Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc suy nghĩ lại về mục tiêu giảm phát thải

VOV.VN - Các chuyên gia năng lượng cho rằng, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang cản trở nỗ lực giảm phát thải carbon của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ qua tại Trung Quốc trong những tháng gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu điện ở hầu hết các tỉnh thành, làm gián đoạn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tại các nhà máy, làm suy giảm nền kinh tế nước này và khiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Phụ thuộc quá nhiều vào điện than

Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã đẩy mạnh khai thác than và sản xuất điện, nới lỏng đáng kể các biện pháp kiểm soát giá điện và nhập khẩu khí đốt. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland đang nỗ lực thúc đẩy cam kết giảm phát thải để khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mọi con mắt đều đổ dồn vào Trung Quốc – nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.  

Là quốc gia có 1,4 tỷ dân và một nền kinh tế đang phát triển chủ yếu nhờ vào các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng, Trung Quốc không thể vắng bóng trong bất cứ nỗ lực tập thể nào nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài từ mùa Hè năm nay đã cho thấy những thách thức lớn khi quốc gia này tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào than và các nhiên liệu hóa thạch khác.

Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định cam kết đến năm 2030 sẽ đưa mức phát thải lên đỉnh điểm, ổn định và giảm dần. Đến năm 2060 sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon và hoàn tất thiết lập nền kinh tế xanh, carbon thấp và tuần hoàn. Nhưng thông tin chi tiết về kế hoạch này vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10 vừa qua khiến một số nhà phân tích tự hỏi liệu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về chiến lược phát triển xanh hay không.

“Trung Quốc phải xem xét tình hình trong thời gian gần đây để giải quyết sự mâu thuẫn giữa cung và cầu về điện và than đá, đưa ra thời gian biểu và lộ trình phù hợp để thực hiện các bước đi nhằm đạt mức phát thải đỉnh điểm CO2”, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của ông Lý Khắc Cường nêu rõ.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, tình trạng thiếu điện đang tạo ra những thách thức cản trở nỗ lực giảm phát thải carbon của Trung Quốc. Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan cho rằng: “Một số nhân vật tại Trung Quốc đã viện dẫn cuộc khủng hoảng này để cản trở các mục tiêu và tham vọng chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một số khác lại đề xuất các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, chẳng hạn như sản xuất điện xanh (dựa vào năng lượng gió hay mặt trời…). Vẫn còn quá sớm để biết bên nào sẽ chiến thắng”.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá – nguồn cung ứng khoảng 60% nhu cầu năng lượng của nước này, ngay cả khi công suất sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân gia tăng mạnh mẽ. Trung Quốc là nơi chiếm hơn một nửa số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên thế giới.

Nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do cung không bắt kịp với cầu. Nhu cầu sử dụng than đá đã tăng vọt, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và trong các nghành công nghiệp nặng khi nước này đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá than trên thị trường tăng cao. Ngoài ra, do chính chính sách kiểm soát giá điện nghiêm ngặt, nhiều nhà máy sản xuất điện đã phải đóng cửa vì không có lợi nhuận trong kinh doanh.

David Fishman, giám đốc của The Lantau Group - một công ty tư vấn năng lượng cho biết: “Than hiện nay rất đắt đỏ và các máy phát điện không thể bù đắp được chi phí. Vì vậy nhiều nhà máy đã ngừng hoạt động khiến một loạt khu vực ở Trung Quốc bị ảnh hưởng”.

Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi cũng khiến sản lượng thủy điện và năng lượng gió sụt giảm. Chưa kể, Trung Quốc đã dừng mua than của Australia sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19 năm 2020.

Thiếu hụt điện đã gây khó khăn cho nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc. Một nhà máy sản xuất bảng mạch tại tỉnh Quảng Đông đã phải cắt giảm 1/3 sản lượng và tiền lương. Nhà máy này được phép hoạt động vào ban đêm khi lượng tiêu thụ điện thấp, nhưng hầu hết các công nhân đều không muốn làm việc ca đêm. Zhang Hong – chủ sở hữu nhà máy cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là phải phân chia thời gian làm việc. Hy vọng điều này chỉ là tạm thời”.  Quảng Đông là khu vực sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc. Việc hàng nghìn nhà máy  nơi đây phải ngừng hoạt động đã làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cho việc sản xuất và chế tạo các mặt hàng điện tử.

Ảnh hưởng mục tiêu cắt giảm phát thải

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, phản ứng của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng năng lượng có thể cung cấp những chỉ dấu quan trọng cho mục tiêu dài hạn của nước này về cắt giảm phát thải.

Để thúc đẩy việc sản xuất điện trước mùa Đông, Trung Quốc đã yêu cầu mở cửa lại một số mỏ than và các nhà máy điện đã dừng hoạt động, đồng thời hoãn thuế với ngành điện. Nước này cũng báo hiệu sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với việc sử dụng năng lượng, cảnh báo các địa phương không nên hạn chế lượng khí thải “một cách tùy tiện”. Những biện pháp này có khả năng khiến lượng khí thải của Trung Quốc tăng vọt trong ngắn hạn khi mà thế giới đang đối mặt câu hỏi làm thế nào để cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhanh hơn nhằm ngăn chặn tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có những hành động thiết thực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nước này đã thúc đẩy việc tự do hóa thị trường năng lượng, để khiến các nguồn năng lượng thay thế trở nên hấp dẫn hơn so với than đá. Tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh đã cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy bằng thăn tăng 20% giá đối với những người sử dụng cho mục đích công nghiệp và thương mại, đồng thời loại bỏ mức giá trần đối với những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Giá nhiệt điện than đắt đỏ có thể là động lực thúc đẩy người tiêu dùng tìm đến những nguồn năng lượng sạch, giúp các nguồn năng lượng này gia tăng sự cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi xây dựng thêm các dự án phát triển điện gió và điện mặt trời quy mô lớn hơn để nâng công suất lên tổng cộng 1.200 gigawatt vào năm 2030. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tài hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án năng lượng carbon thấp và chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi Trung Quốc công bố một kế hoạch chi tiết hơn để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 thì quyết tâm của nước này trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mới thực sự được ghi nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc "cầu cứu" Mỹ, EU tìm giải pháp khẩn cấp
Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc "cầu cứu" Mỹ, EU tìm giải pháp khẩn cấp

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã tìm kiếm các hợp đồng cung cấp khí đốt từ Mỹ, còn EU nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ các nước thành viên.

Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc "cầu cứu" Mỹ, EU tìm giải pháp khẩn cấp

Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc "cầu cứu" Mỹ, EU tìm giải pháp khẩn cấp

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã tìm kiếm các hợp đồng cung cấp khí đốt từ Mỹ, còn EU nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ các nước thành viên.

Châu Âu chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng
Châu Âu chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng

VOV.VN - Cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang trải qua một mặt bộc lộ những bất cập giữa nhu cầu năng lượng thực tế tại châu Âu với tham vọng chống biến đổi khí hậu của khối này, mặt khác cho thấy châu Âu không dễ gì gạt bỏ được sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt đến từ Nga.

Châu Âu chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng

Châu Âu chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng

VOV.VN - Cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang trải qua một mặt bộc lộ những bất cập giữa nhu cầu năng lượng thực tế tại châu Âu với tham vọng chống biến đổi khí hậu của khối này, mặt khác cho thấy châu Âu không dễ gì gạt bỏ được sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt đến từ Nga.