Khủng hoảng Crimea sẽ khởi đầu Chiến tranh lạnh mới?
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng tại Crimea hiện nay có thể khiến Nga và phương Tây rơi vào Chiến tranh lạnh mới nếu hai bên không có sự thỏa hiệp.
Cho đến thời điểm này, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vẫn đang diễn ra tại Crimea, tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định, đa số người dân tham gia cuộc trưng cầu này sẽ chọn giải pháp đưa Crimea trở thành một thực thể thuộc Liên bang Nga.
Mọi ánh mắt giờ đây đang đổ dồn vào cuộc trưng cầu dân ý được cho là không chỉ có ý nghĩa đối với tương lai của bán đảo Crimea mà nó còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ trong khu vực Đông Âu và quốc tế.
Người dân Crimea ủng hộ việc sáp nhập vào Nga (Ảnh: Ria Novosti) |
Quan hệ Đông - Tây bước vào thời kỳ đối đầu gay gắt?
Trong một bài viết trên Russia Direct, tác giả Pavel Koshkin cho biết, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, các chuyên gia của Nga cũng như quốc tế đều cảnh báo về sự leo thang căng thẳng chính trị trong khu vực. Những chuyên gia này đều đồng thuận cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Crimea có thể là khởi đầu cho một cuộc Chiến tranh lạnh lần thứ 2 nếu các bên liên quan không tìm ra được một giải pháp thỏa hiệp.
Theo ông Piotr Kościński, người đứng đầu Chương trình phương Đông tại Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm "sáp nhập Crimea" đều "không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế" và có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Ngược lại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công, Vladimir Evseev lại cho rằng, sự "thiển cận chính trị" của phương Tây trong việc tiếp cận vấn đề mới là nguyên nhân khiến sự đối đầu gia tăng và dẫn đến Chiến tranh lạnh lần thứ 2.
"Tiền đề khiến một cuộc Chiến tranh lạnh mới có thể xảy ra không phải xuất phát từ cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Tuy nhiên cho đến nay, quan điểm của phương Tây rất một chiều và thiển cận về chính trị", ông Vladimir Evseev nói. Phương Tây đang cố gắng bằng mọi cách để gây áp lực với Nga và có vẻ "đã sẵn sàng cho điều này nhằm tạo ra sự bất ổn cho toàn bộ lãnh thổ của Ukraine".
"Chúng ta bắt đầu một cuộc Chiến tranh lạnh mới", đó là cảnh báo của ông Michael Slobodchikoff, giáo sư Khoa Chính trị học tại Đại học Troy. "Cho đến nay, không bên nào muốn thỏa hiệp. "Cuộc chiến" tại Ukraine tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà không bên nào được phép thất bại. Cả hai bên đều sẵn sàng leo thang cuộc xung đột này thành một cuộc Chiến tranh lạnh mới".
Theo ông Slobodchikoff, Nga và phương Tây đang bị kẹt trong sự ngờ vực và nói xấu lẫn nhau. Sự đối đầu như vậy có thể khiến Ukraine rơi vào tình trạng dễ sụp đổ trong khi nước này đang cần những khoản viện trợ kinh tế lớn để tồn tại.
"Ukraine có thể đã trở thành một cầu nối giữa Nga và Tây Âu và nước này có thể đã phát triển thịnh vượng bằng việc kinh doanh với cả hai bên", ông Slobodchikoff hối tiếc.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô trước đây là Jack Matlock lại đưa ra cảnh báo rằng, lập trường của Quốc hội Crimea [ủng hộ việc sáp nhập vào Nga] có thể sẽ khơi lại cuộc chiến tranh tuyên truyền như thời kỳ Chiến tranh lạnh và có thể là cả cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai.
Trả lời câu hỏi của Russia Direct, ông Matlock cho rằng, tất cả sẽ trở thành những kẻ thua cuộc, nhưng trước mắt có lẽ thiệt hại lớn nhất sẽ là Nga và Ukraine. Ông Matlock cũng chỉ ra những thiệt hại lâu dài đối với vị thế địa chính trị của Nga, thậm chí cả khả năng tồn tại của Liên minh kinh tế Á - Âu.
Theo ông Matlock: "Tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nhưng Nga sẽ chịu nhiều hơn tất cả. Nga sẽ chịu sự cô lập với một nền kinh tế thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng như hiện nay".
Nhận định đơn giản nhưng nói lên tất cả về cuộc khủng hoảng Crimea, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Dmitri Trenin trong tiêu đề một bài viết trên Tạp chí Chính sách đối ngoại đã viết rằng "Chào mừng bạn đến với Chiến tranh lạnh lần 2".
Còn ông Viktor Mizin, Phó Giám đốc Viện Quốc tế học của MGIMO tin rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ 2 không phải là đang cận kề, mà là “nó đang ở mức cao nhất” với tình cảm bài phương Tây áp đảo trong xã hội Nga. Ông lập luận rằng quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu tới mức mà thậm chí thời Xô viết những năm 1970 dường như quan hệ giữa đôi bên còn tốt hơn nhiều.
Dòng người đi bỏ phiếu ở thành phố Simferopol (ảnh: Reuters) |
Tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea
Ông Kościński tin rằng, quyết định của Quốc hội Crimean tổ chức cuộc trưng cầu nhằm sáp nhập vào Nga là không có cơ sở pháp lý. "Quốc hội Crimea không có quyền làm như vậy (theo quy định của Hiến pháp Crimea và Hiến pháp Ukraine)", ông Kościński nói với Russia Direct. Theo ông Kościński "Không có bất kỳ lý do gì để Crimea ly khai khỏi Ukraine vì quyền lợi của người Nga sống ở bán đảo hoàn toàn không bị đe dọa".
Trong khi đó, ông Evseev lại cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là hợp pháp hơn so với các hành động sử dụng bạo lực để giành chính quyền của các cơ quan chức năng tại Kiev hiện nay [ám chỉ chính quyền mới tại Ukraine].
"Từ quan điểm này, tính hợp pháp của cuộc trưng cầu Crimea là công bằng", ông Evseev nói. "Crimea có quyền nói lên quan điểm của mình và quyết định xem nó có nên là một phần của Ukraine nữa hay không, hay nên sáp nhập vào Nga. Chính quyền hiện nay đang cố gắng ngăn chặn sự tự do của người dân, tuy nhiên họ không có bất kỳ căn cứ gì để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý này".
"Vấn đề là phương Tây không xem Quốc hội Crimea là hợp pháp, trong khi Nga lại không coi chính phủ lâm thời của Ukraine là hợp pháp bởi phe đối lập lên nắm quyền một cách không dân chủ", ông Slobodchikoff cho biết.
Theo ông Slobodchikoff: "Phương Tây về cơ bản coi quyết định của Quốc hội Crimea là bất hợp pháp trong khi quân đội Nga đang đóng quân ở Crimea". "Bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào để sáp nhập vào Nga sẽ được xem như là bị ảnh hưởng bởi quân đội Nga".
Vấn đề này đang trầm trọng thêm bởi sự khác biệt giữa các nhà lập pháp Nga và phương Tây về chính quyền hiện nay tại Ukraine và Crimea. Điều này cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được một sự thỏa hiệp.
"Phương Tây sẽ từ chối tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea trong khi đó Nga sẽ chấp nhận tính hợp pháp của nó. Có vẻ là sẽ không có sự thỏa hiệp trong vấn đề này", ông Slobodchikoff giải thích./.