Khủng bố kinh hoàng ở Paris cho thấy IS đã thay đổi chiến lược
VOV.VN - Sự thay đổi này của IS cũng cho thấy nguy hiểm đang gia tăng đối với dân thường ở châu Âu và Mỹ.
IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về một loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris ngày 13/11 vừa qua và nếu đó là sự thật thì đây sẽ là sự thay đổi đáng kể về chiến lược của tổ chức này.
Từ trước tới nay, IS được cho là chỉ tập trung vào việc xây dựng một Caliphate tại những vùng đất mà chúng chiếm được ở Iraq và Syria hơn là nhắm trực tiếp vào các mục tiêu phương Tây.
Các nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ khủng bố tại Nhà hát Bataclan, Paris. Ảnh: Reuters |
Chuyển khủng bố vào trong lòng các quốc gia phương Tây
Theo Wall Street Journal, sự thay đổi này cũng cho thấy nguy hiểm đang gia tăng đối với dân thường ở châu Âu và Mỹ - những quốc gia “thập tự chinh” đều trong tầm ngắm của IS. Nguy hiểm hơn, không giống như al-Qaeda lựa chọn mục tiêu tấn công, IS có thể coi bất cứ công dân phương Tây nào đều là “con mồi” của mình.
Vụ thảm sát Paris diễn ra khi IS đang có những thất bại trên chiến trường tại Syria và Iraq trước người Kurd. Hơn thế, IS cũng đang phải phải hứng chịu những đợt không kích liên tiếp từ liên minh do Mỹ dẫn đầu và từ chiến dịch không kích của Nga tại Syria.
"Nhà nước Hồi giáo đang phải lui về phòng thủ và do đó nó chuyển hướng sang hoạt động khủng bố, đặc biệt là ở châu Âu bởi đây là khu vực các phần tử thánh chiến IS có thể dễ dàng xâm nhập.
Ngoài ra, với việc tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, IS muốn mọi người phải nhắc đến chúng với tư cách là nhóm khủng bố dám làm bất kỳ điều gì”, bà Camille Grand - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chính sách, chuyên nghiên cứu về quốc phòng và an ninh có trụ sở tại Paris cho biết.
Mặc dù vụ thảm sát tại Paris vừa qua không phải là hành động khủng bố đầu tiên ở các nước phương Tây mà IS nhận trách nhiệm, tuy nhiên cho đến nay nó là vụ tấn công đẫm máu nhất và tinh vi nhất.
Trước đó, hầu hết các cuộc tấn công mà IS thực hiện ở các nước phương Tây như cuộc tấn công vào một siêu thị ở ngoại ô Paris vào tháng 1/2015 hay vụ bắt giữ con tin tại một quán cà phê ở Sydney tháng 12/2014 được cho là do các phần tử có cảm tình với IS tiến hành chứ không phải là những hành động theo lệnh trực tiếp từ IS.
An ninh đang được thắt chặt tại nhiều nước phương Tây nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố từ IS. Ảnh: AFP |
Khó ngăn chặn các vụ khủng bố do IS thực hiện?
"Nếu điều này [vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11] do trung tâm đầu não của IS chỉ đạo thì nó cho thấy sự thay đổi lớn trong chiến lược của IS. Thay vì tập trung xây dựng một Caliphate, chúng đã chuyển sang quyết định rằng sẽ trừng phạt bất cứ ai ngăn cản sự bành trướng của mình", ông William McCants, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan tại Viện Brookings cho biết.
Tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công tại Paris, nhưng IS không nêu tên những kẻ tham gia tấn công hay đưa ra những video làm bằng chứng như chúng thường làm sau các vụ đánh bom ở Trung Đông. Tuy nhiên các chuyên gia về khủng bố tin rằng, vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris hôm 13/11 không thể được thực hiện bởi “những con sói đơn độc”.
IS tuyên bố hành động này nhằm "Để dạy cho nước Pháp và các nước đi theo con đường của Pháp rằng, họ vẫn là mục tiêu hàng đầu của IS và mùi tử thần sẽ vẫn lẩn quất quanh họ chừng nào họ còn tham gia cuộc Thập tự chinh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu".
Theo các chuyên gia, với việc cho thấy giết hại các thường dân châu Âu một cách ngẫu nhiên dễ dàng như thế nào, IS thể hiện rằng chúng không hề muốn dọa suông. Ngoài ra, điều này còn khiến nhiều người cho rằng, Mỹ không muốn tiêu diệt tận gốc IS mà chỉ muốn ngăn cản sự bành trướng của chúng.
"Đây là một mối đe dọa hoàn toàn mới với nhân loại và thực sự khó tưởng tượng làm thế nào để khống chế nó", ông Hassan Hassan, thành viên Viện quan hệ quốc tế Hoàng gia ở London cho biết.
Theo các chuyên gia, trong tương lai IS còn nguy hiểm hơn al-Qaeda bởi không giống như IS. "Al-Qaeda lựa chọn mục tiêu tấn công mang tính biểu tượng, trong khi đó IS xem cuộc xung đột này là một cách tồn tại của chúng, từ đó chúng hành động một cách bừa bãi hơn. Điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn chúng", ông Stephane Lacroix, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan tại trường Đại học Khoa học Po tại Paris cho biết./.