Kết nạp Phần Lan giúp NATO cô lập “tàu sân bay không thể chìm” của Nga
VOV.VN - Một số nhà quan sát cho rằng việc NATO kết nạp Phần Lan và tương lai là Thụy Điển sẽ giúp liên minh này ngày càng cô lập Kaliningrad - "tàu sân bay không thể chìm" của Nga.
Ngày 4/4, Phần Lan chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh, mở rộng biên giới trên đất liền giữa NATO và Nga từ 1.200km lên hơn 2.500km, đồng thời đưa lãnh thổ NATO tiến gần hơn các căn cứ quân sự và thành phố quan trọng của Nga, cũng như ngày càng cô lập Kaliningrad - một vùng đất quan trọng của Nga ở Biển Baltic.
Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Litva, là nơi đặt cảng Baltiysk - cảng duy nhất của Nga ở Baltic không bị đóng băng vào mùa đông.
Kaliningrad cũng giáp biên giới với Hành lang Suwalki - một hành lang kéo dài gần 100km nối Ba Lan với các nước vùng Baltic. Hành lang Suwalki được coi là vị trí dễ tổn thương của NATO và có thể là mục tiêu đầu nếu cuộc xung đột với Nga nổ ra.
Bên cạnh đó, Kaliningrad là một tiền đồn quân sự lớn, nơi đặt Hạm đội Baltic của Nga và các lực lượng khác. Nơi này còn được gọi là "tàu sân bay không thể chìm" của Nga, cho phép Moscow thiết lập ảnh hưởng sâu trong lãnh thổ của các nước NATO và EU.
Trong những năm gần đây, Nga đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng ở Kaliningrad. Khu vực này đã được củng cố từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với lữ đoàn bảo vệ đã nâng cấp lên thành sư đoàn vào năm 2020. Tuy nhiên, một số đơn vị của Hạm đội Baltic đã được tái triển khai tới Ukraine sau khi xung đột nổ ra.
Hạm đội Baltic của Nga có căn cứ tại Baltiysk, bao gồm nhiều tàu chiến, trong đó chủ yếu là tàu hộ vệ nhẹ cùng với một số tàu hỗ trợ, các đơn vị bọc thép, bộ binh cùng với các lực lượng phòng không. Nga cũng lưu trữ một số vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Kaliningrad, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập tấn công tên lửa theo quy ước và tên lửa chiến thuật từ khu vực này.
"Một điều có thể khẳng định là Kaliningrad giống như một pháo đài ngay giữa Baltic với nhiều tên lửa hành trình và vũ khí. Do đó nó vẫn đang gây ra mối đe dọa", Steven Wills, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân cho hay.
Mặc dù vị trí có giá trị chiến lược cao của Kaliningrad đồng nghĩa với việc các lực lượng của Nga có thể đe dọa các nước NATO láng giềng nhưng khu vực này cũng là một vị trí dễ tổn thương của Nga, nhà nghiên cứu Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân đánh giá.
Kaliningrad được bao quanh bởi các thành viên NATO khiến cho nó dễ bị chia cắt với lục địa Nga nếu xung đột nổ ra. Ở phía Bắc của Kaliningrad là Litva và các nước vùng Baltic với các đội quân nhỏ tập trung vào các chiến dịch phòng thủ nhưng ở phía Nam, Ba Lan là một trong những nước sở hữu đội quân mạnh nhất NATO.
St. Petersburg - một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga, kết nối với Biển Baltic qua Vịnh Phần Lan - một tuyến đường biển hẹp giáp với Phần Lan ở phía Bắc và Estonia ở phía Nam.
Với việc Phần Lan - một quốc gia có số lượng tài sản quân sự đáng kể gia nhập NATO, vùng vịnh trên sẽ trở thành vị trí án ngữ nếu xung đột Nga - NATO nổ ra, hạn chế việc đi lại trên biển của Nga và gây khó cho những nỗ lực bổ sung hậu cần hoặc tăng cường lực ở Kaliningrad bằng đường biển.
Việc kết nạp Thụy Điển vào NATO trong tương lai sẽ ngày càng cô lập Kaliningrad và thậm chí theo một số nhà quan sát, điều này sẽ biến Biển Baltic thành "hồ của NATO".
Bên cạnh đó, việc NATO kiểm soát Eo biển Đan Mạch - nối Baltic với Đại Tây Dương và giáp với Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, sẽ cho phép liên minh này hạn chế việc di chuyển trên biển của Hạm đội Baltic.
Sự kiểm soát của NATO ở vùng Baltic cũng khiến Hạm đội phương Bắc của Nga tại Bán đảo Kola ở Bắc Cực gặp khó khăn khi yểm trợ cho Kaliningrad mặc dù Hạm đội phương Bắc có các máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa có thể tấn công các lực lượng của NATO.
Dù vậy, trên thực tế, Nga và NATO đều hiểu rõ về mức độ dễ tổn thương của Kaliningrad và cả hai đều coi nơi này giống như một pháo đài "bất khả xâm phạm" ở Baltic./.