Khó khăn bủa vây Ukraine, phương Tây có chấp nhận mở lối thoát hiểm?
VOV.VN - Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã nước sang năm thứ ba, Kiev đang chật vật chống đỡ những đòn tấn công mạnh mẽ từ phía Moscow trong tình trạng thiếu hụt vũ khí trầm trọng. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, vẫn còn hi vọng cho Ukraine trong việc tiến hành một đợt phản công mới vào năm 2025 nếu phương Tây chấp nhận mở lối thoát hiểm.
Thế khó của Ukraine
Tổng thống Volodymyr Zelensky đang có chuyến thăm Mỹ trong tuần này, trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với giai đoạn quan trọng trong cuộc xung đột với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ kết thúc chuyến thăm bằng cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày 26/9 tới.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố tuần trước, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong những tháng gần đây đã phá hủy khoảng 9 gigawatt công suất phát điện – khoảng một nửa công suất điện mà Ukraine cần cho mùa đông năm nay. Kiev có thể sẽ phải cắt điện từ 4 đến 18 giờ một ngày trong khoảng thời gian này.
Ukraine cũng phải đối mặt với một viễn cảnh không mấy khả quan: quân đội Nga hiện đang áp sát thành phố Pokrovsk - trung tâm hậu cần chính hỗ trợ cho mọi hoạt động quân sự của Ukraine ở miền đông nước này. Pokrovsk thất thủ sẽ giáng một đòn nghiêm trọng lên hàng phòng thủ của Kiev trong khu vực, đồng thời mở đường cho các lực lượng Nga chiếm toàn bộ Donbas.
Đầu tháng 8 vừa qua, Ukraine đã tiến hành một chiến dịch nghi binh bằng cách tấn công tỉnh Kursk của Nga. Các lực lượng Ukraine nhanh chóng kiểm soát khoảng 1.290 m2 lãnh thổ Nga. Hơn một tháng sau đó, Nga mở một cuộc phản công lớn nhằm đẩy lùi quân đội Kiev về bên kia biên giới nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Dù cuộc tấn công Kursk đã nâng cao tinh thần của người Ukraine và các đồng minh phương Tây, song cho đến nay vẫn chưa đủ sức làm chậm bước tiến của Nga đến Pokrovsk.
Trong khi Ukraine vẫn chật vật với nguồn viện trợ từ nước ngoài, Nga không từ bỏ thời cơ tiến xa hơn trên chiến trường. Bị bao vây tứ bề bằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Moscow vẫn tìm ra lối thoát bằng cách bắt tay với Triều Tiên, Iran và Trung Quốc. Gần đây, có nguồn tin cho biết Iran đã chuyển giao hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga.
Cùng với sức ép từ Nga, Ukraine cũng phải đối mặt với khả năng bị cắt giảm viện trợ từ nước ngoài. Đức - nhà tài trợ lớn nhất ở châu Âu của Ukraine - đã ra tín hiệu rằng họ có kế hoạch cắt giảm viện trợ vào năm 2026, buộc Ukraine phải dựa vào khoản vay 39 tỷ USD từ Liên minh châu Âu. Ukraine đang hy vọng sẽ nhận thêm khoảng 20 tỷ đến 25 tỷ USD từ một khoản vay khác của Mỹ.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Quốc hội Mỹ mới thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4. Số tiền đó sẽ cạn kiệt vào cuối năm và không có gì đảm bảo Washington sẽ phê duyệt một gói viện trợ lớn khác. Kiev cũng ở trong tình thế bấp bênh nếu Nhà Trắng đổi chủ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến việc sẽ ngừng rót vốn cho Ukraine nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Ukraine chưa đi vào ngõ cụt
Tình hình của Ukraine, mặc dù khó khăn, nhưng không phải là vô vọng. Dù một số tán thành giải pháp đàm phán kết thúc xung đột nhưng hầu hết người Ukraine vẫn ủng hộ một nỗ lực quân sự nhằm đẩy lùi quân Nga về bên kia biên giới.
Trong bối cảnh chiến sự trên bộ gặp nhiều bế tắc, Ukraine đã tận dụng phi đội máy bay không người lái (UAV) để giành thêm lợi thế trên Biển Đen cũng như tấn công vào các kho đạn dược Nga cách xa hàng trăm km. Các đơn vị Ukraine ở tiền tuyến bị suy yếu nghiêm trọng do giao tranh liên tục nhưng kể từ khi thông qua luật dự thảo mới vào mùa xuân, Ukraine được cho là đã tuyển dụng 30.000 quân mỗi tháng – gần bằng quân số của Nga.
Hơn 50 quốc gia đã cung cấp viện trợ và các quốc gia tài trợ đã liên tục tăng cường sản xuất đạn dược dành cho Kiev. Mỹ đang trên đà sản xuất 70.000 đến 80.000 viên đạn pháo 155mm mỗi tháng vào đầu năm 2025, tăng hơn 4 lần công suất hồi năm 2022. Theo các nhà quan sát, các đồng minh của Ukraine đã thành lập "liên minh năng lực" để tăng cường các năng lực cụ thể: sức mạnh không quân, phòng không, pháo binh, an ninh hàng hải, thiết giáp, công nghệ thông tin, rà phá bom mìn và máy bay không người lái. Gần đây, Hà Lan và Đan Mạch chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine – một loại vũ khí mà Tổng thống Zelensky hi vong sẽ giúp thay đổi “cục diện chiến sự trên không”.
Tình hình chính trị ở phương Tây cũng có thể thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. Bà Kamala Harris – người tiếp đuốc được cho là sẽ kế thừa chính sách đối ngoại hiện thời của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, hiện vẫn thường dẫn trước đối thủ Trump trong các cuộc thăm dò dư luận. Nếu bà Harris giành chiến thắng vào tháng 11, Điện Kremlin sẽ phải tính đến khả năng Ukraine sẽ tiếp tục nhận thêm viện trợ từ Mỹ trong ít nhất 4 năm tới.
Đâu là lối thoát dành cho Ukraine?
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Ukraine là cần thêm nhiều hệ thống phòng không hơn để bảo vệ quân đội, cơ sở hạ tầng và các trung tâm dân cư của Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố vào mùa hè này rằng họ sẽ ưu tiên các hệ thống phòng không cho Ukraine - đặc biệt là Patriot và tên lửa đánh chặn NASAMS - hơn là nhu cầu của các đồng minh khác của Mỹ. Trong khi đó, Romania gần đây đã đồng ý chuyển giao một trong những hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine.
Theo chuyên gia nghiên cứu quân sự Max Boot của The New Zealand Herald, các đồng minh của Ukraine cũng cần nhanh chóng cung cấp thêm thiết bị để sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng và xây dựng công sự; các xe ủi đất bọc thép như Caterpillar D9 sẽ đặc biệt hữu ích.
Để giúp Ukraine tự lực hơn, các nhà tài trợ nước ngoài nên đầu tư nhiều hơn vào việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Vào tháng 7, Northrop Grumman đã trở thành công ty đầu tiên của Mỹ ký kết thỏa thuận sản xuất đạn dược – cụ thể là đạn cỡ trung – tại Ukraine.
Yêu cầu gây tranh cãi nhất của Ukraine – điều mà Tổng thống Zelensky chắc chắn sẽ nhắc lại trong cuộc họp tại Nhà Trắng trong tuần này là buộc Mỹ cho phép sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga. Ông Biden đã cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất (có tầm bắn khoảng 305km) nhưng cho đến nay, nước này vẫn từ chối yêu cầu mở rộng phạm vi tấn công của Kiev.
Sự thận trọng của Mỹ là có lý do. Washington đang lo sợ Nga có những phản ứng mạnh mẽ hơn làm leo thang xung đột nếu Ukraine có được cái gật đầu từ ông Biden. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng, một số lượng tên lửa ATACMS hạn chế sẽ không tạo nên nhiều sự khác biệt tại một vùng lãnh thổ rộng lớn như Nga.
Tuy nhiên, ông Max Boot lại cho rằng, dù ATACMS không phải là vũ khí đột phá nhưng chúng có thể phát huy tác dụng khi được sử dụng để tấn công vào các căn cứ không quân, căn cứ quân đội, kho đạn dược, điểm nghẽn hậu cần và các mục tiêu quan trọng khác, từ đó làm giảm số lượng vũ khí Nga triển khai trên tiền tuyến nhằm chống lại Ukraine. Một động thái “phá rào” từ Mỹ có thể giúp Kiev tiếp tục duy trì thế giằng co với Nga trên chiến trường cho đến khi ngồi vào bàn đàm phán.
Hơn thế nữa, với sự hỗ trợ nhiều hơn của phương Tây và nỗ lực của Ukraine trong việc huy động thêm quân lực, mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng và xây dựng các công sự, Ukraine có thể tạo ra các cơ hội phản công mới vào năm 2025.
“Những tháng khó khăn vẫn còn ở phía trước trong khi Ukraine đang chật vật để giữ vững tiền tuyến và xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu phương Tây có chùn bước trong cuộc xung đột này hay không? Bởi Ukraine, quốc gia đang trực tiếp tham chiến với Nga, chắc chắn sẽ không làm như vậy”, ông Boot nói.