khu vực.
“Ba Lan sẽ sẵn lòng đảm nhận vị trí trung tâm khí đốt của khu vực sau khi tất cả cơ sở hạ tầng của nước này được hoàn thiện”, bà Mikulska nói.
Nga
Tổng thống Putin phủ nhận việc sử dụng năng lượng làm vũ khí, dù ông đã nói rõ rằng cách duy nhất để Nga có thể tăng sản lượng khí đốt sang châu Âu là Đức phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2.
“Dòng chảy phương Bắc 2 không đặc biệt quan trọng đối với chính phủ Nga trong việc cung cấp tài chính, vì ngay cả khi dự án này không hoạt động, Nga vẫn có thể gửi khí đốt đến châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí khác”, chuyên gia Miller giải thích.
Tuy nhiên, Nga sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu Dòng chảy phương Bắc 2 bị hủy bỏ. “Đây sẽ là một thất bại chính trị đối với Điện Kremlin, dù nó sẽ không khiến Nga thiệt hại nhiều về mặt tài chính”, ông Miller nói thêm./.