Kết nối G7-ASEAN khẳng định tầm quan trọng của châu Á- Thái Bình Dương
VOV.VN - Với tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị của ASEAN, các ngoại trưởng khối này đã được mời dự hội nghị ngoại trưởng G7.
Ý nghĩa Ngoại trưởng ASEAN lần đầu dự Hội nghị Ngoại trưởng G7
Việc G7 mời Ngoại trưởng các nước ASEAN lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng của nhóm G7 có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, việc này cho thấy vai trò ngày càng lớn hơn của ASEAN trên trường quốc tế, cả về sức mạnh kinh tế lẫn ảnh hưởng địa chính trị. ASEAN không chỉ là tập hợp của những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất trong nhiều năm qua mà còn được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới trong tương lai. Với dân số gần 700 triệu người và tổng GDP hiện khoảng trên 2.500 tỷ USD, ASEAN là một thị trường rộng lớn cực kỳ nhiều tiềm năng. Tầm quan trọng của ASEAN càng được củng cố rõ hơn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 bởi sau đợt đại dịch này, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã nhìn thấy nhu cầu cấp bách của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 đối tác và ASEAN đáp ứng rất tốt nhu cầu đó, nhờ lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng cao, các nền kinh tế đa số đều có độ mở rất lớn, cũng như vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm giao thương của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn. Do đó, về mặt kinh tế, vai trò của ASEAN vốn đã được đánh giá rất cao từ nhiều năm qua, càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hậu đại dịch, khi các nước bắt đầu phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng chiến lược.
Tuy nhiên, bản chất của việc G7, hay chính xác hơn là Mỹ và nước chủ nhà Anh, đặc biệt coi trọng ASEAN vào thời điểm này là nguyên nhân địa chính trị. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh-đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt, ASEAN được coi như là “chiến trường” để hai bên giành giật ảnh hưởng. Ở đây chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng các nước ASEAN đang ở trong một giai đoạn vô cùng nhạy cảm, khi phải thực hiện sự cân bằng chính sách một cách hết sức thận trọng, tránh việc rơi vào tình thế bắt buộc phải chọn phe. Phương châm của ASEAN từ trước đến nay luôn là trung lập, đồng thuận, hướng đến hợp tác, duy trì hòa bình và sự phát triển của các nước thành viên nhưng bối cảnh địa chính trị mới của thế kỷ 21 ngày càng phức tạp, việc duy trì được vị thế này ngày càng đòi hỏi nhiều thách thức. Các nước G7, mà Mỹ-Anh hiện đang tích cực nhất, muốn cải thiện quan hệ với ASEAN để phục vụ các mục tiêu địa chính trị lớn hơn của các nước này. Ngoài ra, các nước như Mỹ hay Anh cũng cảm thấy cần có các động tác trao đổi, xoa dịu các nước ASEAN về việc ra đời liên minh an ninh AUKUS, dẫn đến việc trang bị cho Australia, một nước láng giềng cận kề của ASEAN, các tàu ngầm mang động cơ hạt nhân. Tuy cho đến nay các nước ASEAN đều phản ứng khá tín tiếng về sự kiện này nhưng chắc chắn sẽ có những lo lắng nhất định trong nội bộ ASEAN về nguy cơ chạy đua vũ trang cũng như nguy cơ gia tăng bất ổn, xung đột. Do đó, Hội nghị Ngoại trưởng G7-ASEAN lần này chắc chắn chỉ là bước đi đầu tiên để G7 gia tăng cam kết để có được sự ủng hộ của ASEAN.
Ngay sau Hội nghị Ngoại trưởng G7-ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng đã công du Đông Nam Á và dự kiến, đầu năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ mời các lãnh đạo ASEAN họp Thượng đỉnh tại Mỹ. Đây đều là các dấu hiệu rất rõ ràng cho những sự vận động rất phức tạp và khó lường của môi trường địa chính trị khu vực trong những năm tới mà ASEAN, với vai trò ngày càng quan trọng của mình trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẽ phải xử lý hết sức khéo léo.
Anh tìm kiếm tự chủ chiến lược tách biệt với EU tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương
Từ sau khi thực thi Brexit rời bỏ EU, nước Anh đã đề ra chiến lược “Nước Anh toàn cầu” – “Global Britain”, với mục tiêu là đi xây dựng các mối quan hệ chiến lược trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy trao đổi thương mại, gây dựng lại vị trí nước Anh như một cường quốc có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, chứ không chỉ trong khu vực châu Âu như trước kia. Điều này đã thể hiện rất rõ ràng thông qua các hành động của nước Anh từ 1-2 năm qua, như việc mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi dự Thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng 06/2021; thực thi chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương quyết liệt hơn bằng cách gửi đội tàu sân bay sang khu vực, đồng thời nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, dù nước Anh hoàn toàn không có sự gắn kết về địa lý với khu vực Thái Bình Dương. Cách đây vài tuần, nước Anh cũng đã công bố các sáng kiến đáng chú ý khác, như quỹ “Đầu tư quốc tế Anh quốc” (BII) với mục tiêu huy động khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ tại các nước đang phát triển trên khắp thế giới, với ý định cạnh tranh rất rõ ràng với sáng kiến “Vành đai-Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Cùng lúc này, quan hệ giữa Anh và EU nói chung và một số nước, như Pháp, tiếp tục xấu đi đáng kể từ sau Brexit. Trong vòng vài tháng sau khi thảo thuận hậu Brexit có hiệu lực, phía Anh đã lên tiếng yêu cầu đòi điều chỉnh lại điều khoản về Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit, rồi căng thẳng nghề cá với Pháp, rạn nứt quan hệ với Pháp và EU trong vụ tàu ngầm Australia và liên minh an ninh AUKUS, và mới đây nhất là tranh cãi ngoại giao sau vụ người di cư thiệt mạng trên biển Manche.
Vào thời điểm này có thể nói là nước Anh đang thể hiện rằng quá khứ với EU đã hoàn toàn bị bỏ lại phía sau và nước Anh giờ đây đang tìm kiếm một tầm vóc toàn cầu, qua đó chứng minh rằng Brexit không phải là lựa chọn sai lầm.
Các góc độ tăng cường kết nối G7-ASEAN
G7 là tập hợp của những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, hiện vẫn chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu. Trong số các nước G7 có Nhật Bản ở khu vực châu Á vốn từ nhiều năm qua đã là một đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của hầu hết các nước ASEAN. Do đó, sự kết nối giữa G7 và ASEAN có các điều kiện thuận lợi để thành công. Đầu tiên, như đã phân tích ở trên, ASEAN là lựa chọn lý tưởng để các nước G7 đa dạng hóa chuỗi cung ứng chiến lược, để tránh bị tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác. Tiếp đến, một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác rất cao là cơ sở hạ tầng. Tại Thượng đỉnh G7 vào tháng 06/2021 tại Anh, G7 đã công bố chiến lược “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), với dự kiến huy động tổng cộng khoảng 40.000 tỷ USD trong nhiều năm tới để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ, quản trị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, minh bạch tài chính. Chiến lược này sẽ vô cùng hữu ích với ASEAN bởi đa số các nước thành viên ASEAN đều là các nước đang phát triển, rất cần nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến. Do đó, hợp tác G7-ASEAN có thể tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư, tài trợ phát triển năng lượng sạch và tái tạo nhằm đảm bảo thực hiện đúng các cam kết của các nước ASEAN về giảm khí thải các-bon.
Ngay trước mắt, lĩnh vực y tế cũng sẽ là ưu tiên hợp tác mà G7 có thể đẩy mạnh cùng ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Trong thời gian qua, G7 đã cam kết tài trợ vaccine cho nhiều nước ASEAN nhưng về lâu dài, G7 có thể chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, lập các trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực Đông Nam Á, tăng cường hợp tác giữa các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh do Đông Nam Á là khu vực có mức độ đa dạng sinh học thuộc dạng cao nhất thế giới nên cũng là nơi cần có sự lưu ý đặc biệt về kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh từ nguồn gốc hoang dã.
Về mặt chính trị, G7 và ASEAN cũng có thể tăng cường đối thoại, tham vấn khi cả hai bên hiện nay đều tuyên bố theo đuổi mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không cũng như ủng hộ việc đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.