"Cần tính toán để cầu Long Biên chỉ là di sản, không phục vụ mục đích giao thông"
VOV.VN - Hiện nay cầu Long Biên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm tới việc tu bổ, bảo tồn công mang giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt này.
Mới đây, khi đang di chuyển trên cầu Long Biên hướng từ đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang Long Biên, nhiều người đi hưởng hốt hoảng dừng lại khi thấy mặt cầu xuất hiện một lỗ thủng dài khoảng 1,2 mét, rộng 1,6 mét.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên) xác nhận có sự sụt lún tấm đan mặt cầu thuộc nhịp cầu số 6. Ngay khi nhận được thông tin, công ty đã mang tấm bê tông đến để lấp phần bị thủng.
Cầu Long Biên với hơn 120 năm tuổi được biết đến như một biểu tượng của Hà Nội, một chứng nhân lịch sử chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô. Dù được xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ, sự xuống cấp ngày càng thấy rõ, nhưng hàng ngày, cây cầu này vẫn phải oằn mình đưa hàng ngàn lượt người qua sông. Việc bảo tồn cây cầu mang giá trị lịch sử này sao cho hài hòa với nhu cầu giao thông hiện tại là bài toán đặt ra cho Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy biên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, câu chuyện của các di sản văn hóa đô thị luôn nhạy cảm và khó giải quyết trong xã hội đang phát triển. Các di sản văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu giữ những ký ức của lịch sử, trên nền tảng đỏ, cũng sẽ tạo ra tài sản, giá trị cho xã hội hiện tại, do đó cần bảo tồn và phát huy. Song cũng cần tháo gỡ những mâu thuẫn, đảm bảo hài hòa giữa việc giữ gìn di sản với đảm bảo cuộc sống của những người liên quan đến di tích.
Với trường hợp cụ thể của cầu Long Biên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, chắc chắn phải bảo tồn di sản, nhưng việc đảm bảo giao thông đi lại cho người dân giữa hai đầu cầu cũng rất quan trọng.
“Hiện nay áp lực giao thông của Hà Nội rất lớn, chúng ta vẫn chưa có giải pháp thay thế, thì cần dung hòa giữa chuyện bảo tồn di tích và đảm bảo giao thông cho khu vực. Nhưng cần nghĩ đến những phương án bảo tồn mang tính lâu dài, có ý nghĩa thiết thực hơn, làm sao giữ gìn di sản tốt hơn. Như vậy, về lâu dài, cần tính toán để cầu Long Biên chỉ là di sản, không phục vụ mục đích giao thông nhằm giữ sự trường tồn cho cây cầu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến.
Nhấn mạnh lại rằng cần xác định di sản là vô cùng quan trọng với một đô thị hay cả đất nước, song bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, nếu bảo tồn di sản thái quá, không đúng mức, không nghĩ đến những người đang sống là một điều không phù hợp. Theo từng bối cảnh và từng giai đoạn, thì cần có tính toán phù hợp.
Thực tế, việc bảo tồn, tu bổ, sửa chữa cầu Long Biên vẫn diễn ra thường xuyên nhiều năm nay, song cũng có ý kiến cho rằng, quá trình này còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, bảo tồn toàn vẹn di sản, phục vụ nhiều mục đích khác nhau luôn là mong muốn hàng đầu, song cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực có đủ hay không.
Chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn di tích cầu Long Biên không nên quá máy móc, bảo tồn ngay một lúc, thay vào đó tùy thuộc vào mục đích sử dụng có thể tạo ra sự linh hoạt, vừa giữ gìn quá khứ, vừa đảm bảo lợi ích cho cuộc sống hiện tại.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội đang có kế hoạch phát triển, trong đó có việc phát triển giao thông như đường vành đai 4. Tuy nhiên, cần nhận định rằng, không gian trung tâm của thủ đô vẫn là nơi có bề dày lịch sử, có ý nghĩa quan trọng. Cầu Long Biên có kiến trúc đặc trưng, gắn liền với sông Hồng, mang văn hóa, văn minh Hà Nội. Việc gìn giữ, tôn tạo cầu Long Biên sẽ trở thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Hiện nay, cây cầu lịch sử này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người đi lại, do vậy, trong định hướng phát triển của Thủ đô trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm tới việc tu bổ, bảo tồn công trình này.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong ngân sách của Thủ đô nên dành một phần thỏa đáng cho việc tôn tạo, lưu giữ cầu Long Biên vì công trình này không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn vô giá về lịch sử, văn hóa, là điểm nhấn quan trọng của thủ đô, cần gìn giữ cho thế hệ mai sau./.