Khủng bố trỗi dậy đe dọa an ninh khu vực Nam Á
VOV.VN - Chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xác nhận đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ở Pakistan khiến 54 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Vụ tấn công được xem là lời nhắc nhở về tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Vụ đánh bom khủng bố đã làm dấy lên lo ngại Pakistan có thể bước vào giai đoạn bầu cử đẫm máu sau nhiều tháng hỗn loạn chính trị sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào tháng 4/2022. Ngoài ra, sự trở lại của tổ chức khủng bố IS đang đe dọa đến an ninh của toàn bộ khu vực Nam Á.
Khủng bố khiến an ninh ở Pakistan bất ổn
Kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan tháng 8/2021 tới nay, an ninh nội bộ của Pakistan đã xuống cấp nghiêm trọng với những vụ tấn công khủng bố gia tăng, sự trỗi dậy hoạt động của các tổ chức khủng bố ở trong nước. Những gì đang diễn ra với Pakistan chắc hẳn trái ngược với kỳ vọng của giới cầm quyền nước này. Pakistan từng được cho là hậu thuẫn sự lên ngôi của Taliban trong bối cảnh Mỹ đang cố rút lực lượng quân sự khỏi quốc gia láng giềng.
Thậm chí, Islamabad còn từng đứng đằng sau hậu trường để loại bỏ những thành viên được coi là ‘ôn hòa’ trong Taliban, tạo điều kiện để những phần tử có quan điểm cứng rắn chiếm ưu thế trong Nội các mới của Afghanistan. Nhưng cũng kể từ đó, mọi việc đã hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của Islamabad.
Kể từ sau khi lật đổ chính quyền thân phương Tây và nắm quyền quản lý đất nước Afghanistan, Taliban đang ngày càng quyết đoán hơn trong chính sách và hành động. Họ từ chối mọi nỗ lực gây ảnh hưởng và tránh bị điều khiển từ bên ngoài. Taliban không hợp tác với yêu cầu của nước láng giềng Pakistan kiểm soát Lực lượng Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) – nhóm vũ trang được Islamabad coi là mối đe dọa lớn nhất với an ninh nội bộ của Pakistan.
Kết quả là số lượng các vụ tấn công khủng bố tại Pakistan tăng vọt kể từ thời điểm tháng 8/2021, khi Taliban trở lại nắm quyền ở nước láng giềng. Báo cáo An ninh thường niên năm 2022 do Trung tâm An ninh và Nghiên cứu (CRSS) – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Islamabad tiến hành cho thấy các tỉnh giáp biên giới với Afghanistan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bạo lực.
Chỉ riêng tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, số vụ tấn công khủng bố đã tăng hơn 30% trong năm 2022, đóng góp vào tổng số 506 vụ khủng bố tại nước này trong năm ngoái. Lực lượng an ninh đã mất 290 người trong giai đoạn này. Riêng tháng 12/2022, hơn 40 nhân viên an ninh Chính phủ đã thiệt mạng.
Số dân thường thiệt mạng vì tấn công khủng bố cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Tất cả các tỉnh giáp biên với Afghanistan như Khyber Pakhtunkhwa, Fata và Balochistan đều chứng kiến sự gia tăng ở mức cao nhất, tăng mạnh so với năm 2021. Báo cáo của CRSS nêu tên chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hay còn gọi là IS Khorasan hay Daish, cùng Quân đội Giải phóng Balochistan nằm trong số các tổ chức liên quan tới các vụ tấn công. Tuy nhiên, TTP vẫn là thách thức chính với giới cầm quyền tại Pakistan, nhất là sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ với TTP đổ vỡ hồi tháng 12/2022.
Lịch sử cho thấy, các chính quyền tại Pakistan từ trước tới nay luôn phải chật vật giải quyết bài toán khủng bố. Nó xuất phát từ những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và cả chính kiến từ chính trong nội bộ quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của làn sóng khủng bố mới với vai trò của TTP, IS và của Taliban ở phía bên kia biên giới thực sự là đáng lo ngại với Pakistan vào lúc này.
Tác động đối với cuộc bầu cử sắp tới
Vụ đánh bom tự sát nhằm vào một sự kiện chính trị của đảng Jamiat Ulema-e-Islam Fazl (JUI-F) tại tỉnh biên giới Khyber Pakhtunkhwa cuối tuần qua là dấu hiệu cảnh báo với Pakistan vào thời điểm then chốt này. Đảng Jamiat Ulema-e-Islam Fazl là một đối tác quan trọng của liên minh cầm quyền tại Pakistan, và do chính trị gia theo đường lối cứng rắn Fazlur Rehman lãnh đạo.
Đây rõ ràng là một thông điệp gửi tới chính quyền, giới tinh hoa chính trị và người dân Pakistan mà các phe nhóm khủng bố đưa ra. Chỉ còn ít tháng nữa là Pakistan sẽ tiến hành tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu chọn Quốc hội mới và tiếp đó là Chính phủ khóa mới. Từ giờ tới thời điểm đó, các sự kiện chính trị đông người sẽ được ưu tiên tổ chức nhằm giúp các đảng phái tiếp cận cử tri và thuyết phục họ bỏ phiếu.
Đây là thời điểm mà Pakistan dễ bị tổn thương trước các nguy cơ khủng bố. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan cũng sẽ tranh thủ dịp này để tạo áp lực lên chính quyền tương lai, hoặc là giành giật lợi thế trước lực lượng an ninh Pakistan. Hiện tại, chưa thể chắc chắn việc gia tăng các vụ khủng bố có thể ảnh hưởng như thế nào tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Pakistan.
Tâm lý của cử tri và người dân Pakistan đang và sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Ưu tiên, đường lối chính sách được thảo luận trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ bị bẻ sang nguy cơ an ninh nhiều hơn mà bỏ qua các chủ đề về phát triển kinh tế xã hội.
Nguy cơ an ninh khu vực
Sự trỗi dậy của các làn sóng khủng bố kể từ sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước Afghanistan là điều đã được dự báo từ trước. Và giờ đây chúng ta đang được chứng kiến các nguy cơ đó trở thành vấn đề trong hiện thực. Afghanistan vẫn đang trong tình trạng ‘đóng băng’ dưới thời Taliban 2.0 khi mà các hoạt động xã hội luôn trong cảnh nơm nớp lo khủng bố.
Bất kể Taliban tuyên bố đã kiểm soát được an ninh của đất nước, nhưng các nhóm cực đoan, các tổ chức thánh chiến quốc tế vẫn đang gia tăng sự hiện diện trên lãnh thổ nước này. Taliban vẫn sẽ phải thường trực nỗi lo các nhóm khủng bố như IS Khorasan, al Qaeda … gây ảnh hưởng và một thời điểm nào đó sẽ tranh giành lãnh thổ với mình. Sự bất ổn của Afghanistan cũng sẽ là vấn đề với nước láng giềng Pakistan.
Việc Taliban cầm quyền tại Afghanistan đã tạo điều kiện cho sự quyết đoán của lực lượng TTP ở Pakistan. Mà bằng chứng là việc đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Pakistan với TTP hồi năm ngoái. Sự cố này chắc chắn sẽ còn tạo ra những hệ lụy lâu dài.
TTP – phiên bản Taliban tại Pakistan có lẽ cũng ấp ủ nhiều dự định hơn với sự ủng hộ từ phía bên kia biên giới. Quá trình tái cơ cấu và vươn ra của TTP cũng đang tạo cảm hứng cho các nhóm phiến quân chống chính phủ ở Pakistan tin tưởng và tham gia các hoạt động chống đối. Mục tiêu của họ có thể là một chiến thắng kiểu Taliban ngay tại Pakistan.
Trong một diễn biến mới nhất, sau vụ đánh bom tự sát cuối tuần qua, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Taliban phải thực hiện cam kết của mình, không để lãnh thổ Afghanistan trở thành nơi dung dưỡng và đào tạo khủng bố, gây tội ác cho các nước láng giềng.
Quan điểm này đã được nhắc lại nhiều lần nhưng dường như nó đang bị phía Kabul tảng lờ. Những gì đang diễn ra ở Pakistan đang kiểm chứng điều đó. Câu chuyện của Pakistan và Afghanistan chắc chắn sẽ còn lặp lại tại các nước láng giềng Trung Á, Iran hay Ấn Độ nơi mà các mầm mống khủng bố cũng có thể sẽ lại thâm nhập và gây tội ác.