Không ngại gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ quyết vào Biển Đông
VOV.VN- Việc Mỹ sắp đưa tàu hoặc máy bay chiến đấu tuần tra gần các đảo bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm sóng gió.
Sẽ tiến hành nhưng khó thường xuyên
Reuters dẫn lời các chuyên gia an ninh khẳng định, việc tuần tra mà Mỹ tuyên bố “nhằm bảo vệ tự do hàng hải” sẽ phải tiến hành thương xuyên và liên tục mới có thể có hiệu quả trong bối cảnh Trung Quốc đang có tham vọng áp đặt quyền lực của mình trên Biển Đông và xa hơn nữa.
Các tàu chiến của Mỹ sẵn sàng được điều đến gần các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh Hải quân Mỹ |
“Việc này không thể làm một lần rồi thôi”, ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore nhận định: “Hải quân Mỹ cần phải tiến hành tuần tra thường xuyên mới có thể truyền tải mạnh mẽ thông điệp của mình”.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội trước hành động tuần tra thường xuyên của Mỹ và khiến quan hệ chính trị và quân sự của hai bên trở nên cực kỳ căng thẳng. Theo đó, Hải quân Trung Quốc có thể tìm cách ngăn chặn, hoặc thậm chí bao vây tàu của Mỹ.
Ngoài ra, việc giới chức Washington phải mất vài tháng trời tranh cãi gay gắt mới có thể đưa ra quyết định tiến hành các cuộc tuần tra như trên, các chuyên gia an ninh trong khu vực và nhiều cựu quan chức Hải quân Mỹ cho rằng, Chính phủ Mỹ sẽ khó có thể thực hiện các cuộc tuần tra này một cách thường xuyên.
Hơn thế nữa, các đồng minh của Mỹ như Australia và Nhật Bản sẽ khó có thể “theo gương” Mỹ mà thách thức trực tiếp Trung Quốc dù họ chia sẻ mối lo chung với Mỹ về việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông- tuyến đường giao thương trên biển có ý nghĩa chiến lược đối với thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ khẳng định, họ đã sẵn sàng thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sau hàng tháng trời chịu áp lực từ Quốc hội và quân đội.
“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ thực hiện việc này”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh sẽ “không bao giờ cho phép các nước vi phạm lãnh hải và không phận của mình trên quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mình có chủ quyền) dưới chiêu bài bảo vệ tự do hàng không và hàng hải”.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), lãnh hải 12 hải lý sẽ không được xác lập dựa trên các đảo nhân tạo được cải tạo từ các bãi đá ngầm.
Trong khi đó, có tới 4 trong tổng số 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cải tạo là các bãi đã ngầm.
Mỹ không muốn bị Trung Quốc “bịt lối vào” Biển Đông
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, việc tuần tra của Mỹ có thể sẽ phải diễn ra thường xuyên bởi Hải quân Mỹ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc không thể “ngăn chặn hoàn toàn” các tàu Mỹ ra, vào Biển Đông.
“Tôi biết, Mỹ sẽ không muốn kết cục này xảy ra. Không ai muốn Trung Quốc có thể tạo ra vùng cấm đi lại và thiết lâp vùng lãnh hải vốn không thuộc chủ quyền của họ”, bà Glaser nói.
Bà Glaser cho biết, bà tin rằng, Trung Quốc sẽ phải dè chừng không dám ngăn chặn các tàu của Mỹ dù hai bên từng xảy ra “đối đầu” trong quá khứ.
Đô đốc Hải quân Mỹ Harris trình bày về hoạt động cải tạo các bãi đá phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh AP |
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Myles Caggins đã từ chối đưa ra lời bình luận trực tiếp khi được hỏi liệu việc Mỹ tuần tra ở Biển Đông mang nhiều ý nghĩa tượng trưng hơn là hành động cụ thể.
Thay vào đó, ông tuyên bố, những gì Mỹ muốn làm được thể hiện rõ trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9 vừa qua, đó là “Mỹ sẽ tiếp tục đi lại và hoạt động tại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Bất chấp những tuyên bố của ông Tập Cận Bình cũng tại cuộc gặp đó rằng, các đảo nhân tạo sẽ không bị quân sự hóa, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc là trong tâm trong việc bảo vệ các tàu ngầm đang đồn trú ở phía Nam đảo Hải Nam của nước này. Các tàu ngầm này có thể sẽ sớm được trang bị vũ khí hạt nhân nhằm tăng cường khả năng răn đe bằng hạt nhân của Trung Quốc.
Kịch bản đối đầu Mỹ- Trung cực kỳ nguy hiểm
Ông Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan cho biết, ông sợ rằng sẽ xảy ra “sự leo thang nguy hiểm” giữa Mỹ và Trung Quốc với việc Trung Quốc sẽ phản ứng với bất kỳ cuộc tuần tra thường xuyên nào của Mỹ.
Theo ông Zhang, thay vì coi đó là hành động đảm bảo tự do hàng hải, Bắc Kinh cho rằng đó là hành động của một trong những siêu cường đối địch với mình.
“Tất cả chỉ nhằm khẳng định sức mạnh của Trung Quốc và điều này khiến tình hình rất khó lường”, ông Zhang nói. Trung Quốc chưa bao giờ công khai tuyên bố thiết lập lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nói trên, chính vì thế, việc Mỹ định đưa tàu vào sát khu vực này có vẻ là quá sớm”.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP |
Ông Sam Bateman, một cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học S. Rajaratnam và là cựu quan chức hải quân Australia cũng thừa nhận Trung Quốc chưa bao giờ chính thức xác lập chủ quyền đối với các đỏa nói trên và cho rằng, hành động của Mỹ có thể khiến Trung Quốc lo ngại vì bị Mỹ dồn ép quá mức ở Biển Đông.
“Nguy cơ xảy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là có thật và nhiều khả năng Mỹ sẽ phải nhượng bộ”, ông Bateman tuyên bố và kêu gọi tìm ra một giải pháp ngoại giao cho việc này.
Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng cảnh báo: “Tôi không chắc mọi chuyện cuối cùng sẽ đi đến đâu”./.